Hôm nay (24/11), Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chính thức khai mạc, với sự tham dự của 600 đại biểu từ các bộ, ngành; giới văn nghệ sỹ và đại diện các tổ chức chính trị-xã hội trong cả nước.
Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị cũng đồng thời là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sỹ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu chỉ đạo, định hướng tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh Hội nghị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò văn hóa trong sự phát triển nhanh, bền vững đất nước; tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về văn hóa; chuyển hóa nhận thức thành hành động; đưa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng, thực chất…
Nghiên cứu, thảo luận, làm rõ những thành tựu, hạn chế trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương phát triển của Đảng thành hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để khơi dậy tinh thần cống hiến, đổi mới sáng tạo của nhân dân, đặc biệt đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ.
Cùng với đó phải tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, nhất là môi trường văn hóa đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, trọng tâm là văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy giá trị tích cực của thuần phong mỹ tục của gia đình, cộng đồng và xã hội; chú trọng bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, phát triển một số lĩnh vực văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa, phát huy vai trò truyền thông, chủ động hội nhập, hợp tác và giao lưu quốc tế.
Các đại biểu cần thảo luận về giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và đội ngũ văn nghệ sĩ, tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng được mong mỏi của những người làm công tác quản lý văn hóa, giới văn nghệ sỹ, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nhiều năm nay; để nhìn nhận lại vai trò của văn hóa, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những thành quả cũng như thiếu sót để thống nhất nhận thức, quan điểm, hành động nhằm chấn hưng, làm cho văn hóa phát triển hơn. Sau Hội nghị, toàn thể người dân Việt Nam đều được truyền cảm hứng, trách nhiệm và niềm tin để văn hóa nước nhà phát triển rực rỡ hơn, đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn.
Với nhiều nội dung, nhiều công việc phải làm thường xuyên, liên tục, Phó Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng nêu rõ việc tiếp tục nâng cao nhận thức về văn hóa bởi “văn hóa còn thì dân tộc còn”, khắc phục tình trạng thực hiện yếu kém hoặc hạn chế về nguồn lực; không chú ý đúng mức đến văn hóa; sự mai một, hụt hẫng của đội ngũ, chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa… Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các tổ chức quốc tế nói đến khái niệm “phát triển bền vững” không chỉ đề cập đến bảo vệ môi trường, bảo đảm công bằng xã hội mà còn bao hàm cả văn hóa xã hội.
“Một đất nước chỉ chú ý đến phát triển kinh tế, không chú ý đến môi trường sẽ mất thành quả phát triển của hàng chục năm mới khắc phục được các vấn đề về môi trường. Còn các vấn đề văn hóa xã hội, phải mất nhiều thế hệ mới khắc phục được, thậm chí là sụp đổ. Do đó, khi đã nhận thức triệt để những vấn đề mang tính sống còn đối với đất nước, dân tộc, chắc chắn chúng ta sẽ tìm mọi cách để thực hiện, dồn mọi nguồn lực để thực hiện bằng được”, Phó Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh cần nhìn nhận đúng những thành quả đã đạt được trong lĩnh vực văn hóa, Phó Thủ tướng nêu rõ, dân tộc Việt Nam có nền văn hiến rực rỡ hàng nghìn năm, chiến thắng biết bao thiên tai, địch họa. Vì vậy, những bất cập, biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội không phải là đặc tính của người Việt Nam. "Chúng ta phải có những giải pháp thiết thực để chấn hưng văn hóa với sự thôi thúc, vừa cấp bách, vừa kiên trì, dài hơi", Phó Thủ tướng đề nghị.
Phó Thủ tướng nêu rõ, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 phải góp phần khơi dậy khát vọng toàn dân tộc trong phát triển, chống tụt hậu, tiếp tục tạo ra những xung lực mới, phát huy toàn bộ sáng tạo, sức mạnh toàn dân để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Trong kỷ nguyên mới của khoa học, công nghệ, hội nhập sâu rộng…, chúng ta tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại, giữ gìn bản sắc nhưng cũng cần mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh những biểu hiện văn hóa không phù hợp.
Nhấn mạnh việc tạo ra môi trường cổ vũ sáng tạo văn hóa, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bác Hồ đã từng nói, văn hóa là tất cả mọi sự sáng tạo, phát minh của con người; do đó, phải tạo ra một xã hội, một môi trường cổ vũ, tôn vinh và phát huy được cái mới, tôn trọng các ý kiến khác, thậm chí khác biệt nhưng không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đất nước.
Khẳng định văn hóa là con người, Phó Thủ tướng cho rằng để chấn hưng văn hóa thì phải bắt đầu bằng giáo dục: "Phải thực hiện bằng được đổi mới căn bản giáo dục, phải cầu thị và rất kiên trì". Cùng với đó là văn hóa làm gương, Phó Thủ tướng chia sẻ, di huấn "cần, kiệm, liêm, chính" của Bác Hồ dành cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân, không chỉ dành riêng cho cán bộ.
Phó Thủ tướng mong muốn, bằng hành động cụ thể, tất cả các cấp, ngành chú trọng hơn và dành nhiều thời gian, nguồn lực hơn cho văn hóa; lắng nghe ý kiến của những người nghiên cứu và những người hoạt động thực tiễn, người có kinh nghiệm trước khi đưa ra các quyết định.
Phó Thủ tướng hy vọng, sau Hội nghị này, các cấp, ngành, địa phương cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiều hoạt động, chương trình thiết thực lan tỏa tinh thần, đề cao giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam để xây dựng đất nước phát triển phồn vinh vì hạnh phúc của nhân dân; đồng thời tin tưởng, nền văn hóa Việt Nam sẽ bừng sáng, hòa vào dòng chảy văn minh nhân loại.