Từ vườn ươm nhỏ của chàng sinh viên…
Sinh ra trong một gia đình nông dân trồng rau tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thanh Sang không muốn theo nghề cũ. Anh thiết nghĩ, Đà Lạt vốn là xứ sở của các loài hoa nên nhất định phải bắt tay vào nghiên cứu lĩnh vực này. Từ nhỏ, Phan Thanh Sang đã được ông ngoại tặng cho một giỏ hoa lan, anh chưa từng nghĩ loài hoa ấy đã trở thành cơ ngơi của anh sau này.
Năm 2005, khi còn là sinh viên năm thứ nhất, Phan Thanh Sang đã thử nghiệm trồng hoa với 20m2 đất. Lúc ấy, anh chỉ nghĩ trồng để chơi và nghiên cứu thêm phục vụ cho việc học tập. 50 giỏ phong lan là số vốn khởi nghiệp ban đầu của chàng sinh viên khi ấy.
Thời gian rảnh, anh thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, đến từng vườn ươm để thu thập thêm kiến thức thực tế. Đến năm 2008, ra trường với tấm bằng kỹ sư xuất sắc, Phan Thanh Sang đã thuyết phục gia đình cho một sổ đất và mạnh dạn vay vốn ngân hàng 200 triệu để trồng hoa lan làm thí nghiệm.
Phan Thanh Sang đã xây dựng thương hiệu trồng hoa mang tên “Sang còi”, anh chia sẻ: “Giai đoạn đầu nhiều khó khăn vì mỗi loại hoa là một đặc tính khác nhau. Quá trình lai giống mới rất dài, nên cần kiên trì theo đuổi nghiên cứu. Một số loài hoa lan sinh trưởng trong tự nhiên đã khó, để phát triển trong ống nghiệm còn khó hơn, phải tạo môi trường phù hợp cho cây sinh trưởng.
Cây bị hao hụt, bị hư, nhiễm bệnh, khi trồng trong nhà kính phải kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm. Lúc cây ra hoa lại cần phải có chế độ chăm sóc riêng. Nhiều lần, chỉ một chút lơ là chủ quan đã dẫn đến thất bại không nhỏ”. Không chỉ lai tạo nhiều giống lan khác nhau, Sang “còi” còn tạo ra những loại lan có mùi hương mới lạ.Cây nào có mùi thơm đặc biệt thì dùng phương pháp tự thụ để giữ nguyên đặc tính ban đầu. Vì vậy, nhiều loại lan có hương bưởi, mùi dừa, mùi gừng, rất đặc biệt.
Nhìn thấy nguồn giống mới thực sự quan trọng nên Sang còi đã tập trung vào lai tạo giống. Không vừa lòng với việc chỉ kinh doanh giống lan sẵn có, anh đã mua một số giống lan ở nước ngoài về trồng, rồi mày mò tự nhân giống mới cho giá trị cao hơn, phù hợp với khí hậu ở Việt Nam và đặc biệt là Đà Lạt.
Đến giờ, anh cũng không nhớ đã lai tạo ra bao nhiêu giống mới nhưng những cái tên như lan hài hồng, hài trắng, lan hồ điệp, trúc lan, lan Đen – rô mùa xuân, lan Păng - xê, lan Catleya và một số giống phong lan rừng Việt Nam…đã nở rộ khắp khu vườn của đôi vợ chồng trẻ.
Một số loài anh để phục vụ kinh tế như lan hồ điệp, có giá bán vài trăm nghìn đến một triệu đồng, cây quý hơn có giá đến 5 triệu. Riêng những giống quý hiếm có tên trong sách đỏ thì anh để phục vụ cho mục đích bảo tồn, khôi phục giống và nghiên cứu khoa học, chứ không bán cũng không chuyển nhượng lại dù nhiều nơi đặt mua với giá cao.
…Đến cơ nghiệp tiền tỷ
Hoa lan do chính "Sang còi" trồng |
Đến nay, cơ nghiệp của Sang "Còi" rộng hơn ngàn ha gồm vườn lan, phòng thí nghiệm, vườn du lịch... đã nổi tiếng khắp vùng. Anh còn động viên bà con xung quanh khu cùng làm. Nhờ vào những thành công của bản thân và kiến thức tích lũy được, ai nấy đều bắt tay vào để nhân rộng mô hình.
Anh cho rằng khởi nghiệp cần gắn kết với cộng đồng thì mới phát triển bền vững.Anh cũng đã đề xuất xây dựng khu phố Hồ Xuân Hương (phường 9, Đà Lạt) thành Làng du lịch nông nghiệp Xuân Hương với thế mạnh trồng hoa và đón khach du lịch.Mỗi ngày khu vực trải nghiệm nông nghiệp đón khoảng 100 khách du lịch, trong những mùa cao điểm du lịch con số này còn nhiều hơn.
Mô hình du lịch nông nghiệp của Sang được UBND tỉnh Lâm Đồng chọn làm điểm về du lịch nông nghiệp của tỉnh để có cơ chế hỗ trợ đầu tư, nhân rộng sau này. Bên cạnh đó, Sang còn mở thêm canh nông ngay tại nhà.
Anh dành một khu đất để phục vụ du khách tham quan chỉ chuyên trưng bày hoặc trải nghiệm mang tên “Vườn ươm khởi nghiệp”. Đây chính là nơi các bạn trẻ đến chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, làm giàu. Các sản phẩm được trung bày do các thanh niên mang đến đều được du khách đánh giá cao và tỏ ra thích thú. Cũng chính vì lý do ấy, anh đã đổi tên thương hiệu thành YSA Orchid Farm để phù hợp với thị trường rộng lớn.
Khởi nghiệp đúng hướng, mạnh dạn đầu tư và chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, đến nay vợ chồng anh đã có cơ ngơi trồng hoa lan nổi tiếng khắp vùng, thậm chí còn mở rộng thị trường ra cả Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh,…
Năm 2017, Phan Thanh Sang cho biết doanh thu của gia đình lên đến hơn 20 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 50 người lao động. Sắp tới, anh chia sẻ sẽ đầu tư vào lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch cho hợp lý và xuất sang những thị trường khó tính. Hiện, Phan Thanh Sang là Chủ tịch Hiệp hội Hoa tại thành phố Đà Lạt.
Anh đã từng nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 4 dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc” do Trung ương Đoàn tổ chức (năm 2009); Giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (năm 2012); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng (năm 2015); Một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (năm 2015).
Nhân Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI mới đây, Phan Thanh Sang đã chuyển 600 cành hoa lan với 7 màu sắc khác nhau vận chuyển bằng máy bay mang ra Hà Nội để trưng bày. Tại Trung tâm Hội nghị quốc gia – nơi diễn ra Đại hội Đoàn toàn quốc, tiểu cảnh hoa lan trị giá 200 triệu đồng của anh đã được rất nhiều thanh niên đến học hỏi kinh nghiệm bằng sự ngưỡng mộ. Anh chỉ cười: Khởi nghiệp cần trau dồi kỹ năng với đam mê. Nếu không có kiến thức để bắt tay vào công việc sẽ khó có được thành công.