(GD&TĐ) - Ngày 24/8, tại TP.Đà Nẵng, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Dạy nghề. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tham dự và chủ trì Hội nghị, cùng dự có Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam Nguyễn Thị Hằng, lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề, các Sở LĐTB&XH và các cơ sở dạy nghề thuộc 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành luật Dạy nghề |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: “Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành luật Dạy nghề với mục đích đánh giá những kết quả đạt được và những bất cập, vướng mắc, khó khăn sau 5 năm thực hiện. Từ đó, đề xuất một số nội dung cần sửa đổi bổ sung vào Luật Dạy nghề để sát với thực tế cuộc sống nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề của nước ta đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế”.
Tính đến tháng cuối 12/2011 cả nước có 136 trường cao đẳng nghề (34 trường ngoài công lập), 307 trường trung cấp nghề (99 trường ngoài công lập), 849 trung tâm dạy nghề (324 trung tâm ngoài công lập) và hơn 1.000 cơ sở khác tham gia dạy nghề, tăng 1,5 lần so với năm 2006. Về danh mục nghề đào tạo, tính đến tháng 5/2012, có 386 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng, 462 nghề đào tạo ở trình độ trung cấp.
Hiện nay, cả nước có 33.270 giáo viên dạy nghề tại các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề, gần 16.000 giáo viên thuộc các cơ sở khác có tham gia dạy nghề, tăng 1,6 lần so với năm 2006. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đại học trở lên tại các trường cao đẳng nghề chiếm 69,42% và ở các trường trung cấp nghề là 48,96%. Khoảng 65% số giáo viên trong các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề có trình độ kỹ năng nghề là giáo viên dạy thực hành, trong đó có 41% dạy cả lý thuyết và thực hành.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Ngọc Phi cho biết, sau 5 năm, chúng ta đã có những thành công từ cơ sở vật chất, quy mô đào tạo từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng dạy nghề và đội ngũ giáo viên phát triển khá đồng đều. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành luật Dạy nghề thì một số quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập so với yêu cầu thực tiễn phát triển dạy nghề. Chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động (về tay nghề, về các kỹ năng mềm). Đồng thời, cơ cấu đào tạo nghề và trình độ đào tạo chưa hợp lý. Dạy nghề cho lao động nông thôn để chuyển dịch sang khu vực công nghiệp và dịch vụ còn chậm. Giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Quản lý nhà nước về dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dạy nghề, đặc biệt là về cơ chế, chính sách. Mặt khác, chưa hình thành được những cơ sở dạy nghề chất lượng cao và trung tâm đào tạo nghề ở các vùng; sự tham gia của doanh nghiệp vào dạy nghề còn hạn chế.
Theo đó, tại Hội nghị, các đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về một số nội dung cơ bản của Luật Dạy nghề cần sửa đổi, bổ sung như: Đối với trình độ dạy nghề trình độ trung cấp (TCN) thì thời gian đào tạo cần chia làm 2 loại: từ một đến hai năm học tùy theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THCS để được cấp bằng tốt nghiệp TCN bậc 1 (không được liên thông lên trình độ cao hơn). Từ một đến hai năm tùy theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THPT; đối với người có bằng tốt nghiệp THCS phải thêm thời gian học văn hóa lấy bằng THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT để cấp bằng tốt nghiệp TCN bậc 2 (được học lên trình độ cao hơn). Đối với dạy nghề trình độ sơ cấp thì quy định cụ thể số giờ thực học tối thiểu.
Về giáo viên dạy nghề không nên tách thành 2 loại giáo viên (lý thuyết và thực hành), chỉ có 1 loại giáo viên dạy nghề là tích hợp cả lý thuyết và thực hành và phải có trình độ chuẩn gồm chuyên môn, kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm dạy nghề. Về cơ sở dạy nghề cần xác định rõ loại hình sở hữu của các cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các cơ sở dạy nghề thuộc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và các cơ sở giáo dục chỉ nên tập trung vào việc thực hiện đào tạo hệ chuyên nghiệp không nên tham gia đào tạo nghề. Ngoài ra, cần phải quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề, nếu doanh nghiệp không tham gia được hoạt động dạy nghề thì phải đóng góp khoản kinh phí dạy nghề theo quy định. Đồng thời, Luật cần quy định các điều, khoản cụ thể trong việc quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo, về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cũng như việc phân luồng học sinh phổ thông để có hướng đào tạo nguồn nhân lực. Mặt khác, các đại biểu cũng kiến nghị cần đưa thang, bảng lương vào trong Luật Dạy nghề sửa đổi sắp tới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học nghề.
Tại Hội nghị, các đại biểu các tỉnh khu vực Tây Nguyên còn nêu ra một số vấn đề khó khăn trong công tác đào tạo nghề do điều kiện thời tiết khắc nghiệt không thuận lợi choc ho phát triển KT&XH, lao động sau khi học nghề gặp khó khăn trong lao động sản xuất đã làm ảnh hưởng đến ý thức học nghề. Việc đào tạo nghề lưu động tại các vùng sâu, vùng xa gây khó khăn cho đội ngũ giáo viên, cũng như việc vận chuyển trang thiết bị dạy nghề. Trình độ học vấn của người học nghề còn thấp, nhất là lao động DTTS vì vậy ý thức học nghề còn hạn chế. Theo đó, đội ngũ giáo viên dạy nghề, CBQL, cán bộ chuyên trách dạy nghề cấp cơ sở còn thiếu số lượng, yếu về chuyên môn và hạn chế về kinh nghiệm. Vì thế, công tác phối hợp tổ chức đào tạo nghề gặp rất nhiều khó khăn, cản trở. Bên cạnh đó, công tác điều tra, đánh giá tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề chưa được thực hiện thường xuyên.
Bởi vậy, hầu hết các đại biểu kiến nghị, tiếp tục được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề. Cần tăng nguồn vốn vay để tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề phát triển mở rộng sản xuất. Đồng thời, cần xem xét bổ sung một số chính sách riêng trong công tác đào tạo nghề đối với các vùng đặc thù như vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại Khải