Quỹ đất dự trữ dành cho giáo dục: Rất cần thiết và phải quy hoạch dài hạn

GD&TĐ - Việc dành quỹ đất dự trữ cho giáo dục - nhất là ở khu vực đô thị là cần thiết và phải được nêu trong quy hoạch dài hạn.

Do diện tích sân trường nhỏ hẹp nên Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu) rất khó để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho toàn bộ học sinh nhà trường
Do diện tích sân trường nhỏ hẹp nên Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu) rất khó để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho toàn bộ học sinh nhà trường

Trường học quy mô nhỏ và quá tải

Mặc dù được đầu tư xây dựng mới từ năm 2015 nhưng Trường Mầm non 30/4, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) có diện tích đất chưa đến 600m2. Do chật hẹp nên để tổ chức những hoạt động lớn, nhà trường thường phải “mượn” khu vui chơi công cộng kề bên. Các cô giáo cũng phải tận dụng từng góc để bố trí khu vui chơi cho trẻ.

Ông Vũ Hùng - nguyên Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND thành phố Đà Nẵng cũng đã từng khuyến nghị Đà Nẵng nên ưu tiên việc chuyển đổi công năng của các công sở sau khi tập trung các sở, ban, ngành tại Trung tâm hành chính để dành quỹ đất cho giáo dục. “Khu vực nội đô của Đà Nẵng đã không còn đất để xây dựng mới các trường học, trong khi các trường học hiện có đã được cơi nới tối đa, thu hẹp sân chơi, cảnh quan trường học cũng bị phá vỡ” - ông Hùng cho biết.

Trường Tiểu học Trần Thị Lý (Q. Hải Châu), rộng 1.200m2 cho khoảng 800 học sinh, đạt 1,5m2/em, trong khi quy định tối thiểu ở nội thành phải đạt 6m2/học sinh. Tuy vẫn tổ chức dạy - học 2 buổi/ngày nhưng sân chơi chật hẹp, nhà vệ sinh chật và ít nên không bảo đảm các điều kiện cho học sinh. Nhà trường phải bố trí thư viện mở dọc hành lang các lớp học để kéo giãn học sinh đến đọc sách trong giờ ra chơi.

Nằm ngay trung tâm thành phố, diện tích đất của Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu) chỉ có vỏn vẹn 1.360m2, thiếu phòng chức năng, phòng bộ môn. Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nằm sâu trong kiệt hẻm, giữa khu dân cư đông đúc nhưng không thể di dời được vì chưa tìm ra được vị trí phù hợp.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, định mức đất sử dụng trong trường học đối với bậc mầm non là 8m2/học sinh (nội thành) và 12m2/học sinh (ngoại thành); đối với các bậc học còn lại là 6m2/học sinh (nội thành) và 10m2/học sinh (ngoại thành).

Trong khi đó, theo thống kê của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, với quỹ đất dành cho giáo dục gần 2,1 triệu m2 thì bình quân toàn thành phố đạt 7,7m2/học sinh. Tuy nhiên, nếu tính diện tích trung bình ở một số quận trung tâm thì con số này thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, tại quận Hải Châu, diện tích bình quân chỉ đạt 3,8 - 4,8m2/học sinh đối với tất cả các bậc học; quận Thanh Khê, cấp tiểu học và THCS diện tích bình quân đạt 4,2 - 4,6m2/học sinh.

Hệ thống trường tiểu học hầu hết thiếu sân chơi, bãi tập do thiếu diện tích đất; ở bậc THCS một số trường có diện tích mặt bằng quá nhỏ, một số trường không còn đủ diện tích cho học sinh vui chơi, luyện tập, hoạt động ngoại khóa. Nhiều trường phải đi mượn đất để học sinh học thể dục; thậm chí có trường phải gửi học sinh sang trường khác vì quá tải. Như Trường Tiểu học Trần Thị Lý, năm học 2017 - 2018, do số phòng học không đủ đáp ứng nên Ban giám hiệu đành phải vận động 30 phụ huynh trong khu vực tuyển sinh của trường nộp hồ sơ qua Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm gần đó để giảm tải.

Bà Ngô Thị Kim Yến – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết: “Dự kiến đến năm 2025, chỉ tính tỷ lệ tăng dân số tự nhiên thì phải tăng mỗi năm hơn một trường tiểu học. Tuy nhiên, nhiều trường tiểu học ở Đà Nẵng có sĩ số học sinh/lớp rất cao, từ 42 - 45 em/lớp. Nếu cộng cả việc giảm số học sinh/lớp từ 45 xuống còn 35 em, cộng cả tỷ lệ tăng dân số cơ học thì mảng tiểu học phải tăng thêm 4 trường tiểu học/năm. Nếu Đà Nẵng không quyết liệt để theo đuổi chỉ tiêu 35 học sinh/lớp và cứ để tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục và bị tụt hậu”.

Phần diện tích đất dự án Làng Đại học Đà Nẵng về cơ bản đã được giải phóng mặt bằng và có kế hoạch tái định cư.
 Phần diện tích đất dự án Làng Đại học Đà Nẵng về cơ bản đã được giải phóng mặt bằng và có kế hoạch tái định cư. 

Ưu tiên “đất vàng” cho giáo dục

UBND TP Đà Nẵng vừa bàn giao khu đất 15.716m2 cho UBND quận Thanh Khê để xây dựng trường học và các hạng mục khác theo quy hoạch. Với 2 khu đất này, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng đã có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư cơ sở vật chất mới cho Trường Mầm non Hải Đường và Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm thay thế cho các cơ sở hiện trạng đã xuống cấp. Do ảnh hưởng của quá trình chỉnh trang đô thị, hiện diện tích đất của Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm bị thu hẹp, không đủ 6m2/học sinh theo quy định.

Trường Mầm non Hải Đường đang có 2 cơ sở, diện tích nhỏ hẹp và cơ sở vật chất đều đã xuống cấp. Tổng mức đầu tư của dự án không quá 97,5 tỉ đồng. Trước đó, UBND TP Đà Nẵng cũng đã di dời trụ sở của Hội Nông dân thành phố để lấy đất với diện tích khoảng 2.000m2 để xây dựng cơ sở mới cho Trường Tiểu học Trần Cao Vân.

Theo đề xuất của UBND quận Sơn Trà, một số trường học cần mở rộng diện tích như: Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (phường An Hải Đông), diện tích hiện trạng khoảng 4.576m2, diện tích cần phát triển mở rộng lên khoảng 12.000m2; Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (phường An Hải Đông) diện tích hiện trạng 2.298m2, diện tích cần phát triển mở rộng khoảng 11.200m2; Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Thọ Quang) diện tích hiện trạng 4.146m2, diện tích cần bảo đảm khoảng 13.062m2.

Việc mở rộng các trường học nói trên liên quan đến một số hộ dân, trạm dân phòng, nhà công vụ và khu đất do Nhà nước quản lý. UBND quận Sơn Trà cho rằng, công tác đền bù, giải tỏa có thể gặp khó khăn nhưng vẫn phải tính toán vì nhu cầu mở rộng trường lớp là cần thiết cho sự phát triển giáo dục của địa phương.

Là quận có diện tích nhỏ, mật độ dân số đông, UBND quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non nhỏ lẻ, rà soát quỹ đất, chọn các khu đất còn trống, đất giải tỏa, hoán đổi đất cho các hộ dân để mở rộng, nâng cấp các trường mầm non, tiểu học và THCS…

Quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) là địa phương có tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thấp nhất với chỉ 75%. Ông Nguyễn Thanh Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT quận - cho biết: “Số phòng học được đầu tư xây dựng mới ở quận Liên Chiểu không “đuổi kịp” với tốc độ tăng dân số cơ học. Ngoài Khu công nghiệp Hòa Khánh tập trung số lượng lớn công nhân lưu trú, các khu tái định cư mới dần lấp đầy nhà ở. Các khu nhà ở xã hội đã đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng nên dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến quá tải ở một số trường học”.

Chính vì vậy, trên cơ sở đề xuất của UBND quận Liên Chiểu, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, thu hồi các khu đất sắp hết thời hạn cho thuê trên địa bàn quận để đầu tư xây dựng bổ sung các trường học. 

Dự trữ hay là “treo”?

Dự án đầu tư xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng đã được lập vào năm 1996 với quy mô đào tạo đến năm 2010 là 30.000 sinh viên hệ chính quy. Hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng đã dành 300ha, trong đó 190ha thuộc huyện Điện Bàn (Quảng Nam) và 110ha thuộc quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) để xây dựng Làng Đại học.

Đây là dự án được dư luận cho là “treo xuyên thế kỷ”. Sau 25 năm quy hoạch treo, 2 năm trở lai đây, dự án Làng Đại học Đà Nẵng (Hòa Quý – Điện Ngọc) đã bắt đầu được “khởi động lại”. Trong số 110ha thuộc địa phận Đà Nẵng, phần diện tích đã được giải phóng mặt bằng bàn giao từ năm 2017 là 38,6ha. Với diện tích còn lại gồm 71,4ha, đã giải phóng mặt bằng được khoảng 40ha.

UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Làng Đại học với quy mô 12,7ha, tổng mức đầu tư 227 tỷ đồng. Hiện tại, khu tái định cư đang được thực hiện đầu tư xây dựng để phục vụ giải tỏa cho dự án. Ngoài đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư trên, Đà Nẵng còn bổ sung thêm quỹ đất từ 6 khu tái định cư đã hoàn thiện khác của thành phố để đáp ứng nhu cầu tái định cư cho dự án.

Tuy nhiên, với Dự án Làng Đại học, phần diện tích thuộc địa phận Quảng Nam là rất lớn, việc giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn hơn ở Đà Nẵng, nhất là khu vực thuộc phường Điện Ngọc vốn có mật độ xây nhà cửa rất cao. Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết, hiện có khoảng 3.600 nhân khẩu đang sinh sống tại khu vực dự án Làng Đại học Đà Nẵng.

Thế nhưng, chỉ có khoảng 40% số này có đăng ký tạm trú, tạm vắng, có quản lý nhân hộ khẩu. Địa phương đã tính toán bố trí đất tái định cư đối với đất ở có trong hồ sơ địa chính và ưu tiên mua nhà ở xã hội đối với đối tượng đất ở không có trong hồ sơ địa chính.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng - thông tin: Với diện tích 190ha thuộc địa phận Quảng Nam, chỉ tính riêng chi phí đền bù là hơn 2.000 tỷ đồng. Tại các cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, ĐH Đà Nẵng đã đề xuất tỉnh Quảng Nam xem xét phương án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải tỏa dự án như cách triển khai của thành phố Đà Nẵng. Theo đó, sẽ sử dụng ngân sách của địa phương và thu hồi tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư cho dân.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc mới đây với Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, đối với dự án Làng ĐH Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, qua làm việc với ĐH Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam nhận thấy dự án có khả năng thực hiện trên phần đất của thành phố Đà Nẵng. Phần quy hoạch trên đất tỉnh Quảng Nam tập trung rất đông dân cư, không thể đủ kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong khi từ nay đến năm 2030 chưa có nguồn kinh phí để thực hiện.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng sạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 (theo như khái toán của ĐH Đà Nẵng theo giá hiện nay khoảng 2.023 tỷ đồng/170ha, chưa bao gồm kinh phí xây dựng các khu tái định cư và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung). Nếu không bố trí được vốn, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy hoạch để chỉ thực hiện hoàn chỉnh dự án trên phần đất của thành phố Đà Nẵng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ thông tin: “Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam ngày 6/5, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, UBND TP Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức đoàn công tác để trực tiếp rà soát, đánh giá toàn diện về thực trạng, các khó khăn, vướng mắc của dự án, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Hiện đã có 3 đơn vị sinh hoạt trong dự án Làng Đại học Đà Nẵng gồm: Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Khoa Y Dược, với khoảng 4.000 sinh viên đang học tập. Ngoài ra, tòa nhà làm việc của Đại học Sư phạm Kỹ thuật; Tòa nhà của Khoa Y Dược đang được hoàn thiện, dự kiến cuối tháng 4/2022 sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng. Đây là 2 tòa nhà thuộc công trình cấp thiết 200 tỷ đồng mà Bộ GD&ĐT đã bố trí vốn.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ khẳng định, ĐH Đà Nẵng sẽ cùng chính quyền 2 địa phương tiếp tục nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Về cơ bản, đến nay, dự án vẫn đang được triển khai như kế hoạch đề ra theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, tiến độ dự án có nhanh hay không, đòi hỏi phải có kinh phí để giải phóng mặt bằng.

Kinh nghiệm trong việc xây dựng các đại học lớn trên thế giới cho thấy, để được như ngày nay, người ta có thể mất hàng trăm năm hoặc lâu hơn nữa. Vấn đề là phải có tầm nhìn chiến lược, phải có quy hoạch trước và đồng thuận ưu tiên dành đất đai cho các dự án giáo dục - đào tạo, cho sự phát triển của các thế hệ mai sau. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được những đại học quy mô và hiện đại, sánh vai được với các đại học lớn của thế giới. - GS.TS Trần Văn Nam (nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ