Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục: Trường học, nơi trao truyền và bảo vệ văn hóa

GD&TĐ - Môi trường xã hội có sự tác động mạnh mẽ đến môi trường học đường ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực.

Học sinh Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tri ân cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Học sinh Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tri ân cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Thế nhưng, trường học phải là điểm sáng về văn hóa ứng xử, nhà trường phải trở thành một thành trì vững chắc để trao truyền và bảo vệ văn hóa.

Bồi đắp nhận thức, rèn luyện ứng xử văn hóa

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hiệp hội các Hội VHNT TP Đà Nẵng cho rằng: Không phải ngẫu nhiên mà cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu. “Xác định như vậy là để nhấn mạnh vai trò, ưu tiên đầu tư nguồn lực quốc gia cho khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Ông Tiếng so sánh: “Cỗ xe phát triển của nước ta cần tăng tốc để theo kịp tốc độ phát triển chung của thế giới, vì thế rất cần đến chân ga kinh tế. Nhưng trong quá trình tiến về phía trước, đôi khi chân ga không cần thiết bằng chân phanh. Nói vậy để thấy muốn không phát triển bằng mọi giá, muốn dừng lại kịp thời hay quay đầu đúng lúc… tất cả tùy thuộc vào chân phanh có hữu hiệu không. Chân phanh của cỗ xe phát triển ấy chính là văn hóa”.

Theo ông Tiếng, nếu hiểu văn hóa không chỉ là những gì nổi trội lấp lánh có thể phô diễn mà còn là những gì được trầm tích qua thời gian, lắng đọng trong tâm hồn con người thì văn hóa cần phải bắt đầu từ rất sớm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. “Có người nói rất đúng, để có được một giây đạp phanh nhường đường cho người đi bộ, cần cả một trăm năm gây dựng văn hóa giao thông. Vì thế, văn hóa quốc gia bắt đầu từ nền tảng gia đình và văn hóa học đường. Với tư cách là quốc sách hàng đầu, giáo dục và đào tạo nói chung, trường học nói riêng phải trở thành nơi trao truyền văn hóa từ thế hệ này đến thế hệ khác; đồng thời cũng là thành trì để bảo tồn văn hóa”, ông Tiếng nói.

Khẳng định văn hóa ứng xử, giao tiếp học đường phải được triển khai trong quá trình lâu dài. Kết quả phổ biến, giáo dục, thực hiện văn hóa ứng xử trong nhà trường cũng không thể “làm xong”, “làm dứt điểm”. Chia sẻ điều này, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương - Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng:

Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng tác động nhiều chiều đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, thời gian qua, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai văn hóa ứng xử với mạng xã hội trong trường học gắn với những kỹ năng cần thiết để sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh. Trên cơ sở chương trình ở từng cấp học, trong từng môn học, bài học, mỗi thầy cô giáo đã ý thức hơn việc chú trọng các yếu tố văn hóa, văn minh để định hướng các khái niệm, giá trị nhằm bồi đắp nhận thức, thái độ… rèn luyện những hành vi tự giác, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa một cách liên tục, bền vững cho cả người dạy và người học.

Giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học Minh Tân dạy học sinh về văn hóa địa phương.
Giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học Minh Tân dạy học sinh về văn hóa địa phương.

Nêu gương và làm gương

Cho rằng không nên đồng nhất trình độ học vấn với trình độ văn hóa bởi có khi trình độ học vấn cao chưa hẳn đã có trình độ văn hóa tương thích. Do vậy, ông Bùi Văn Tiếng mong muốn giáo dục và đào tạo nói chung, các trường học nói riêng thực hiện sứ mệnh gây dựng cho người học cả hai loại trình độ ấy. Có được nền tảng kiến thức nhất định khi rời trường, đó là trình độ học vấn; sẵn sàng mang tất cả kiến thức có được khi rời trường để phụng sự Tổ quốc, nhân dân, đó là trình độ văn hóa. “Muốn nhà trường làm tốt sứ mệnh này, giáo dục và đào tạo cần được ưu tiên đầu tư thực sự ngang tầm quốc sách hàng đầu, trước hết là ưu tiên đào tạo người thầy”, ông Tiếng nhấn mạnh.

Theo dõi quá trình giáo dục của nhà trường, ông Tiếng tâm đắc với phong trào “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Điều này thúc đẩy tư duy phản biện khi mỗi thầy cô giáo không chịu bằng lòng với bài giảng có sẵn mà luôn tìm tòi phát hiện để bài giảng mới hơn, cập nhật hơn nhằm đem lại giờ học thú vị cho học sinh. Nhờ đổi mới sáng tạo của nhà giáo, học sinh khó khăn, ở vùng không thuận lợi có cơ hội tiếp cận với lớp học không biên giới, làm quen với bạn bè quốc tế, từ đó tự tin giới thiệu và thêm tự hào văn hóa quê hương.

Nói về những tác động đến văn hóa ứng xử trong môi trường học đường, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương chia sẻ: Những người làm công tác giáo dục cần lắm một môi trường xã hội bên ngoài nhà trường thực sự lành mạnh, quản lý xã hội một cách chặt chẽ, đặc biệt là sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ, những người xung quanh. Có như vậy việc trao truyền, bồi đắp và bảo vệ văn hóa mới bền vững.

Nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục trong hình thành nhân cách con người cũng như hành vi ứng xử, giao tiếp có văn hóa, ông Bùi Văn Tiếng khẳng định: Trường học là thành trì, thậm chí là thành trì cuối cùng để bảo tồn và bảo vệ văn hóa. Thậm chí trong tình huống không mong đợi là môi trường ngoài học đường băng hoại đến mức không thể chấp nhận được thì chỗ còn lại cuối cùng để văn hóa vẫn tồn tại và phát triển chính là các trường học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.