Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học năm 2017 đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với tổng số 31 huy chương trong đó có 14 HCV, 13 HCB, 4 HCĐ.
"Cơn mưa vàng" hiếm có trong lịch sử
"Cơn mưa vàng" của Việt Nam năm nay bắt đầu từ đội tuyển Olympic Hóa học gửi tin vui về từ Thái Lan. Với thành tích 3 HCV, 1 HCB đã đưa Việt Nam xếp thứ 2 toàn đoàn sau Hoa Kỳ. Đặc biệt, Đinh Quang Hiếu lần thứ 2 đạt HCV tại Olympic Hóa học quốc tế với số điểm rất cao.
Thầy trưởng đoàn Nguyễn Ngọc Hà nhận xét: Năm nay các gương mặt trong đội tuyển Olympic Hóa học của Việt Nam rất xuất sắc. Ngay từ lúc tập huấn ở nhà, các em đều thể hiện năng lực rất tốt, các thầy cô đều dự đoán đội tuyển năm nay sẽ đạt được thành tích cao.
Năm nay ngoài tập huấn về các bài lí thuyết thì các thầy cô đã quan tâm nhiều hơn về các bài thi thực hành. Thời gian tập huấn năm nay cũng nhiều hơn năm trước nên trong quá trình tập huấn đã cung cấp cho các em khối kiến thức khá vững vàng. Khi đi thi các em được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần nên đã đạt kết quả cao.
Đội tuyển Olympic Hóa học mở màn "cơn mưa vàng" cho các đội tuyển Olympic Việt Nam trong năm 2017 |
Tiếp đó là những tin tức chiến thắng được cập nhật liên tục từ Brazil của các các thầy Lê Anh Vinh, Nguyễn Khắc Minh trong đội tuyển Toán.
Với thành tích 4 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ, đội tuyển Việt Nam đạt thành tích cao nhất trong 43 lần dự thi IMO, đứng thứ 3 thế giới. Đặc biệt, Hoàng Hữu Quốc Huy cùng 2 thí sinh khác từ Iran và Nhật Bản có điểm số cá nhân cao nhất IMO 2017.
Thầy trưởng đoàn Lê Anh Vinh cho biết: Đây là kì thi có đề thi khó nhất từ trước đến nay. Đề bài có 6 câu thì có đến 2 câu cực khó, mang hơi hướng của toán hiện đại. Điều đó thể hiện qua kết quả của các thí sinh khi rất ít em làm được 2 câu này.
Ngưỡng điểm đạt các tấm huy chương vàng, bạc, đồng năm nay cũng thấp hơn những năm trước rất nhiều. Nhưng rất mừng khi các em đã xuất sắc, thể hiện được đúng năng lực của mình, chọn được đúng điểm rơi để mang về thành tích rất đáng tự hào.
Đội tuyển Olympic Vật lý trở về trong niềm vui chiến thắng |
Đội tuyển Vật lý cũng ghi dấu ấn khi cả 5 học sinh đều đoạt giải, đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Singapore với 4 HCV, 1 HCB. Thầy trưởng đoàn Nguyễn Thế Khôi cho biết: Cả 5 em trong đội tuyển đều là những học sinh giỏi và có nhiều kinh nghiệm. Riêng Nguyễn Thế Quỳnh năm trước đã tham dự và có thành tích cao ở APhO và IPhO 2016 nên tích lũy được những trải nghiệm rất quý báu.
Thuận lợi từ khi thành lập đội tuyển, đến quá trình ôn luyện và những ngày thi suôn sẻ tại thành phố Yogyakarta, Indonesia như báo trước thành công của đoàn Việt Nam dự thi Olympic Vật lý năm nay.
Còn đội tuyển Olympic Sinh học dự thi tại Vương quốc Anh đã đạt thành tích xuất sắc với 1 HCV và 2 HCB. Cũng như kết quả của các đoàn Olympic Toán, Vật lí và Hóa học đã đạt được trước đó, kết quả này của đội tuyển Olympic Sinh học là thành tích cao nhất của Việt Nam trong lịch sử tham dự IBO.
Đây là thành tích rất đáng tự hào vì Sinh học là một môn học khó, là thế mạnh của các nước phát triển. Tấm HCV của Trương Đông Hưng mới chỉ là tấm HCV thứ 3 trong lịch sử của đội tuyển Việt Nam tham dự IBO.
Đội tuyển Olympic Sinh học trong những ngày thi đấu tại Vương quốc Anh |
Giải mã thành công
Có được thành công đó là do chất lượng của giáo dục đại trà của chúng ta đã được nâng lên, trên nền tảng đó thì chất lượng giáo dục mũi nhọn đã có bước phát triển vượt bậc.
Ngành giáo dục đã đi đúng hướng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi. Trong đó, việc tuyển chọn các thành viên tham dự đội tuyển quốc gia được thực hiện bài bản qua các vòng thi từ cấp trường, cấp quận, cấp thành phố, quốc gia... nên các thí sinh có dịp cọ sát với nhiều cuộc thi từ cấp độ dễ đến khó.
Sau đó là sự huấn luyện bài bản từ những giáo viên kỳ cựu dày dạn kinh nghiệm đến từ các trường phổ thông cũng như các thầy cô có tên tuổi, uy tín trong đào tạo đội tuyển Olympic trong cả nước.
Ngoài ra, một số thí sinh đã từng tham dự các kỳ Olympic trước cũng được mời đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với đội tuyển để cập nhật những tình huống, những điểm cần lưu ý trong quá trình diễn ra kỳ thi.
Đặc biệt, điểm yếu của các đội tuyển Việt Nam qua những lần thi trước đó là phần thực hành thường bị mất điểm do chưa được luyện tập nhiều trong quá trình học, thiết bị thí nghiệm thiếu, sơ sài... đã được chú trọng đầu tư hơn.
Hay với đội tuyển Toán, bên cạnh thế mạnh là hình học và đại số, ban huấn luyện cũng nhận rõ những phần hay bị mất điểm của thí sinh Việt Nam là tổ hợp, số học cũng được đầu tư kỹ càng để tránh được việc học lệch.
Trong quá trình bồi dưỡng đội tuyển cũng làm cho các em phát huy được năng lực cao nhất của mình để đi thi và đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Các thầy cô giáo bồi dưỡng cho đội tuyển là những chuyên gia đầu ngành, các thầy cô giỏi nhất đến từ các trường phổ thông chuyên, các trường đại học, các viện nghiên cứu. Thời gian tập huấn giúp các em có kiến thức sâu hơn về các kiến thức của bộ môn mình đã được học.
Điều quan trọng nữa góp phần tạo nên thành tích của các đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế năm nay là công lao của các thầy cô lãnh đội, những thầy cô giáo đi theo đoàn. Các thầy cô không chỉ lo cho từng bữa ăn giấc ngủ của học sinh mà còn có những đêm thức trắng để dịch đề, bảo vệ bài thi của học trò trước ban giám khảo để đem về những tấm huy chương quý giá.
Bảng vàng thành tích của các đội tuyển Olympic quốc tế:
Olympic Toán quốc tế (4 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ)
- Hoàng Hữu Quốc Huy (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa - Vũng Tàu): HCV
- Lê Quang Dũng (THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa): HCV
- Nguyễn Cảnh Hoàng (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An): HCV
- Phan Nhật Duy (THPT chuyên Hà Tĩnh, Hà Tĩnh): HCV
- Phạm Nam Khánh (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam): HCB
- Đỗ Văn Quyết (THPT chuyên Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc): HCĐ
Olympic Vật lý quốc tế (4 HCV, 1 HCB)
- Đinh Anh Dũng (THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam): HCV
- Tạ Bá Dũng (THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN): HCV
- Nguyễn Thế Quỳnh (THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình): HCV
- Trần Hữu Bình Minh (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An): HCV
- Phan Tuấn Linh (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An): HCB
Olympic Hóa học quốc tế (3 HCV, 1 HCB)
- Đinh Quang Hiếu (THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN): HCV
- Nguyễn Bằng Thanh Lâm (THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam): HCV
- Phạm Đức Anh (THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội): HCV
- Hoàng Nghĩa Tuyến (THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An): HCB
Olympic Sinh học quốc tế (1 HCV, 2 HCB)
- Trương Đông Hưng (THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế): HCV
- Dương Tiến Quang Huy (THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa): HCB
- Nguyễn Phương Thảo (THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN): HCB
Olympic Tin học quốc tế (1 HCV, 2 HCĐ)
- Lê Quang Tuấn (THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội): HCV
- Nguyễn Hy Hoài Lâm (THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế): HCĐ
- Phạm Cao Nguyên (THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN): HCĐ.
Olympic Vật lý Châu Á (1 HCV, 3 HCB, 3 bằng khen)
- Đinh Anh Dũng (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam): HCV
- Nguyễn Thế Quỳnh (THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình): HCB
- Tạ Bá Dũng (THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN): HCB
- Trần Hữu Bình Minh (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An): HCB
- Nguyễn Ngọc Long (THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa): Bằng khen
- Nguyễn Đình Bách (THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam): Bằng khen
- Phan Tuấn Linh (THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An): Bằng khen
Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương (5 HCB, 1 HCĐ)
- Nguyễn Hy Hoài Lâm (THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế): HCB
- Phạm Cao Nguyên (THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội): HCB
- Nguyễn Đình Đại (THPT chuyên Hà Tĩnh): HCB
- Phan Minh Hoàng (Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TPHCM): HCB
- Nguyễn Diệp Xuân Quang (THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ): HCB
- Nguyễn Khánh (THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN): HCĐ.