Nỗi lo quỹ đất cho giáo dục ngày càng "eo hẹp"

GD&TĐ - Một thực trạng của ngành Giáo dục là sĩ số lớp học ở nhiều địa phương ngày càng tăng cao, nhất là ở khu đô thị, khu công nghiệp. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giáo dục ngày càng “eo hẹp”, gây sức ép lớn cho việc đầu tư, xây dựng trường lớp…

TP Cần Thơ đang tập trung quỹ đất xây dựng trường học, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Ảnh: Q. Ngữ
TP Cần Thơ đang tập trung quỹ đất xây dựng trường học, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Ảnh: Q. Ngữ

Áp lực tại các đô thị

Thực tế hiện nay cho thấy, quỹ đất vẫn chủ yếu tập trung phát triển dân cư, nhà máy, đất dành cho giáo dục chưa được ưu tiên quan tâm. Vì nguyên nhân này mà áp lực trường lớp tại vùng thành thị, đặc biệt là các đô thị trung tâm, nơi tập trung nhiều khu dân cư, khu công nghiệp là rất lớn. Vào đầu năm học mới, câu chuyện thiếu trường lớp, sĩ số lớp quá đông khiến phụ huynh và xã hội bất an, lo lắng. Tình trạng này dẫn đến trường công lập rơi vào cảnh quá tải, sĩ số học sinh/lớp có khi tăng gấp hai lần so với quy định.

Đây là hệ quả của sự phát triển “nóng” của các đô thị, di dân cơ học và tầm nhìn quy hoạch. Nhiều nơi, khi phê duyệt các đề án xây dựng khu dân cư, khu công nghiệp, các địa phương và chủ đầu tư chưa chú trọng đến việc dành quỹ đất xây dựng trường học để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, người lao động đang sinh sống, phục vụ tại nơi đó. Chủ đầu tư khu đô thị chưa có trách nhiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng xã hội, trong đó có trường học phục vụ dân cư.

Tại các khu xây chung cư, khu đô thị đều có quy hoạch dành một phần đất để xây dựng trường học và hạ tầng xã hội, tuy nhiên nhiều chủ đầu tư không thực hiện. Về phía ngành Giáo dục địa phương, nhiều nơi bản thân đội ngũ cán bộ, lãnh đạo của ngành còn hạn chế trong nắm bắt, thông thuộc các quy định, thủ tục về đất đai nên không chủ động đề xuất việc cấp đất. Vì vậy các ngành chức năng cũng chưa chủ động quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng trường học. Thậm chí dù có quy hoạch quỹ đất cho giáo dục song việc bảo đảm thực thi cũng còn gặp khó khăn về thủ tục...

Ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Cần Thơ) cho biết: “Điều kiện cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị nhiều đơn vị vẫn chưa bảo đảm. Tỷ lệ phòng học hiện nay của thành phố là 0,9 phòng học/lớp, còn thiếu 304 phòng học, 48 trường tiểu học còn thiếu các phòng bộ môn. Số lượng học sinh ở các trường trung tâm tăng khá nhanh, sĩ số một lớp học có khi lên đến 45 - 50 em. Một số trường ở các địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy chưa bảo đảm cơ sở vật chất. Cụ thể là các trường được thành lập rất lâu, cơ sở vật chất xuống cấp, diện tích nhỏ hẹp và không thể mở rộng, đồng thời quy mô học sinh tăng hàng năm. Do đó, không bảo đảm diện tích bình quân/học sinh theo quy định đạt chuẩn”.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), quỹ đất cho giáo dục không quá khó so với đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Tuy nhiên, tại các đô thị trung tâm, vẫn xảy ra tình trạng trường học thiếu quỹ đất. Điều này khiến các trường khó đạt chuẩn quốc gia, việc đầu tư xây thêm trường mới lại càng khó hơn. Trong khi dân số tại các đô thị tăng cao, trường lớp chật hẹp không bảo đảm sĩ số học sinh theo quy định. Việc dồn ghép các điểm trường lẻ vào trường chính nhưng quỹ đất mở rộng trường chính gặp khó khăn, khiến sĩ số các lớp ở trường chính tăng cao, gây quá tải.

Tại quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Đây là quận trung tâm của thành phố và cũng là trung tâm của vùng ĐBSCL. Năm học nào cũng vậy, quận chịu áp lực lớn từ sĩ số học sinh cho đến trường lớp. Dù được quan tâm đầu tư nhưng số lượng trường học chưa đáp ứng nhu cầu học tập; đặc biệt là sĩ số học sinh tăng nhanh (nhất là học sinh tiểu học). Thực tế tại nhiều trường tiểu học ở trung tâm quận, sĩ số lớp hơn 40 em, có nơi 50 em/lớp khiến cho việc dạy, học bị ảnh hưởng.

Học sinh khu vực ĐBSCL. Ảnh minh họa/ Internet
 Học sinh khu vực ĐBSCL. Ảnh minh họa/ Internet

Cần tầm nhìn trong quy hoạch

Hiện tại, các địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn về quỹ đất dành cho giáo dục với giải pháp quy hoạch mạng lưới trường lớp với tầm nhìn lâu dài. Trong đó, chú trọng đến việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp, bảo đảm hiệu quả đầu tư lâu dài. Đối với các thành phố, đô thị trung tâm, tầm nhìn quy hoạch còn tính đến những biến động của tình hình dân cư, kinh tế - xã hội, di dân cơ học…

Là quận trung tâm nhưng Ninh Kiều có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp hơn so với các quận, huyện khác của TP Cần Thơ. Nguyên nhân do thiếu quỹ đất.

Nhiều nơi ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả. Bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây trường học. Đối với khu vực thành thị, đang đứng trước bài toán quá tải sĩ số, quá tải trường học do tốc độ đô thị hóa tăng cao, việc chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất càng cấp bách hơn khi Chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được triển khai. Nhiệm vụ được ưu tiên là tập trung đáp ứng phòng học cho lớp 1 học 2 buổi/ngày, ưu tiên đối với các lớp học khác ở bậc tiểu học theo lộ trình triển khai chương trình mới.

Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương, để giải quyết tình trạng thiếu quỹ đất cho ngành Giáo dục, cần chiến lược dài hạn trong việc khảo sát, hoạch định, dự báo, xây dựng kế hoạch đầu tư trường lớp có tính khả thi. Điều quan trọng là sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương để bố trí, sắp xếp quỹ đất xây dựng trường.

Tại các khu đô thị, các thành phố lớn không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của cư dân tại chỗ mà phải tính đến sự di dân cơ học. Phải quan tâm đến quỹ đất để thiết kế trường học, nhất là trường mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất…

Đối với các địa phương ĐBSCL, việc quy hoạch trường lớp, quỹ đất dành cho giáo dục cũng phải có đặc thù riêng. Thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện kinh tế, biến đổi khí hậu và thiên tai, quy mô phát triển giáo dục của địa phương để làm cơ sở cho việc đầu tư. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó bảo đảm quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, bảo đảm hiệu quả đầu tư lâu dài.

TP Cần Thơ xác định trong điều kiện dân số cơ học tiếp tục gia tăng, cộng với việc tập trung đầu tư, xây dựng, sớm đưa vào khai thác hàng loạt khu dân cư, khu đô thị, phát triển nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đồng nghĩa với việc gia tăng nhu cầu đầu tư xây dựng thêm các trường học.

Trong quy hoạch phát triển GD-ĐT TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, diện tích đất xây dựng trường được mở rộng thêm khoảng 145 ha (khoảng 55% diện tích đất trường học hiện tại). Trong đó, bậc mầm non: 34,4 ha; tiểu học: 53 ha, trung học cơ sở: 39 ha và trung học phổ thông: 17,7 ha. Thành phố xác định ưu tiên quỹ đất cho phát triển mạng lưới trường lớp, tránh những nơi có nguy cơ ngập lụt hoặc sạt lở đất. Các quận, huyện phải bảo đảm có đất sạch để xây dựng trường, lớp khi có kế hoạch đầu tư vốn...

Về giải pháp lâu dài, chính quyền các địa phương phải làm tốt công tác dự báo, trên cơ sở đó quy hoạch mạng lưới trường lớp, đào tạo đội ngũ giáo viên. Đặc biệt khi phê duyệt các dự án xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp… phải ưu tiên dành quỹ đất và kinh phí để xây dựng trường mầm non, tiểu học, có như vậy mới giải quyết được tình trạng thiếu trường lớp như hiện nay.

Mỗi địa phương cần quan tâm xã hội hóa giáo dục, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích nhà đầu tư phát triển GD-ĐT. Khuyến khích xây trường chất lượng cao quy mô lớn theo hình thức xã hội hóa nhằm giảm tải cho nội đô, ưu tiên kinh phí xây trường chuẩn quốc gia. Các trường ở nội đô có đủ điều kiện về nền móng, kết cấu công trình có thể được nâng tầng; rà soát, dành các phòng có diện tích lớn bố trí lớp học cho học sinh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ