Cách tác giả tổ chức, cấu trúc truyện cũng rất linh hoạt, uyển chuyển. Lời trần thuật chân thật, sống động và trĩu nặng đau đớn đã khiến chiến tranh hiện lên đậm đặc chất nữ tính. Hãy đọc và cảm nhận một góc nhìn rất khác về chiến tranh!
Một cuộc chiến khác
“Cô không thể hình dung một tiếng cười của phụ nữ trong chiến tranh, là điều tuyệt biết bao nhiêu! Một tiếng nói phụ nữ…” - Đó là lời giãi bày của cựu binh Saul Gruenrikhovitch trích từ cuốn “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của tác giả Svetlana Alexievich. Bà là một nhà báo điều tra và là nhà văn hiện thực người Belarus đã được trao giải Nobel Văn học năm 2015.
Với loạt 5 quyển sách “Những giọng nói không tưởng”, “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”, “Những cậu bé kẽm”, “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” và “Thời second hand”, bà đã gây chấn động vì lối viết phức điệu về những tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng can đảm của con người. “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” là quyển thứ hai xuất bản năm 1983.
Tác phẩm xuất phát từ cuộc chiến tranh Thế giới thứ Hai đã cướp mất hàng chục triệu người Liên Xô, đã khiến cho những ngôi làng Xô viết tan hoang sau chiến tranh không còn bóng dáng đàn ông, những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, trẻ con mất cha.
Nhưng chiến tranh không chỉ là cuộc chiến của người đàn ông mà còn là cuộc chiến của những người phụ nữ. Trong quân đội Xô viết, gần một triệu phụ nữ đã phục vụ trong nhiều binh chủng khác nhau. Họ đã cống hiến cả tuổi trẻ, cuộc sống, tính mạng, tâm hồn và tính nữ cho cuộc chiến. Ngay cả sau chiến tranh, những người còn sống sót trở về thì chiến tranh vẫn cư trú dai dẳng đau đớn trong tâm hồn, cuộc đời của họ.
Như tác giả bộc bạch: “Còn có một cuộc chiến tranh khác mà chúng ta không biết. Tôi muốn viết về lịch sử cuộc chiến tranh ấy. Một lịch sử của những người phụ nữ…”. Tác phẩm giống như tuyển tập những câu chuyện được kể lại bởi những người phụ nữ đã sống sót trở về sau Thế chiến thứ Hai.
Đi theo dấu vết của tâm hồn, cảm xúc, hồi ức và kỉ niệm của họ, một cuộc chiến khác đã đồng hiện dần dần qua điểm nhìn nữ tính. Cuộc chiến tranh mà ở đó những người phụ nữ mạnh bạo dấn mình vào cơn bão táp cuồng nộ của thời đại, bị nuốt chửng, nghiền nát, chết hoặc trở về với đầy thương tích trên thân thể và trong tâm hồn. Họ cất giữ kí ức trong sự quên lãng của cuộc sống đời thường.
Những câu chuyện về họ vẫn chưa được kể hoặc được kể như là câu chuyện gia đình mà mẹ kể cho con, bà kể cho cháu. Tác giả đã hóa thân thành chiếc “tai” lớn, “nghe - đọc” những tiếng nói bên trong của phụ nữ, giải mã những kí ức đã đóng chặt, chắp nối những mảnh vụn tan tác của quá khứ để vẽ lên khuôn mặt người phụ nữ trong chiến tranh.
Giải mã khuôn mặt phụ nữ trong chiến tranh
Không viết về chiến tranh mà về những phụ nữ trong chiến tranh. Không viết về một lịch sử chiến tranh mà là một lịch sử của xúc cảm. Có ba con người tham gia và cuộc trò chuyện trong tác phẩm: Con người đang kể chuyện hôm nay, con người của quá khứ và tác giả - người nghe, ghi chép và viết lại.
Những cuộc tìm kiếm có ý thức qua hơn 100 nơi, những cuộc gặp gỡ phỏng vấn với máy ghi âm, sổ ghi chép đã tạo thành một bộ phim tài liệu, một tác phẩm văn học đầy cảm xúc, nước mắt, mất mát và đớn đau của những người phụ nữ trước, trong và sau chiến tranh. Họ đã vẽ lên một diện mạo chiến tranh thật khác với âm thanh, màu sắc, hình ảnh, mùi vị, ánh sáng, cảm xúc và từ ngữ rất riêng, đầy nữ tính.
Với 19 chương được kết cấu giống như vòng đời của người phụ nữ: Từ những cô bé 12, 13 tuổi nghe tin chiến tranh đến những cô gái 15, 16 tuổi bắt đầu tìm mọi cách tham gia vào cuộc chiến đấu. Từ cô bé họ trở thành thiếu nữ, thành vợ, thành người mẹ. Tất cả tuổi xuân của họ gắn với cuộc chiến đẫm máu và thảm khốc.
Chiến tranh đã tàn nhẫn tước đoạt của họ tất cả để rồi nếu họ có may mắn bước ra khỏi cuộc chiến thì họ cũng không còn là họ đã từng. Trước chiến tranh họ xinh đẹp, ngây thơ, đầy niềm tin và toàn thiện. Sau chiến tranh họ mất mát, đau khổ, ám ảnh, xấu xí thậm chí họ bị lãng quên, hắt hủi và ruồng bỏ.
Họ bị tù đày trong quá khứ đầy kinh hoàng gắn với những trải nghiệm ghê rợn về cuộc chiến. Họ tham gia vào cuộc chiến tranh với đủ các công việc vất vả và nguy hiểm: Y tá, lái xe, cáng thương, liên lạc, lính bắn tỉa, phi công, công binh dò mìn, thợ làm thuốc súng, thợ giặt, nấu ăn, chuyển thư…
Trong ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, cao cả và thấp hèn, yêu thương và tàn bạo, rất nhiều người phụ nữ đã vượt lên sự yếu đuối thông thường, giới hạn và cả những bản năng để cứu giúp đồng đội, kẻ thù, cứu vớt chính mình.
Thiên hồi ức của họ sống động và ngập tràn những chi tiết tưởng như vụn vặt nhưng đầy nữ tính: Bím tóc dài bị cắt, chiếc giầy cao gót, váy, những bông hoa, sô cô la, áo lót, may vá thêu thùa, khăn trùm đầu, giọt sương, tiếng chim hót, mẩu vải cháy, tiếng khóc của đứa trẻ thiếu sữa, mùi máu, sự tàn bạo của kẻ thù, con ngựa non, thân bạch dương, vụn bánh mì, súp khoai tây, làn da người chết, chiếc mũ nồi đen…
Sự lặp lại của các chi tiết giàu tính nữ như: Mái tóc, giày, áo ngực, váy... vừa tượng trưng cho vẻ đẹp và khát khao nữ tính vừa gợi sự tước đoạt khốc liệt tàn bạo của chiến tranh với phụ nữ. Nỗi xấu hổ vì thân thể bé nhỏ không vừa quần áo giầy ủng, vì kinh nguyệt, vì đôi bàn tay lở loét và rụng móng, vì bị lột trần tra tấn, vì mất chân.
Nỗi đau mất con, mất người yêu, mất chồng, mất người thân. Nỗi sợ hãi phải chứng kiến cái chết, máu và sự tàn bạo của con người. Nỗi nhớ nhà, khao khát được làm mẹ… Tất cả đã khắc họa khuôn mặt “nữ tính” của cuộc chiến tranh phi nghĩa từ góc độ chỉ những người phụ nữ mới nói lên được.
Cất lên tiếng thét căm giận
Trong hồi ức của họ những chi tiết ấy ngập tràn cảm xúc mang tư duy mĩ học đầy nữ tính. Gắn với các chi tiết là những xáo trộn, thổn thức, những hoảng loạn, căm giận, hạnh phúc, những tiếc nuối ân hận đến ám ảnh. Nhiều nhất là hồi ức của những phụ nữ làm công việc phẫu thuật, y tá, cáng thương. Có những người bước ra khỏi cuộc chiến tranh lúc mười tám, hai mươi tuổi.
Thân thể và tâm hồn họ mãi mãi không lành lặn. Họ sống với sự tổn thương mất mát đeo đẳng suốt cuộc đời. Có người không thể yêu, lấy chồng, sinh con, thậm chí không dám mặc áo lót, ăn thịt. Chiến tranh đã tước đoạt của họ tất cả thậm chí còn bằm nát cả những kí ức của họ. Nhiều người phụ nữ không thể nói, họ chỉ còn nước mắt, những tiếng nấc và sự câm lặng sợ hãi.
Tác phẩm không phải là tiếng nói của một mà là hàng trăm người phụ nữ với quy mô lớn. Từ lời kể của cá nhân đã phát triển thành lời trần thuật của cả cộng đồng nữ. Cách tác giả tổ chức, cấu trúc truyện cũng rất linh hoạt, uyển chuyển. Lời trần thuật chân thật, sống động và trĩu nặng đau đớn đã khiến chiến tranh hiện lên đậm đặc chất nữ tính.
Chiến tranh không còn là phép thống kê của những con số, sự kiện, trận đánh, huân chương và tượng đài. Qua đôi mắt phụ nữ, tâm hồn phụ nữ, trải nghiệm phụ nữ, tác phẩm đã cất lên tiếng thét lớn căm giận chiến tranh, viết lên lịch sử tâm hồn phụ nữ Nga nói riêng và phụ nữ toàn thế giới nói chung.
Hãy đọc và cảm nhận một góc nhìn rất khác về chiến tranh!