Chúng tôi tìm đến buôn Jok vào giữa buổi trưa oi nóng, khi người dân đã yên giấc ngủ trưa thì Y Phăng vẫn miệt mài bên những chậu cảnh đang đúc dang dở.
Y Phăng cho biết: “Khách đặt hàng gấp quá, mình phải làm luôn cả trưa thậm chí đến tối mới đủ số lượng giao cho khách. Họ yêu cầu chất lượng, mẫu mã đẹp, mình không được làm ẩu... phải giữ uy tín với khách hàng chứ”.
Đưa đôi bàn tay thô ráp xoa nhẹ mép chậu, Y Phăng kể về cơ duyên đến với nghề đúc chậu cảnh của mình: Năm 2010, học xong lớp 12, Y Phăng ở nhà phụ gia đình bán nước mía, vừa suy nghĩ tìm đường học nghề.
Thấy nhà kế bên thuê thợ đúc chậu cảnh, Y Phăng tò mò sang xem.
Chỉ với nguyên liệu là cát và xi măng, qua bàn tay tài hoa của người thợ, chúng biến thành những chậu cảnh tinh xảo khiến Y Phăng thích thú. Anh lén học lỏm nghề rồi về nhà mày mò làm thử.
Đôi chân không lành lặn, việc đi lại hằng ngày đối với Y Phăng vốn đã khó, nay anh phải làm quen với công việc trộn hồ, xúc cát, làm khung…lại càng khó khăn gấp bội.
Sau một năm kiên trì, quyết tâm theo nghề Y Phăng cũng nắm vững chiếc bay, thỏa sức tạo nên những kiểu chậu ưng ý.
Ban đầu, Y Phăng chú tâm đúc chậu để trồng cây cảnh. Anh tự nghĩ ra nhiều kiểu chậu hình dáng ngộ nghĩnh, độc đáo như hình chiếc ly cổ cao, giày cao gót, chiếc cối giã…
Sản phẩm độc, lạ của anh nhanh chóng được giới chơi cây cảnh chú ý. Nhiều khách tìm đến Y Phăng đặt hàng hơn và dần dần anh trở thànhthợ đúc chậu cảnh chuyên nghiệp.
Gặp khó về nguồn vốn, năm 2016 Y Phăng mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Quỹ Khởi nghiệp của huyện Đoàn Cư M’gar đầu tư mở rộng mặt bằng, mua thêm dụng cụ máy cắt – hàn… phục vụ công việc đúc chậu.
Y Phăng cần mẫn và sáng tạo với công việc đúc chậu cảnh. |
Với sự siêng năng, cần mẫn và sáng tạo, Y Phăng không ngừng “chế” ra nhiều mẫu chậu đẹp, đáp ứng thị hiếu khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Từ đúc vài chậu, đến nay Y Phăng cho ra thị trường hàng trăm chậu cảnh/năm với mẫu mã phong phú, đa dạng.
Hiện anh đã hoàn trả đủ vốn vay huyện Đoàn, có thu nhập ổn định 5-6 triệu đồng/tháng.
Nghề đúc chậu cảnh bận rộn nhất là vào những tháng cuối năm, nhiều đơn hàng, anh phải thuê thêm người giúp.
Y Phăng tâm sự: Muốn sống lâu bền với nghề này phải liên tục tạo sáng tạo, mẫu càng đẹp, lạ thì khách càng thích. Nhưng đẹp thôi chưa đủ, mẫu phải chất lượng, có tính thực tế cao thì khách mới chọn mua. Hiện tôi cố gắng tích lũy thêm vốn để mở rộng cơ sở sản xuất, đúc thêm nhiều mặt hàng khác.
Bằng sự nỗ lực cùng quyết tâm vượt lên nghịch cảnh, Y Phăng đã khởi nghiệp thành công bằng nghề đúc chậu cảnh. Với anh đây là niềm hạnh phúc khi vừa làm công việc mình thích lại có thu nhập ổn định nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình.