Cậu học trò cá biệt sáng tạo phần mềm học tập

Phan Thanh Tùng (học sinh lớp 12, THPT số 1 Đức Phổ, Quảng Ngãi) đến với công nghệ thông tin từ quá khứ mê chơi điện tử và thành tích học tập rất kém.

Chủ nhân của Mạng xã hội học tập Việt Nam từng là học sinh cá biệt do rất mê game. Ảnh: NVCC.
Chủ nhân của Mạng xã hội học tập Việt Nam từng là học sinh cá biệt do rất mê game. Ảnh: NVCC.

Vượt qua 80 ứng viên, phần mềm Mạng xã hội học tập Việt Nam (StudyVn) của Phan Thanh Tùng đã giành giải nhất Hội thi tin học trẻ toàn quốc 2014. 

StudyVn chuyên cung cấp giải pháp phục vụ cho việc học và nghiên cứu của học sinh, sinh viên. Ứng dụng trên được thiết kế hoạt động đa nền tảng trên các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng...

Cậu học trò sớm nhận ra đa số học sinh, sinh viên sử dụng thiết bị di động để vào mạng xã hội, chơi game và xem phim, chưa tận dụng được hết chức năng mà các sản phẩm trên mang lại. 

Mạng xã hội giải trí thì nhiều, trong khi các mạng chuyên về học tập để học sinh có thể tự học, nghiên cứu, lưu trữ thông tin thì rất ít. Chính vì vậy ý tưởng xây dựng mạng xã hội StudyVn ra đời.

Phần mềm này tích hợp nhiều chức năng giúp người dùng sử dụng nguồn tài nguyên trên hệ thống, như Từ điển hóa học tra cứu hơn 4.000 phương trình hóa học; Tìm nhanh công thức và phương pháp giải nhanh bài tập cho phép người dùng đăng tải nội dung, lưu trữ, chia sẻ và dễ dàng tìm kiếm công thức toán học; Trắc nghiệm online giúp lưu trữ đề thi trắc nghiệm và chia sẻ cho mọi người cùng làm; VEnglish giúp tạo danh sách từ vựng khi học tiếng Anh...

Kiến thức tích lũy trên phần mềm chủ yếu do thành viên cung cấp, đăng tải và chia sẻ tạo nên kiến thức chung của cộng đồng StudyVn chứ không phải của riêng ai. 

Bởi quan điểm của Tùng là: "Học phải đi đôi với hành, không phải chỉ đơn giản lấy kiến thức và nếu không chia sẻ cho mọi người thì đó cũng chỉ là những kiến thức không có giá trị mà thôi". 

Tùng thừa nhận hiện tại hệ thống vẫn còn thiếu sót nhiều chức năng nên đang bảo trì, nâng cấp tiến tới cung cấp nhiều giải pháp tốt nhất cho người dùng.

Cậu học trò cá biệt sáng tạo phần mềm học tập ảnh 1 Giao diện của phần mềm Mạng xã hội học tập Việt Nam do Phan Thanh Tùng sáng tạo.
Trước khi giành vinh quang trong hội thi năm 2014, phần mềm VDevPascal (phần mềm hỗ trợ lập trình Pascal cho người Việt) do Tùng thiết kế cũng giành giải nhì sáng tạo tại Hội thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Ngãi năm 2013. 
Ngoài ra còn một số sản phẩm như phần mềm học từ vựng tiếng Anh VEnglish, JPascal - phần mềm Pascal được viết bằng Java. Tuy nhiên, những phần mềm trên do chưa có định hướng đúng đắn nên dần đi vào lãng quên và không thể phát triển.

Chính vì vậy, Tùng quyết tâm xây dựng Mạng xã hội học tập Việt Nam StudyVn và mong muốn đưa nó đến với mọi học sinh, trường học, giúp nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay. 

Hiện tại, Tùng nghiên cứu và phát triển Laravel PHP Framework, một trong những nền tảng lập trình web mới phát triển tại Việt Nam. Trong quá trình tìm tòi nghiên cứu, cậu học trò này thường làm những video để chia sẻ với nhiều người kiến thức về lập trình.

Người được bạn bè cùng lớp gọi là chuyên gia phần mềm tin học không phải là con ngoan, trò giỏi từ bé như kỳ vọng của bao người mà còn tự nhận xét mình là học trò cá biệt. Hồi lớp 4, Tùng rất thích chơi điện tử và kết quả học chỉ đạt mức trung bình, bị thầy cô nhận xét tư duy kém.

Bắt đầu học THCS, Tùng được bạn bè rủ tham gia thi học sinh giỏi của trường. Năm đó, cậu nhận mình là "kẻ chẳng có tý kiến thức nào" may mắn giành được giải ba và lọt vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi huyện. 

Đó thực sự là một bước ngoặt cuộc đời, tư duy dần được rèn luyện, thành tích học tập bắt đầu khởi sắc. Nhưng sau đó, Tùng lại ham chơi điện tử hơn ham học, thi thoảng bỏ học ra quán chơi game.

Nhiều lần thấy con bỏ học ra quán chơi game, ông Phan Như Chi không đánh mắng mà chỉ im lặng, sau đó là khuyên bảo con nhẹ nhàng theo kiểu mưa dầm thấm lâu. 

Ít lâu sau, ông còn mua máy tính và lắp đặt mạng Internet cho Tùng có điều kiện học tốt hơn. Nhiều người trách ông làm thế chẳng khác nào vẽ đường cho hươu chạy, nhưng ông Chi vẫn tin tưởng con trai mình rồi sẽ đi đúng hướng.

Cảm nhận được lòng bao dung của cha, Tùng dần bỏ chơi điện tử và bắt đầu nghiên cứu về lập trình tin học. Tùng tự hào: "Ba em làm thợ mộc nhưng những kiến thức về xã hội, cuộc sống thì ba rất am hiểu". 

Trong bữa cơm, hai cha con vẫn thường trò chuyện về nhiều vấn đề thời sự và nói về dự định của con cái, ông nói: "Con hãy làm một điều gì đó khác biệt để chứng tỏ bản thân mình".

Cậu học trò cá biệt sáng tạo phần mềm học tập ảnh 2 Vượt qua nhiều đối thủ, Phan Thanh Tùng (hàng dưới, thứ hai từ phải sang) giành giải nhất sáng tạo trong Hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2014. Ảnh: NVCC.
Học được cách cài win của anh họ, Tùng giúp bạn bè, người thân rồi cài cho nhiều người khác. Số tiền kiếm được chỉ 50.000-70.000 đồng, nhưng Tùng vẫn vui vì đó là đồng tiền đầu tiên kiếm được. Cậu rất trân trọng và xem đó là động lực để phát triển bản thân.

Một kỷ niệm nhớ đời suốt tuổi học trò đối với Tùng là khi học lớp 8, vài bạn học quay clip cảnh nữ sinh đánh nhau và nhờ cậu đăng tải lên mạng. 

Do không lường hết được hậu quả, Tùng nhận đạo đức yếu một học kỳ, bị liệt vào danh sách học sinh cá biệt cho việc làm dại dột này. "Cũng chỉ vì muốn chứng tỏ bản thân có khả năng với máy vi tính mà em phải lãnh bài học nhớ đời, sau đó thì chừa hẳn".

Nhiều khi nhớ lại, cậu vẫn hối tiếc bởi phí phạm quá nhiều thời gian cho những thứ vô bổ nhưng cũng vui vì mình trở về đúng đường đi. Trên lớp, Tùng học các môn khác ở mức khá nhưng đối với Tin học lại rất nhanh nhạy. 

"Cậu ấy có kiến thức sâu về lập trình và khá nhạy bén, sáng tạo dù tính cách rất hiếu động" - Thầy Trương Quang Đạt, giáo viên dạy Tin học nhận xét.

Quãng thời gian trước khi bước vào năm học mới, Tùng bận rộn với những dự án nhỏ về lập trình cho các công ty, thiết kế website cho đại lý vé máy bay để kiếm thêm tiền tự đóng học và phục vụ sở thích cá nhân. 

Cậu cũng dự định tìm những người bạn có cùng ý tưởng, chung đam mê để tiếp tục sáng tạo, đưa nhiều ứng dụng tin học vào thực tế. 

Cậu học trò dự định sẽ thi vào khoa Công nghệ thông tin của ĐH Khoa học tự nhiên hoặc kiếm học bổng du học để được tiếp tục niềm đam mê với chiếc máy tính của mình.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ