Chấp nhận 'hy sinh' ngân sách

GD&TĐ - Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm 2024.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Đây là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng một lít; với nhiên liệu bay, dầu diesel, mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng một lít; với dầu hỏa 600 đồng một lít.

Mức này tương đương 50% biểu khung thuế và đang áp dụng từ tháng 4/2022 đến hết năm nay. Từ 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần trong biểu khung thuế, tức 4.000 đồng một lít với xăng (trừ ethanol); nhiên liệu bay 3.000 đồng một lít.

Đánh giá tác động của việc giảm thuế, Chính phủ cho biết ngân sách Nhà nước ước giảm thu khoảng 38.924 tỷ đồng. Nếu tính chung cả việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) nửa đầu năm 2024 thì ngân sách giảm thu hơn 42.450 tỷ đồng.

Đặt trong thực tế thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm nay ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán nhưng vẫn giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022, đề xuất của Chính phủ cho thấy nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Việc kéo dài giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm sau sẽ giúp hạ giá bán lẻ trong nước, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Theo tính toán của Chính phủ, khi giảm thuế này, giá xăng, dầu tới tay người tiêu dùng sẽ hạ tương ứng 1.100 - 2.200 đồng mỗi lít (đã gồm VAT), riêng dầu hỏa hạ 660 đồng mỗi lít

Mặt khác, nếu tiếp tục giảm thuế này hết năm sau sẽ tránh được biến động tăng giá bán lẻ xăng, dầu và không làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo Tổng cục Thống kê, trường hợp thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn tăng lên bằng mức trên của biểu khung thuế từ đầu năm 2024 sẽ làm chỉ số giá CPI bình quân tăng thêm 0,36 - 0,54 điểm phần trăm.

Việc giảm thuế này cũng giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi, nhất là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ giảm thuế với xăng, dầu như vận tải, dịch vụ khí đốt, đánh bắt thủy sản.

10 tháng của năm nay, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường hoặc tạm rời khỏi thị trường tăng đến 20% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 7,1%, nhập khẩu giảm 12,3%; thu ngân sách Nhà nước chỉ đạt 86,3% dự toán. Tăng trưởng cả năm dự báo khoảng 5% - cách rất xa mục tiêu đặt ra.

Hiện tại đã vậy, tương lai lại chưa thấy dấu hiệu khởi sắc. Cả hai báo cáo gần đây về triển vọng kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh, lạm phát kéo dài. Diễn biến này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta - vốn có độ mở khá lớn.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều khả năng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, chấp nhận “hy sinh” ngân sách để tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp, người dân và hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, trong tình huống hiện nay, Chính phủ cũng cần tính toán kịch bản dài hơi hơn, thậm chí nghiên cứu và đề xuất giảm thuế mạnh hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng, sau đó thu ngân sách sẽ tốt hơn khi doanh nghiệp, kinh tế phục hồi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.