Bật mí bí kíp học tập
Giành Huy chương Vàng (HCV) với điểm số cao nhất của đoàn Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế vừa qua, Đinh Quang Hiếu (HS Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết bí quyết thành công của em vô cùng đơn giản, đó chính là sự tự tin và cố gắng hết mình.
Đinh Quang Hiếu cho biết: “Trong quá trình học, trước mỗi bài tập em thường chọn các ý tưởng rồi viết ra, từ đó tìm hướng đi chắc ăn nhất. Những kiến thức trên lớp, em thường ghi lại ý chính vào một cuốn sổ tay để nhớ lâu hơn và tiện xem lại”.
Đặc biệt, Hiếu cũng hay tìm đọc các trang báo khoa học nước ngoài để hiểu thêm thông tin chuyên sâu về hóa học, phục vụ học tập và đam mê khám phá. Theo Hiếu, cuộc thi Olympic quốc tế diễn ra ở nước bạn, do vậy, để thể hiện tốt nhất bài thi là bình tĩnh, tin tưởng vào chính mình và cố gắng hết sức.
Nói về bí quyết học tập của mình, Hiếu cho biết: “Điều quan trọng nhất là phải luôn chú ý nghe giảng trên lớp, chăm làm bài tập. Như đã chia sẻ, em luôn mang theo bên mình một cuốn sổ ghi lại những công thức, lý thuyết, bài thực hành khó nhớ. Khi có thời gian là nghiền ngẫm hoặc dùng trong các giờ thực hành”.
Tương tự, Đinh Anh Dũng (Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) - chủ nhân tấm HCV tại kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế 2017 vừa kết thúc tại Indonesia hồi tháng 7, chia sẻ: Học giỏi không có nghĩa là “mọt sách”, không cần phải suốt ngày ngồi “cắm rễ” ở bàn học. Em luôn sắp xếp thời gian học hợp lý, cân đối với thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Ngoài việc học ra, Dũng thường giải trí bằng cách chơi game, và chơi game cũng giúp Dũng học tốt hơn.
Em cho rằng, điều quan trọng khi chơi bất cứ một trò nào là chơi vào lúc nào và vận dụng, chắt lọc kiến thức từ trò chơi. Sau mỗi giờ học căng thẳng, chơi game còn giúp em giải trí, biết thêm nhiều từ tiếng Anh. Em cũng học cho mình sự nhanh nhẹn khi cần thiết và tiết chế cảm xúc khi thua cuộc để bình tĩnh, rút kinh nghiệm cho lần sau.
Mẹ là động lực
Lê Quang Dũng (học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa), người đoạt Huy chương Vàng Toán quốc tế lần thứ 58 tổ chức tại Brazil mới đây trở về quê nhà trong niềm tự hào của gia đình và bạn bè. Ít ai biết được, Dũng có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.
Thiếu đi tình yêu thương của người cha từ lúc mới 4 tháng tuổi, Dũng được mẹ tảo tần nuôi khôn lớn nên người. Để trang trải cho cuộc sống, mẹ em, chị Nguyễn Thị Nam, ngoài công việc chính tại Trạm bảo vệ thực vật Hoằng Hóa, còn làm thêm mấy sào ruộng để đảm bảo cho cuộc sống.
Chị cho hay, “Từ khi lọt lòng, cháu đã chịu rất nhiều thiệt thòi vì những lý do riêng. Thời gian hai mẹ con sống cùng nhau cũng trải qua rất nhiều khó khăn. Dọn về ở với bà ngoại không được bao lâu thì bà cháu mất năm cháu mới lên 7 tuổi. Kể từ đó, một mình tôi bươn chải kiếm tiền nuôi cháu ăn học”.
Lớn lên trong sự thiếu thốn đủ thứ nhưng thương mẹ nên Dũng rất chăm chỉ trong học tập để đáp lại sự hi sinh của mẹ dành cho mình. Từ năm lớp 1 đến lớp 12, Dũng đều xuất sắc dẫn đầu cả lớp về thành tích học tập.
Năm 2015, em giành giải Nhất Olympic Toán học Bắc Trung Bộ; lớp 11 giải Nhất cuộc thi Toán Quốc gia và giải Nhất cuộc thi Toán quốc tế tổ chức tại Hà Nội… Khi được hỏi, Dũng có cảm thấy thiệt thòi nhiều không, khi cuộc sống thiếu hụt sự quan tâm, chăm sóc của cha thì em từ tốn đáp rằng:
“Em chưa khi nào có cảm giác thiệt thòi. Bởi mẹ là người đã bù đắp cho em tất cả. Mẹ vừa là mẹ, lại vừa là cha của em. Bao nhiêu tình cảm mẹ dành cho em hết. Hồi em còn nhỏ, dù mẹ bận biết bao việc nhưng ngày nào cũng chở em đi học và đón em về. Nhiều bạn bè cho dù có cả cha lẫn mẹ nhưng vẫn phải tự đi bộ hoặc đạp xe đi học một mình”.
Hiểu hơn ai hết những vất vả và hy sinh của mẹ nên Dũng đã cố gắng vượt lên hoàn cảnh để đạt được những thành tích cao trong học tập mà cao nhất chính là tấm HCV danh giá vừa qua. Với Dũng đó là món quà tinh thần vô giá mà em muốn dành tặng tới người mẹ của mình.
Phan Minh Hoàng và mẹ |
Nếu như với Dũng, mẹ là động lực để em luôn cố gắng trong học tập và cuộc sống, thì với Phan Minh Hoàng (cựu HS lớp 12 chuyên Tin, Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TPHCM), người giành tấm Huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Tin học châu Á 2017, mẹ chính là người truyền lửa và đưa Hoàng đến với Tin học.
Hoàng cho biết, mẹ em là một lập trình viên đang làm việc tại công ty nước ngoài, nên ngay từ nhỏ em đã được mẹ cho làm quen với máy tính. Từ việc làm quen, đến thích và với sự chỉ bảo của mẹ, Hoàng cũng bắt đầu tập tành mày mò làm code. Niềm đam mê Tin học của em thực sự được thổi bùng lên khi vào lớp 10 Trường Phổ thông Năng khiếu, em gặp thầy giáo Trương Phước Hải. Thầy Hải là giáo viên Tin học rất tâm huyết. Thầy đã chia sẻ rất nhiều về bộ môn này khiến em càng đam mê hơn.
Từ việc thích học môn Toán, đến với môn Tin học, Hoàng nhận ra rằng, Tin học cũng tương tự như môn Toán, giải nhiều bài toán hay lại khám phá nhiều điều thú vị từ bộ môn này: Chỉ với một chiếc máy tính nhỏ, qua đó làm ra được rất nhiều thứ, giải quyết được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống…Và niềm đam mê ấy đã giúp Hoàng giành giải Nhì quốc gia hai năm liên tiếp và tấm Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á.
Thích Sinh học từ kênh… Discovery
Với tấm Huy chương Bạc môn Sinh, Nguyễn Phương Thảo (HS Trường THPT chuyên KHTN-ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) là nữ sinh duy nhất và nhỏ tuổi nhất của đoàn Việt Nam ở tất cả môn thi Olympic quốc tế năm nay.
Tình yêu Sinh học đến với cô gái sinh năm 2000 rất tình cờ. Năm lớp 9, gia đình mua chiếc TV mới giúp em xem được nhiều kênh. “Lần mò xem Discovery và các chương trình thế giới động vật, em thấy rất nhiều bí ẩn trong tự nhiên. Từ đó, em quyết định theo đuổi môn Sinh học để giải đáp những bí ẩn đó”.
Phương Thảo và mẹ |
Từ khi vào lớp chuyên Sinh, nhờ sự quan tâm hướng dẫn của các thầy cô, đặc biệt là cô Đỗ Thị Thanh Huyền, em càng ngày càng yêu thích và nuôi dưỡng niềm đam mê với môn Sinh học.
Thảo chia sẻ về bí quyết học môn Sinh học: Cách học của em là hình ảnh hóa và sơ đồ hóa mọi thứ để tìm sự liên kết giữa các phần với nhau vì sinh học có rất nhiều phần mảng mà mình phải tìm sự liên kết giữa chúng để khi gặp câu hỏi trong đề thi thì mình có thể nghĩ ngay ra câu trả lời.
Kết thúc cuộc thi cũng là lúc Thảo chuẩn bị bước vào năm học mới. Em sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức để đổi màu huy chương trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm sau và chú trọng học tập tiếng Anh để tham khảo nhiều tài liệu quốc tế liên quan.
Thảo cho biết, đam mê lớn nhất của em hiện nay là môn Sinh học, em đặc biệt yêu thích phần sinh lý động vật vì nó rất hay và gần gũi với con người. Em mong muốn có thể trở thành một bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người, làm giảm bớt nỗi đau của họ.
Ấn tượng với câu hỏi về Alex Ferguson
Phan Nhật Duy (HS Trường THPT chuyên Hà Tĩnh) là một trong bốn thí sinh của đội tuyển Việt Nam vừa giành được HCV tại kỳ thi Olympic toán học quốc tế năm 2017 diễn ra tại Brazil. Nhật Duy chia sẻ, trong các câu hỏi tại kỳ thi Olympic toán quốc tế lần này thì có câu 3 phần tổ hợp là khó nhất.
Còn câu cuối cùng của đề thi khiến nam sinh ấn tượng khi nhắc đến ngài Alex Ferguson, cựu huấn luyện viên của câu lạc bộ Manchester United (MU), bởi em là một fan của đội bóng này và rất thần tượng Sir Alex.
“Em là fan của đội bóng MU và đặc biệt là huấn luyện viên của đội bóng - ngài Alex Ferguson. Vì thế, khi câu hỏi đặt ra là ‘chứng minh ngài Alex luôn có thể làm được điều đó’ khiến em hào hứng để giải thật tốt đề bài này”, Duy nói.
Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Duy cho rằng học môn toán cần phải học sâu, hiểu bản chất của bài toán. “Ngoài học ở lớp, em thường dành vài tiếng vào buổi tối và tập trung giải một vài đề toán em cảm thấy là hay. Sau đó, dành thêm một tiếng để xem lại các bài ở lớp”. Chia sẻ về đường hướng tương lai, Duy cho biết đã nộp hồ sơ vào khoa Toán Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), sau đó sẽ săn học bổng du học.
Ước mơ của các thủ khoa
Ngoài câu chuyện của các tấm HCV tại các kỳ thi Olympic quốc tế, các thủ khoa tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 với số điểm tuyệt đối 30/30 cũng chia sẻ bí kíp học tập, cũng như mơ ước của mình trong tương lai
Nguyễn Trung Duy Anh, học sinh lớp 12D2 trường THPT Nguyễn Khuyến, TPHCM xuất sắc giành 3 điểm 10 tuyệt đối của khối B trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.Điểm thi lần lượt của Duy Anh gồm, bình quân bài thi KHTN đạt 9.33. Cụ thể môn Hóa học: 10 điểm, môn Lý: 8 điểm; môn Sinh học 10 điểm. Các môn còn lại gồm, môn Ngữ văn: 7,5 điểm; tiếng Anh: 9,8 điểm và Toán: 10 điểm. Mới đây, Duy Anh đã nhập học tại Trường ĐH Y Dược TPHCM.
Nguyễn Trung Duy Anh |
Chia sẻ về mơ ước trở thành bác sĩ trong tương lai, Duy Anh cho biết, một phần do “gene di truyền”, bởi cả bố và mẹ đều là bác sĩ, hiện bố đã về hưu còn mẹ thì cũng sắp đến tuổi. Trước nữa có bà ngoại cũng là dược sĩ. Một phần, từ bé Duy Anh đã rất thích nghề này và hi vọng sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để cống hiến cho cộng đồng.
Nói về bí quyết học tập của mình, Duy Anh cho hay: Thực ra em cũng không có bí quyết gì cả. Ở lớp em cố gắng nắm bắt kiến thức mà thầy cô giảng, tối về chủ yếu tự học, làm nhiều dạng đề khác nhau mà các thầy cô ở trường cho và nhất là biết cách sắp xếp thời gian ôn tập các môn. Với 3 môn em chọn để xét tuyển ĐH, em dành thời gian nhiều hơn một chút, các môn còn lại em nắm chắc các kiến thức và phân bố thời gian thời lượng ôn tập như nhau.
Hồ Phi Khánh (Nghệ An) đạt 3 điểm 10 ở các môn thi Toán, Hóa học, Sinh học tại kỳ thi vừa qua. Khánh chia sẻ, học là quá trình tự đi tìm những câu trả lời. Việc tự học giúp cậu phát huy được những khả năng của mình. Trong quá trình học tập, Phi Khánh lại chỉ đi học thêm môn Sinh học, còn lại dành thời gian tự học. Thời gian học trên lớp, mỗi ngày cậu chỉ dành một tiếng để học ở nhà, còn lại chỉ dành cho ôn thi, Khánh học ở nhà rất nhiều, mỗi ngày khoảng 8 tiếng. Nếu thấy hiệu quả, Khánh sẽ học liên tục.
Phi Khánh cho biết, cậu luôn tìm tòi những cái mình còn thiếu, qua sách vở, các trang mạng, để mỗi lần làm đúng hay sai đều rút ra bài học cho mình. Ngoài việc học chính thống trên lớp, Khánh còn tham gia lớp học online để có được kiến thức mới, thú vị mà thầy cô trên lớp không thể nói hết do thời lượng môn học ít.
Nhiều người nghĩ học online dễ khiến học sinh bị phân tán, Phi Khánh lại cho rằng mỗi học sinh không nên tạo sự ràng buộc về thời gian cho mình, hãy học vào bất cứ lúc nào để biến việc học trở thành thói quen.
Chia sẻ về việc học online, Khánh cho biết, khi ở giai đoạn ôn thi gấp rút, em lên mạng tìm kiếm tài liệu cho môn Sinh và biết đến khóa Chinh phục lý thuyết của thầy Thịnh Văn Nam. Khánh hào hứng chia sẻ: Trước kia khi làm đề thi môn Sinh điểm của em rất bấp bênh trong quãng 6 đến 9 và không ổn định. Tuy nhiên, khi theo học thầy Nam em phát hiện mình còn hổng rất nhiều và càng học càng thấy hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, khi làm đề ở giai đoạn sau càng tăng điểm và điểm ổn định.