Câu chuyện thú vị của chàng trai chuyên giành giải Bạc

GD&TĐ - Với niềm yêu thích môn Sinh học và những kết quả đạt được, "Đông Bạc" muốn trở thành nhà nghiên cứu về dược học để có thể bào chế ra nhiều loại vaccine.    

Câu chuyện thú vị của chàng trai chuyên giành giải Bạc

Sở hữu hàng chục huy chương, giải thưởng tại các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, đoạt huy chương Olympic Sinh học quốc tế nhưng điều đặc biệt đối với Hoàng Văn Đông là em luôn "về nhì" tại các giải đấu này.

Với tấm Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế (IBO) 2018, Hoàng Văn Đông là học sinh đầu tiên của tỉnh Hải Dương giành huy chương đấu trường này.

Như vậy, ngoài các giải Olympic Toán học, Vật lí, Hóa học đã đạt được trước đó, cậu học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đã ghi thêm dấu ấn vào bảng vàng thành tích của mình.

Sinh ở xã Long Xuyên (huyện Bình Giang, Hải Dương) trong gia đình có hai anh em trai, bố mẹ thường xuyên vắng nhà nên từ nhỏ, anh em Đông đã phải tự lập trong sinh hoạt, học hành và luôn là học sinh giỏi tất cả các năm học.

Đặc biệt Đông luôn dành tình yêu đặc biệt với môn Sinh học. Với Đông, Sinh học có sức hút đặc biệt, càng đọc sách khám phá về sinh học em càng thấy thích thú vì những kiến thức rất rộng lớn, có nhiều điều thú vị và rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày.

Sách đã giúp em hiểu thêm những điều trong cuộc sống, lí giải những điều mà em chưa hiểu được.

Ngoài ra, Hoàng Văn Đông còn tích cực rèn luyện các kĩ năng tiếng Anh để nghiên cứu thêm các tài liệu nước ngoài vì đó là nguồn tài nguyên vô tận.

"Trong kỉ nguyên số hiện nay, nếu không có tiếng Anh sẽ rất hạn chế trong việc tiếp thu các kiến thức, nhất là các môn khoa học, lượng kiến thức rất lớn nằm từ các trang tài liệu bằng tiếng Anh", Đông chia sẻ.

Đam mê quá lớn với môn Sinh học, Đông đã quyết định chọn thi vào lớp chuyên Sinh, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi.

Do trường cách xa nhà 20 km nên Đông phải ở trọ, tự nấu ăn, tự lo mọi việc sinh hoạt. Cuộc sống tự lập cũng giúp Đông trưởng thành hơn.

Hoàng Văn Đông trở về sau chiến thắng tại IBO 2018.
Hoàng Văn Đông trở về sau chiến thắng tại IBO 2018. 

Suốt 3 năm học THPT, cùng với những kiến thức học từ thầy cô, Đông luôn chăm chỉ tích lũy thêm. Nhờ vậy, em có bảng thành tích học tập nổi bật với 2 giải nhì cấp tỉnh cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay, 2 giải nhì học sinh giỏi Sinh học cấp tỉnh; 2 giải nhì cuộc thi cụm các trường chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ; 2 giải nhì cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học.

Đông hóm hỉnh: Vì em toàn đoạt giải nhì các cuộc thi nên các bạn ở lớp đặt biệt danh cho em là "Đông Bạc". Thầy cô và các bạn luôn động viên em mỗi khi bước vào một giải đấu lớn là: "Cố gắng giành Huy chương Vàng nhé, Huy chương Bạc nhiều quá rồi, về nhì nhiều quá không thấy chán à?".

Kể lại về kì thi Olympic Sinh học quốc tế tại Iran, Đông cho biết: Tại kì thi này, đội tuyển đã đạt được thành tích cao nhất từ trước đến nay. Ngoài sự nỗ lực của các bạn là nhờ công lao của các thầy cô ôn luyện đội tuyển và cả các thầy cô dạy phổ thông.

"Em rất nhớ về thời gian chờ lễ trao giải. Mặc dù đã biết điểm, nhưng về huy chương thì đến khi trao giải Ban tổ chức mới công bố nên ai cũng rất hồi hộp. Tại lễ trao giải, Ban tổ chức đã đọc tên hơn 120 bạn được các giải đồng, bạc mà vẫn chưa thấy đọc tên đoàn mình nên ai cũng lo lắng.

Cuối cùng họ cũng xướng tên đoàn Việt Nam, em được huy chương Bạc, còn các bạn được huy chương Vàng. Lúc đó, thầy trò cùng vỡ òa vì hạnh phúc".

Trong thời gian dự thi, Đông và các bạn trong đội tuyển còn được giao lưu với các bạn đến từ nhiều nước khác có cùng đam mê môn Sinh học.

Khi về nước, mọi người vẫn liên lạc với nhau qua email, Facebook để chia sẻ về những kinh nghiệm học tập, về những định hướng trong tương lai, cùng chỉ cho nhau biết những trường đại học nào đang có học bổng "khủng" để tìm hiểu và chuẩn bị cho con đường phía trước.

Với niềm yêu thích môn Sinh học và những kết quả đạt được, "Đông Bạc" muốn trở thành nhà nghiên cứu về dược học để có thể bào chế ra nhiều loại vaccine. Ngoài ra, Đông cũng muốn trở thành một bác sĩ giỏi để có thể chữa bệnh cho mọi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.