Người lớn còn ngại khi giáo dục giới tính
Khẳng định hiện nay chúng ta còn ngại việc giáo dục giới tính nhằm ngăn ngừa phòng tránh việc trẻ bị xâm hại tình dục, ThS Trần Văn Thọ đưa ra 3 lý do. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là những cản trở về tiềm thức và ý thức của bản thân các bậc cha mẹ. Có người cho rằng biết về tình dục sớm sẽ làm hoen ố sự ngây thơ của trẻ. Do ảnh hưởng của văn hóa Á Đông cho rằng tình dục là chuyện không đứng đắn nên người Việt Nam thường bị "sốc" khi nghe trẻ đề cập đến những chuyện tế nhị.
“Tuy nhiên, trẻ từ 13 đến 15 tuổi là lứa tuổi bắt đầu xuất hiện những thay đổi về tâm sinh lý, khiến các em hay tò mò để ý. Nếu không được dạy bảo kịp thời thì các em dễ bị sa ngã, bị lợi dụng vào các hành vi quấy rối tình dục mà hậu quả thì cha mẹ không thể lường hết được"- ThS Trần Văn Thọ nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ hai ThS Trần Văn Thọ đề cập đến là do người lớn thiếu kế hoạch, kiến thức, những nội dung rõ ràng về những cái nên nói và nói như thế nào cho con, nhiều phụ huynh sợ hãi không biết câu trả lời. Sự thiếu chủ động bối rối “khó ăn, khó nói” này thường gây ra sự hoang mang và giấu giếm ở trẻ. Đối với trẻ em, cái gì cha mẹ càng giấu giếm, càng cấm thì trẻ càng quan tâm khám phá. Chính vì cha mẹ lẩn tránh trả lời nên trẻ càng tò mò bằng cách hỏi bạn bè, tìm kiếm trên mạng Internet và vô tình chúng sẽ truy cập vào những trang web xấu.
Cuối cùng, có sự mâu thuẩn ngay trong bản thân phụ huynh về tình dục. Cụ thể là không muốn con sai lầm trong tình dục nhưng không muốn nói về tình dục với con. Một cảm giác vẫn còn tồn đọng về phía người lớn, là sợ các em sẽ mất đi sự hồn nhiên, nếu chúng được thông tin quá sớm. Đây là “tàn tích" của thời đại trước là lúc mà tình dục bị xem là điều xấu hổ, cấm kỵ. Thật ra, nếu được giáo dục giới tính tích cực, cái mà các em mất đi chính là sự ngu khờ, chứ không phải là sự ngây thơ.
Từ những phân tích trên, ThS Trần Văn Thọ cho rằng, việc thay đổi nhận thức về trẻ và chú ý giáo dục giới tính là điều cấp thiết. Muốn vậy, Các bậc phụ huynh cần tìm thời điểm thích hợp để nói với con về giới tính, không quá sớm vì trẻ chưa thể lĩnh hội được, và không quá muộn khi trẻ đã học hỏi những điều này một cách tiêu cực và sai lệch. Cha mẹ nên nói gì với con cái còn tuỳ thuộc vào bản thân họ; mức độ trưởng thành, tính cách của trẻ và môi trường chung quanh.
ThS Trần Văn Thọ - Giảng viên Tâm lý, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp Trường ĐH Đồng Tháp |
Còn hiểu chưa đúng về xâm hại tình dục
ThS Trần Văn Thọ cho biết, có nhiều hành vi thuộc 2 nhóm xâm hại tình dục là đụng chạm và không đụng chạm. Nhiều trẻ bị xâm hại nhiều lần nhưng không biết đó là xâm hại tình dục, bởi thực chất các em và ngay cả nhiều người lớn đều nghĩ khi bị ép buộc quan hệ tình dục, hiếp dâm thì mới gọi là xâm hại.
Thực tế, những hành vi như sờ mó bộ phận sinh dục, bắt xem những sản phẩm đồi trụy, nói chuyện khiêu dâm, gạ gẫm bằng lời, ép quan hệ nhưng bất thành... đều được thế giới xếp vào các hành vi xâm hại tình dục.
Nếu như trước đây, trẻ bị xâm hại thường là từ 13 đến 18 tuổi, thì hiện nay lại xuất hiện rất nhiều vụ việc ở lứa tuổi từ 5 tuổi đến 13 tuổi với mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Kẻ xâm hại tình dục không như người ta thường nghĩ chỉ là những người lạ, thực tế cho thấy họ còn có thể là người quen, thậm chí còn có thể là người trong họ, trong gia đình. Tình huống này là điều thường không thể ngờ được đối với chúng ta.
Về thủ đoạn của kẻ xâm hại tình dục, theo phân tích của ThS Trần Văn Thọ thường là mua chuộc, lấy lòng tin của các em và cha mẹ các em bằng cách: Tặng quà, dạy các em học, chơi nhạc; thường xuyên gần gũi giúp đỡ hứa giúp các em về gia đình việc này việc khác; thường rủ các em đi chơi riêng đến chỗ vắng hoặc vào phòng kín. Hoặc làm tất cả những việc đó để được gần gũi các em nằm thực hiện những hành vi xâm hại tình dục.
Dạy trẻ cách phòng tránh bị xâm hại tình dục
Chia sẻ kinh nghiệm dạy trẻ cách phòng tránh bị xâm hại tình dục, ThS Trần Văn Thọ cho rằng: Trước hết, cha mẹ cần nhận thức thế nào là các hành vi xâm hại tình dục để trang bị cho con cách phòng tránh, đồng thời nên đặt ra các tình huống nếu con gặp phải để hướng dẫn con. Đây là trách nhiệm của mỗi gia đình. Kiến thức này có thể lồng ghép trong các hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống trong nhà trường cho học sinh.
Cha mẹ nên giải thích để con hiểu chúng phải là chủ cơ thể của mình. Khi gặp tình huống có nguy cơ bị xâm hại con cần nói “ không”, hay “ trốn chạy”, “ thét lên” và kiên quyết thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Sau đó, tìm người tin cậy giúp đỡ và cần kể lại chuyện xảy ra cho người khác nghe hoặc trình báo với cơ quan pháp luật. Chú ý căn dặn con những điều cơ bản sau:
Không nhận quà của người lạ khi không có lí do; từ chối nhận sự giúp đỡ của người lạ; giữ khoảng cách đủ xa để người lạ không thể đụng chạm đến mình; tránh xa những tình huống bất lợi như dến nơi vắng vẻ tối tăm; tránh xa những người đáng ngờ; không ở trong phòng một mình với người lạ; mặc kín đáo, tránh khêu gợi dục vọng của người tiếp xúc; tin vào linh tính của mình để thoát khỏi tình huống nguy hiểm.
Đặc biệt, cần tránh những nơi vắng vẻ. Những cuộc gặp gỡ nên diễn ra ở nơi có người khác, an toàn và thoải mái. Không được hẹn hò ở nhà hoặc mời đối phương đến nhà của mình, khi người lớn đi vắng. Không nói chuyện với người lạ, đặc biệt là những người có mùi rượu bia và tránh nhanh sang nơi khác. Nên để cha mẹ biết trẻ đi đâu và làm thế nào để có thể liên lạc được, trước khi trẻ rời khỏi nhà. Cha mẹ nên khuyên trẻ về nhà sớm khi trẻ xin phép ra khỏi nhà.
ThS Trần Văn Thọ