Ngày 4/12, Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm 2024.
Mức giảm thuế tương đương 50% biểu khung thuế và đang được áp dụng từ tháng 4/2022.
Năm 2024, mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít; với nhiên liệu bay, dầu diesel, mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; với dầu hỏa 600 đồng/lít.
Theo tính toán, khi giảm thuế, giá xăng dầu bán lẻ sẽ giảm 1.100 - 2.200 đồng/lít (đã gồm VAT), riêng dầu hỏa giảm 660 đồng/lít.
Sau năm 2024, mức thuế bảo vệ môi trường sẽ trở lại mức 4.000 đồng/lít với xăng (trừ ethanol); nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít.
Về tác động bởi chính sách, qua giảm thuế, ngân sách Nhà nước ước giảm thu bình quân mỗi tháng (đã gồm VAT) khoảng 38.924 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, việc kéo dài giảm thuế này sẽ giúp hạ giá bán lẻ trong nước, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Việc giảm thuế này cũng giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi, nhất là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ giảm thuế với xăng, dầu.
Trước đó, khi thẩm định đề xuất này, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) phối hợp với Bộ Công Thương bổ sung đánh giá về cung cầu, giá xăng dầu trong nước và thế giới để đưa ra thời gian áp dụng phù hợp.
Song, Bộ Tài chính cho hay, giá xăng dầu thường biến động nhanh trong thời gian ngắn và giá trong nước phụ thuộc vào thế giới. Trong khi, giảm thuế bảo vệ môi trường là giải pháp tình thế, áp dụng trong bối cảnh giá xăng dầu biến động, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.
"Chính sách này chỉ áp dụng trong thời gian nhất định, nên đề xuất kéo dài giảm thuế này với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm sau là phù hợp", Bộ Tài chính lập luận.