Có thể nói đây là thành tích cao nhất trong lịch sử dự thi Olympic khu vực và quốc tế các môn văn hóa dành cho học sinh phổ thông từ trước đến nay của học sinh Việt Nam, tiếp tục khẳng định thuyết phục vị thế của học sinh phổ thông Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế.
Hay như cách nói của GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước trong bài viết “Vài suy nghĩ sau “kỳ tích” Olympic quốc tế 2017” đăng trên báo Dân trí: “Chưa có năm nào mà thành tích của các đoàn Việt Nam dự thi Olympic quốc tế lại “đẹp chụm”, “chụm đẹp” và làm nức lòng người như năm nay”.
Niềm vui, niềm tự hào này thêm một lần khẳng định: Đằng sau những tấm huy chương ấy không chỉ là mồ hôi, nước mắt của những cô cậu học trò, là những nỗ lực không ngưng nghỉ của các thầy giáo, cô giáo, đội ngũ các nhà khoa học trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng thế hệ vàng cho nền học vấn nước nhà… mà thắng lợi ngọt ngào đó chính là hệ quả tất yếu của chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và sàng lọc học sinh giỏi trong suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua, nói riêng là hơn 40 năm tham dự Olympic quốc tế... là kết quả của những người lãnh đạo, những bậc thầy có tầm nhìn chiến lược, đủ tầm, tâm và tài, đã cùng cả hệ thống chính trị phấn đấu thông minh và kiên cường, nhờ quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các bộ, ban, ngành Trung ương.
Giáo dục có hai mục tiêu, không chỉ đào tạo tri thức, nâng cao chất lượng dân trí mà còn bồi dưỡng nhân tài. Việc có các trường chuyên, lớp chọn, các lớp đào tạo mũi nhọn phù hợp sẽ là điều kiện để nuôi dưỡng tài năng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nền giáo dục của một quốc gia không chỉ thể hiện bộ mặt học thức, sự tiến bộ của hiện tại mà còn là tương lai phát triển. Cũng vì thế, sự học sẽ còn tốt hơn nếu có sự đầu tư, chung sức của không chỉ ngành Giáo dục mà cả xã hội trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng nhân tài.
Nói một cách khác dẫu thành tích Olympic được ví như một “kỳ tích”, nhưng không cho phép được say sưa với chiến thắng. Càng phấn khởi, tự hào bao nhiêu, càng vui mừng với những thành tựu đột phá của nền giáo dục nước nhà bao nhiêu, mỗi người làm công tác giáo dục, đào tạo càng cần phải cố gắng để thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo và để xây dựng cho tốt Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể.
Sẽ còn có những niềm vui lớn hơn nếu như mỗi cơ sở giáo dục dồn tâm, dồn trí nuôi dưỡng, phát triển tài năng để tương lai có nhiều hơn những công trình khoa học có tính ứng dụng, đóng góp thiết thực để góp phần đưa đất nước phát triển vững bền.