Cần ưu tiên 'quỹ đất vàng' cho giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cần ưu tiên 'quỹ đất vàng' cho giáo dục

Theo Bộ Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 đã có quy định bắt buộc về đất để phát triển các cơ sở giáo dục khi quy hoạch các khu đô thị.

Các quy định được cụ thể hóa hơn ở Nghị định số 37 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Nghị định số 44 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng, Nghị định số 82 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND các cấp tại địa phương

Các chỉ tiêu, tỷ lệ đất phát triển các cơ sở giáo dục trong các đồ án quy hoạch được quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - QCXDVN 01:2008/BXD về quy hoạch xây dựng.

Như vậy, pháp luật hiện hành đã có quy định đầy đủ và bắt buộc về đất để phát triển các cơ sở giáo dục khi quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị.

Ngày 31/8/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị 14/CT-TTg về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.

Trong đó, chủ động thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh không để tình trạng gây bức xúc trong nhân dân; bảo đảm trẻ em mầm non, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định; thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non, phổ thông ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất; rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập để giảm áp lực cho trường mầm non, phổ thông công lập, đặc biệt tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đông dân cư.

Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp tại các địa phương còn chưa được đầy đủ và đồng bộ với việc phát triển đô thị, khu công nghiệp, do hạn chế về nguồn lực thực hiện.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp - khu chế xuất” với mục tiêu đầu tư xây dựng đồng bộ nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp - khu chế xuất.

Công văn 4216 /BGDĐT-GDMN của Bộ GD&ĐT gửi Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2022-2023 nhấn mạnh tiếp tục thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non xanh – an toàn – thân thiện”.

Theo đó, rà soát, sắp xếp và phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp; tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non, đặc biệt là tại các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở mầm non dân lập, tư thục để giảm áp lực cho trường mầm non công lập.

Gần đây nhất, Sở GD&ĐT TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng để đảm bảo tính khả thi về mặt bằng trong việc có đất "sạch" triển khai xây dựng trường học.

Đặc biệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng để đảm bảo tính khả thi về mặt bằng trong việc có đất "sạch" để triển khai xây dựng các dự án trường học trong thời gian sớm nhất.

Rà soát, xây dựng lộ trình sắp xếp lại các cơ sở giáo dục theo hướng dồn ghép, xóa các điểm trường lẻ không đủ các điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho định hướng hướng phát triển ngành giáo dục.

Tại Vĩnh Phúc, UBND tỉnh cũng đã xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển giáo dục.

Đáng chú ý, tại Quyết định số 449/QĐ-UBND phê duyệt đề án phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các trường ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục của tỉnh. Quy hoạch mỗi huyện tối thiểu một trường trung học phổ thông ngoài công lập với diện tích tối thiểu 3 ha; một trường trung học cơ sở với diện tích tối thiểu 2,5 ha; một trường tiểu học với diện tích tối thiểu 2,5 ha; 2 trường mầm non với diện tích tối thiểu 2 ha.

“Kinh nghiệm trong việc xây dựng các đại học lớn trên thế giới cho thấy, để được như ngày nay, người ta có thể mất hàng trăm năm hoặc lâu hơn nữa.

Vấn đề là phải có tầm nhìn chiến lược, phải có quy hoạch trước và đồng thuận ưu tiên dành đất đai cho các dự án giáo dục - đào tạo, cho sự phát triển của các thế hệ mai sau.

Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được những đại học quy mô và hiện đại, sánh vai được với các đại học lớn của thế giới” - GS.TS Trần Văn Nam (nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng) từng phân tích tầm nhìn với báo giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ