Nên tiếp tục giảm thuế VAT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Có thể thấy, sau thời gian dài chống chịu với dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Chương trình Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vừa có điều chỉnh, theo đó, Quốc hội sẽ xem xét đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng đầu năm 2024.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Có thể thấy, sau thời gian dài chống chịu với dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Số doanh nghiệp ra khỏi thị trường hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 20% so với 10 tháng của năm 2022.

Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu giảm 12,3%, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán năm.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi như tăng trưởng thấp hơn kế hoạch, sức ép lạm phát còn cao,... Trong bối cảnh đó, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước bởi đây là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, hai đợt giảm thuế 2% VAT (đợt 1 từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022; đợt 2 từ 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023) cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

Cụ thể, qua 4 tháng thực hiện (tháng 7, 8, 9 và tháng 10 năm 2023), chính sách giảm thuế VAT đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng; đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Nhờ đó, GDP quý II và quý III/2023 cao hơn quý I/2023. Từ tháng 7/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng đều đặn. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022, song lạm phát vẫn được kiểm soát.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 25 nghìn tỷ đồng như tính toán của Chính phủ. Tuy nhiên điều quan trọng là, toàn xã hội, từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến từng người dân đều hưởng lợi từ chính sách này.

Với những người bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế hay bị giảm thu nhập do mất việc làm, giảm thuế VAT giúp họ giảm gánh nặng chi tiêu. Đối với nhóm người tiêu dùng còn lại, giá cả hàng hóa giảm do thuế giảm chính là yếu tố kích thích tiêu dùng hiệu quả. Về phía doanh nghiệp, thuế giảm dẫn đến giá thành giảm, nhờ đó doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, giảm giá bán, thúc đẩy tăng doanh số.

Hơn nữa, những mặt hàng được giảm VAT hầu hết là hàng tiêu dùng, trong khi các hạng mục dịch vụ và các mặt hàng được hưởng lợi trong đại dịch thì không. Điều này giúp cán cân nền kinh tế cân bằng hơn, các ngành nghề còn gặp khó vẫn tiếp tục được hỗ trợ để phát triển. Ngoài ra, chính sách này cũng tác động đến an sinh xã hội, gián tiếp tác động đến tâm lý người dân, doanh nghiệp và do đó tạo nền tảng ổn định phát triển kinh tế.

Vì tất cả những lẽ đó, hy vọng giải pháp này sẽ được Quốc hội cho phép áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024, thậm chí là trong cả năm 2024, để đẩy lùi mối lo lạm phát, tiếp tục hỗ trợ người dân và tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ