(GD&TĐ) - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (sau đây gọi tắt là Viện) thuộc Bộ GD&ĐT, là cơ quan nghiên cứu quốc gia về khoa học giáo dục (KHGD), có sứ mệnh phát triển nền KHGD Việt Nam, giúp Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong nghiên cứu toàn diện về GD, xây dựng chiến lược GD, chính sách quản lí nhà nước về GD và ĐT; triển khai các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ chính trị của ngành; Viện là đơn vị nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai về KHGD; đào tạo sau đại học về KHGD và các ngành liên quan.
Thành lập năm 1961, đến nay vừa tròn 50 tuổi, Viện đã có một đội ngũ cán bộ nghiên cứu trên 400 người, trong đó có 200 GS, PGS,TS, ThS, làm việc tại 17 trung tâm nghiên cứu, đào tạo - bồi dưỡng, thông tin khoa học và trường thực nghiệm GD.
Hội thảo triết lý GD |
Lịch sử hình thành
Đơn vị tiền thân của Viện KHGD Việt Nam ngày nay là Viện Nghiên cứu GD thuộc Bộ GD, được thành lập ngày 6/12/1961. Ngày 07/01/1971, Phủ Thủ tướng đã ra Quyết định thành lập Viện KHGD trên cơ sở thống nhất Viện cũ và bổ sung một số bộ phận khác của Bộ GD. Năm 1987, Bộ trưởng Bộ GD ra Quyết định thành lập Viện KHGD Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Viện KHGD với nhiều cơ quan nghiên cứu khác của Bộ GD. Năm 1994, Viện KHGD dục Việt Nam lấy lại tên cũ là Viện KHGD.
Năm 1977, Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề trực thuộc Tổng cục Dạy nghề và Viện Nghiên cứu Đại học và Trung học chuyên nghiệp trực thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp được thành lập. Năm 1988, trên cơ sở sáp nhập hai viện này, Viện Nghiên cứu Đại học và GD chuyên nghiệp đã ra đời. Năm 1994, Viện Nghiên cứu Đại học và GD chuyên nghiệp được đổi tên thành Viện Nghiên cứu Phát triển GD.
Năm 2003, Viện Chiến lược và Chương trình GD được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Viện KHGD và Viện Nghiên cứu Phát triển GD.
Năm 2008, Viện KHGD Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Viện Chiến lược và Chương trình GD, đồng thời sáp nhập Trung tâm Công nghệ GD, Trung tâm Nghiên cứu GD Dân tộc vào Viện.
Thành tích nổi bật trong nghiên cứu KHGD
Viện đã hoàn thành một số công trình nghiên cứu cơ bản và đã tổ chức nghiên cứu một hệ thống đề tài có quy mô lớn: Chủ trì 01 chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước (gồm 17 đề tài), 35 đề tài cấp Nhà nước, 480 đề tài cấp Bộ (trong đó có 27 đề tài cấp Bộ trọng điểm), 06 dự án sản xuất thử cấp Nhà nước, 24 đề tài ứng dụng, triển khai sản xuất thử cấp Bộ, 4 đề tài về tiêu chuẩn cấp Nhà nước, 11 đề tài về tiêu chuẩn cấp Ngành, 346 đề tài cấp cơ sở, 23 dự án, đề án thuộc 8 chương trình - mục tiêu của Bộ. Ngoài ra, Viện còn thực hiện 40 đề tài hợp tác với nước ngoài, 74 đề tài nghiên cứu theo hợp đồng với các cơ quan Trung ương và địa phương; 07 nhiệm vụ quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường.
Ngoài các đề tài, Viện còn được giao nhiều nhiệm vụ nghiên cứu và đề án triển khai phục vụ quản lí nhà nước, góp phần giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ chính trị của ngành. Ngay từ ngày đầu mới thành lập, Viện đã biên soạn hoàn chỉnh các văn kiện phục vụ Bộ chính trị, Trung ương đảng về cải cách GD phổ thông; tư vấn cho LĐ Bộ về các chủ trương, chính sách phát triển GD trong từng giai đoạn. Các nghiên cứu của Viện đã cung cấp những luận cứ khoa học cho việc đổi mới hệ thống GD và đóng góp có ý nghĩa vào việc xây dựng các văn bản quan trọng về GD như: Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII; Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng khóa IX, khóa XI, Nghị quyết 40, 41 của Quốc hội về đổi mới chương trình GDPT và phổ cập THCS; Nghị định 90CP của Chính phủ, trong đó đào tạo thạc sỹ - một bậc học mới lần đầu tiên được đưa vào cơ cấu khung hệ thống GD quốc dân. Đội ngũ cán bộ khoa học đã chủ trì và tham gia thực hiện các nhiệm vụ cấp bách của ngành, như: Xây dựng báo cáo về tình hình GD của Chính phủ trình Quốc hội khóa X tại kì họp thứ sáu; Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết TW 2 sau mỗi giai đoạn nhất định, v.v…
Viện được giao nhiều nhiệm vụ nghiên cứu lớn, như: xây dựng Chiến lược phát triển GD 2001 – 2010; tổ chức đánh giá và xây dựng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chiến lược phát triển GD 2001 - 2010; phối hợp xây dựng báo cáo tình hình phát triển GD và ĐT đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên và Tây Bắc giai đoạn 2001 – 2005, và định hướng phát triển đến 2010; thường trực xây dựng chiến lược phát triển GD 2011 – 2020; xây dựng kế hoạch hành động giáo dục trẻ khuyết tật giai đoạn 2005-2010. Triển khai dịch vụ tư vấn cho các tỉnh, thành phố xây dựng quy hoạch phát triển GD 10 năm; dịch vụ tư vấn xây dựng chiến lược phát triển các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Những kết quả nghiên cứu của Viện về mô hình cơ sở GD mới đã được đưa vào triển khai trong thực tiễn, như: trung tâm dạy nghề cấp quận/huyện; trường cao đẳng cộng đồng; trung tâm học tập cộng đồng; trường phổ thông dân tộc nội trú; trường phổ thông dân tộc bán trú; các loại hình trường bán công, dân lập và tư thục,v.v…
Viện là cơ quan có vai trò quan trọng trong xây dựng chương trình và hướng dẫn thực hiện các chương trình GD như: Chương trình chăm sóc, GD trẻ mầm non, phổ thông, GD chuyên nghiệp và đại học, GD thường xuyên, GD chuyên biệt; chương trình đào tạo ở các trường trung học và cao đẳng sư phạm; đổi mới chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên các chu kì. Các phương án Đổi mới các mô hình nhà trường: tiểu học, THCS, THPT. Đổi mới phương pháp dạy học; dạy tin học trong nhà trường phổ thông; dạy chữ dân tộc và tiếng Việt cho học sinh dân tộc; hoàn thiện mô hình GD chuyên biệt, triển khai mô hình GD hòa nhập, đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật; tiêu chuẩn trang thiết bị dạy học đáp ứng những đổi mới về nội dung, phương pháp dạy học. Nghiên cứu về phương án sử dụng điểm thưởng trong các kì thi tuyển sinh vào THCN, cao đẳng và đại học. Tham gia xây dựng đề án dạy ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân và chủ trì xây dựng chương trình tiếng Anh tiểu học, trung học cơ sở; đề án thí điểm dạy tiếng Nhật trong trường phổ thông Việt Nam; đề án dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Viện đã có những đóng góp, phát hiện mới trong nghiên cứu cơ bản về phát triển trí tuệ học sinh tiểu học, trung học; đặc điểm phát triển sinh lí, thể chất trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Các kết quả nghiên cứu của Viện đã góp phần giải quyết những vấn đề cốt lõi về quy luật hình thành nhân cách con người Việt Nam, làm phong phú thêm cơ sở lí luận và đề xuất các giải pháp phù hợp cho các mặt GD, đặc biệt là đức dục, trí dục đối với mọi đối tượng từ mầm non đến phổ thông, chuyên nghiệp, dạy nghề, phù hợp với tính đa dạng và trình độ phát triển của các vùng, miền trong cả nước.
Sản phẩm nghiên cứu của Viện bao gồm hàng nghìn bài báo khoa học; các bộ chương trình về GD mầm non, phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, GD đại học, GD thường xuyên; hàng trăm đầu sách chuyên khảo và tham khảo; tài liệu dịch; đồng tác giả trên 100 đầu sách giáo khoa các cấp học; trên 70 mẫu thiết bị dạy học. Ngoài ra, còn có hàng trăm báo cáo khoa học được công bố tại các hội nghị khoa học cấp quốc gia và quốc tế.
Công tác đào tạo và bồi dưỡng sau đại học
Năm 1978, Viện được nhận nhiệm vụ đào tạo trên đại học và hai năm sau, năm 1980, khóa đào tạo PTS (nay là TS) đầu tiên được tuyển sinh với hai chuyên ngành Tâm lí học và Giáo dục học. Ngoài đào tạo TS, năm 1992, Viện được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ. Đến nay, Viện đã đào tạo 28 khoá NCS với 184 NCS đã bảo vệ thành công luận án TS, trong đó có 2 NCS là người nước ngoài, hiện đang đào tạo 157 NCS. Đã có 1144 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ KHGD tại Viện. Viện đã chủ trì tổ chức hàng trăm khóa bồi dưỡng dành cho cán bộ quản lí và giáo viên các trường ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề về quản lí GD, đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp luận nghiên cứu khoa học, v.v…
Trong công tác nâng cao năng lực đội ngũ, Viện đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm cán bộ đi học, tập huấn, tham quan ở nước ngoài và đón hàng chục đoàn cán bộ các nước vào tham quan, học tập và hợp tác nghiên cứu. Tổ chức các lớp học chuyên đề để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ Viện.
Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo
Viện là một trong những đơn vị có quan hệ mật thiết với Viện Hàn lâm KHGD Liên xô và Viện Hàn lâm KHGD Cộng hòa dân chủ Đức (trước đây). Ngoài ra, Viện còn có quan hệ hợp tác với Bộ GD và các trường đại học của nhiều nước, các tổ chức quốc tế. Viện đã kí kết hợp tác và tổ chức trao đổi thông tin KHGD, hợp tác nghiên cứu với nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học trên thế giới như: Viện Nghiên cứu vì sự phát triển của Pháp (IRD); Viện Hàn lâm GD của LB Nga; Trường Đại học Lund-Thụy Điển; Trường đại học California Miranmar, Mỹ; Trường Đại học Boston Anh Quốc; Đại học Giáo dục Aarhus Đan Mạch; Hội đồng Anh; Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản; Viện Phát triển GD Hàn Quốc (KEDI); Viện Nghiên cứu về GD suốt đời Hàn Quốc (NILE); Viện Chương trình và Đánh giá Hàn Quốc; Viện Dạy nghề của Hàn Quốc (KRIVET); Trường ĐH WooSong, v.v…
Ngoài ra, Viện còn đạt được nhiều thành tích trong công tác thông tin khoa học và hoạt động chính trị, xã hội...
Vì những thành tích xuất sắc trên, Viện đã được Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; Huân chương Độc lập hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT. Đảng bộ của Viện đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Hàng năm công đoàn Viện đều được tặng thưởng bằng khen của Công đoàn GD Việt Nam và của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện KHGD Việt Nam, thay mặt toàn thể cán bộ Viện, tôi xin chân thành cảm ơn sự lãnh đạo của Bộ GD& ĐT, các Bộ, Ban, Ngành trung ương đã dành sự quan tâm, chỉ đạo và tạo những điều kiện thuận lợi để Viện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Trân trọng cảm ơn các đơn vị trực thuộc Bộ, các sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, các cơ sở GD mầm non trong cả nước vì những hoạt động hợp tác có hiệu quả. Xin cảm ơn tất cả các bậc tiền bối, các cán bộ lãnh đạo và các nhà khoa học, các cán bộ và viên chức của Viện qua các thời kì đã và đang đóng góp công sức của mình xây dựng Viện ngày càng phát triển.
GS.TS. Phan Văn Kha
Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam