Chặng đường không trải hoa hồng

Chặng đường không trải hoa hồng

(GD&TĐ) - Dường như phụ nữ luôn bị đánh giá khắt khe hơn giới mày râu, bởi dù họ có thành công trong sự nghiệp bao nhiêu, nhưng nếu không chu toàn việc gia đình thì cũng bị người đời chê trách. Đối với những người phụ nữ làm khoa học, làm thế nào vừa làm tròn thiên chức của người phụ nữ, vừa có thời gian phấn đấu cho sự nghiệp của riêng mình là bài toán không đơn giản.

Nhiều chông gai

n
Phụ nữ làm khoa học gặp phải rất nhiều chông gai. Ảnh: Hoàng Đan

PGS.TS Vũ Thị Thu Hà - Phó viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu của Viện – chia sẻ: “Trong nghiên cứu khoa học, để thu được thành quả tương đương với một người đàn ông, người phụ nữ phải nỗ lực hơn rất nhiều vì sức khỏe, quĩ thời gian, sự ủng hộ, tạo điều kiện từ phía gia đình và xã hội của họ đều ít hơn nhiều so với đàn ông”.

Tuy nhiên, những chông gai, thử thách ấy không ngăn cản được TS Hà lựa chọn theo học ngành công nghệ hữu cơ hóa dầu và sau đó nghiên cứu sâu về công nghệ lọc hóa dầu – vốn là một ngành còn mới mẻ tại Việt Nam và dường như không phù hợp với phụ nữ. Những nỗ lực của PGS.TS Vũ Thị Thu Hà đã được đền đáp bằng nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Kovalevskaia năm 2011 của Việt Nam. 

Đồng quan điểm đó, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (Nguyên giảng viên ĐH Nông nghiệp Hà Nội), nổi tiếng với những giống lúa lai do Việt Nam tự chọn tạo cho năng suất cao, cho rằng, người làm nghiên cứu khoa học nông nghiệp không những cần có kiến thức mà còn phải có sức khỏe tốt mới có thể theo đuổi sự nghiệp được lâu dài và có kết quả.

Vì thế, phụ nữ làm khoa học gặp nhiều khó khăn, vì sức khỏe không thể bằng nam giới, đặc biệt là ở giai đoạn mới xây dựng gia đình, sinh con, phải chăm sóc gia đình con cái, không thể giành nhiều thời gian cho sự nghiệp như nam giới.

PGS.TS Trần Thị Vân Thi (Trường ĐH Khoa học Huế) chia sẻ những tâm sự rất thật: “Phụ nữ Việt Nam vốn đảm đang, nhưng hình như phụ nữ Huế chúng tôi còn bị ràng buộc nhiều hơn bởi gánh nặng gia đình, họ tộc. Khác với các thành phố công nghiệp, cả gia đình thường chỉ gặp nhau ở bữa cơm tối, ở cái thành phố nhỏ của chúng tôi, ngày ngày mỗi gia đình phải có đủ ba bữa cơm nóng sốt, mỗi tháng ít nhất cũng có vài đám giỗ, phụ nữ phải đến sớm góp tay làm cỗ...”

Theo TS Vân Thi, khó khăn chung mà tất cả phụ nữ đều phải đối mặt khi tham gia các công việc ngoài xã hội là quỹ thời gian eo hẹp. Điều đó lại càng căng thẳng hơn đối với nữ trí thức trong các trường ĐH. Để có đủ độ chín cho việc nghiên cứu và ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tế, đòi hỏi một thời gian dài làm việc thực sự, tự học hỏi, tự đào tạo trong thực tế, và lúc đó người nữ trí thức ít nhất cũng đã 45 tuổi – độ tuổi mà sức khỏe đã dần suy giảm. 

Mặt khác, TS Vân Thi cho rằng, con đường tiếp cận thực tế của những người nghiên cứu khoa học trong các trường đại học hiện nay vẫn còn khá xa, và càng xa hơn nữa đối với những địa phương chưa phát triển. Để có được một công trình nghiên cứu ứng dụng vào thực tế đời sống hiệu quả cũng phải ngót nghét hàng chục năm. Hơn nữa, điều kiện để được tái đào tạo của nữ trí thức trong môi trường giảng dạy đại học tại những địa phương còn nghèo, kinh tế - xã hội còn khó khăn rất hạn chế. Đây là khó khăn lớn nhất của nữ trí thức so với nam giới.

Bí quyết “Vẹn cả đôi đường”

x
Nhiều nhà khoa học nữ đã thành công trong lĩnh vực tưởng không dành cho nữ giới

GS.TS Lộc Phương Thủy - Nữ GS dân tộc Tày duy nhất hiện nay của ngành văn học – cho biết: Làm nghiên cứu tốn rất nhiều thời gian, nếu không biết cách sắp xếp, tổ chức công việc, cuộc sống sẽ bị đảo lộn. Để có thể chu toàn cả việc công và việc tư, bà đã áp dụng cả thói quen trong nghiên cứu vào trong cách tổ chức gia đình, nghĩa là làm mọi việc rất khoa học.

GS Lộc Phương Thủy quan niệm dù có thành đạt, người phụ nữ cũng không có quyền lãng quên những thiên chức của mình bởi điều đó đồng nghĩa với việc gia địch sẽ bị xộc xệch, thậm chí tan vỡ. Bà cũng cảm thấy vui khi được nhiều người nhận xét bà là người “vẹn cả đôi đường” – không những thành công trong sự nghiệp mà còn có một gia đình hạnh phúc. Gia đình bà tuy không giàu có về tiền bạc nhưng các thành viên rất yêu thương, quan tâm đến nhau. 

Dường như các nhà khoa học nữ đã rất thành công khi áp dụng cách làm việc khoa học vào cuộc sống hàng ngày. Như PGS.TS Trần Thị Vân Thi “bật mí”: Việc sắp xếp một kế hoạch ngăn nắp, trật tự trong tất cả mọi công việc đã giúp chị em giảm thiểu “thời gian chết”, đỡ mệt mỏi, dành ra thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Mỗi người nên có một kế hoạch dài ngày và kế hoạch ngắn hạn cho công việc cơ quan, việc gia đình để khỏi bị động và đạt hiệu quả trong công việc.

Kinh nghiệm của bản thân bà là mỗi tối, cơm nước xong, bà bắt đầu kiểm tra lại công việc đã làm trong ngày và tiếp tục lên kế hoạch cho ngày mai (cả việc trường lớp, việc nhà, việc cần lo cho con cái). Do biết cách sắp xếp thời gian khoa học cho công việc, TS Vân Thi đã tiết kiệm được thời gian và đỡ mệt mỏi hơn, hiệu quả công việc cao hơn rất nhiều. 

Các nhà khoa học nữ cùng chung quan điểm khi cho rằng, bên cạnh những khó khăn, thử thách, phụ nữ làm khoa học cũng có những ưu thế so với cánh mày râu vì họ có thiên tính bền bỉ, cẩn thận, tỉ mỉ. 

PGS.TS Vũ Thị Thu Hà còn có một phát hiện thú vị về thuận lợi của phụ nữ làm khoa học. Đó là trong gia đình Việt Nam nói chung, người phụ nữ thường không phải là trụ cột, không phải là người lo “cơm áo gạo tiền” nên giả sử họ có trót theo đuổi sự nghiệp khoa học cả đời thì điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế gia đình. “Hình như, cho đến bây giờ, mọi người vẫn công nhận làm khoa học không phải là làm kinh tế” – TS Hà hóm hỉnh cho biết.

Để luôn luôn làm tốt nhiệm vụ của mình ở cả cơ quan và gia đình, TS Hà có một phương châm rất... quyết liệt: “Gia đình là tất cả, công việc là trên hết!”. Đồng thời, TS Hà luôn biết chia sẻ cũng như biết phát huy sức mạnh từ những người xung quanh để giúp cho công việc của mình được thuận lợi, đạt kết quả tốt nhất.

Phụ nữ thích hợp với một số công việc như nghiên cứu khoa học nông nghiệp, giảng dạy, triển khai kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất… Vì vậy, các nhà quản lý nên có cơ chế khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy nhận sinh viên nữ mới ra trường, đào tạo họ theo định hướng ngay từ khi tập sự, chắc chắn sẽ có nhiều em sau này trở thành nhà khoa học chân chính, có đóng góp cho tổ quốc.

(PGS.TS Nguyễn Thị Trâm)

CHU MINH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.