Cần một tiếng nói chung để xây dựng chiến lược giáo dục

GD&TĐ - Hiện nay, ở nhiều địa phương có những trường tiểu học cùng một lúc duy trì cả Mô hình Trường học mới (VNEN) và dạy học theo truyền thống. 

Cần một tiếng nói chung để xây dựng chiến lược giáo dục

Với những trường tồn tại cả hai mô hình dạy học, liệu học sinh và giáo viên các lớp ngoài VNEN có “tủi phận”? Mặt khác, học sinh VNEN ở bậc tiểu học liệu có được tiếp tục học tiếp theo mô hình này ở các bậc học cao hơn hay lại quay về “truyền thống”?

Rút ngắn khoảng cách VNEN và trường học truyền thống

Theo Ban Quản lý Dự án GPE-VNEN tỉnh Cần Thơ, những khác biệt giữa hai mô hình dạy học hầu như không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục nhà trường, bởi từ lâu, ngành Giáo dục Cần Thơ đã đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học. GV các trường tiểu học đã làm quen và thực hành các phương pháp dạy học tiên tiến nên họ không quá xa lạ khi dạy theo Mô hình VNEN và nhập cuộc rất tốt.

Thấy rõ tính ưu việt của Mô hình Trường học mới, cán bộ giáo viên ngành Giáo dục Cần Thơ đã nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa dạy học truyền thống và dạy học theo Mô hình VNEN. 

Năm học 2013 – 2014, Sở GD&ĐT Cần Thơ đã tập huấn về phương pháp dạy học cho tất cả các giáo viên, trong đó có nhiều điểm tương đồng với phương pháp của Mô hình VNEN. 

Tại những trường tồn tại song hành hai mô hình dạy học, các buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên và cán bộ quản lý được tích hợp cả 2 nội dung.

Theo đó giáo viên lớp VNEN đã được tập huấn dành nhiều thời gian chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn đồng nghiệp để họ có thể áp dụng phương pháp dạy học VNEN một cách sáng tạo. 

Chẳng hạn, trong lớp học truyền thống, học sinh cũng được hướng dẫn thực hiện các hoạt động, tuy nhiên do sử dụng sách giáo khoa (không có logo hướng dẫn học như Tài liệu Hướng dẫn học VNEN) nên cô giáo sẽ nhắc nhở các em thực hiện hoạt động bằng lời nói.

Thầy Võ Minh Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ - chia sẻ: Trước đây, những người làm công tác quản lý giáo dục thường đùa rằng: Ngồi tại văn phòng có thể đoán được giờ này giáo viên khối lớp nào đang dạy bài gì, tiết thứ mấy; nhưng Công văn số: 896/BGD&ĐT-GDTH về việc Hướng dẫn điều chỉnh việc dạy và học cho học sinh tiểu học do Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai ký năm 13/2/2006 đã phần nào giao quyền tự chủ cho giáo viên, tạo điều kiện cho người dạy có thể điều chỉnh thời gian dạy phù hợp với thực tế. 

Có thể nói, đây là sự “cởi trói” cho giáo dục, không còn bó buộc giáo viên với kiểu dạy “giờ nào tiết nấy”. Việc “trao quyền” cho giáo viên chủ động điều chỉnh thời gian dạy cũng là một yếu tố thuận lợi cho việc nhân rộng VNEN, bởi dạy học theo VNEN, người dạy hoàn toàn chủ động về mặt thời gian, nếu học sinh đã lĩnh hội kiến thức, giáo viên có thể cho các em tiếp tục với bài học mới hoặc ngược lại, dành thêm thời gian để các em hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, khi dạy theo Mô hình Trường học mới, giáo viên cũng thích ứng khá nhanh và cảm thấy rất phù hợp.

Đánh giá HS là thành công lớn của Mô hình VNEN

Giáo viên dạy theo Mô hình VNEN sử dụng tài liệu “3 trong 1” nên không mất thời gian soạn bài nhưng cần dành thời gian chuẩn bị những hướng dẫn và các hoạt động cho học sinh, bởi dù trong tài liệu đã có các logo chỉ dẫn hoạt động, nhưng giáo viên vẫn cần điều chỉnh cho phù hợp thực tế. 

Học sinh căn cứ vào logo và làm việc cá nhân, cặp đôi hay nhóm, nên việc hướng dẫn cho học sinh tự học không hề đơn giản, phải làm sao cho HS đạt được Chuẩn Kiến thức kỹ năng.

Cũng theo thầy Võ Minh Lợi, qua thực tế triển khai ở các trường, Mô hình VNEN rõ ràng đã đảm bảo được cả 2 tiêu chí đang được coi là đòn bẩy cho đổi mới giáo dục, đó là đánh giá và phương pháp dạy. 

Đặc biệt, đánh giá theo Mô hình VNEN đã được nhân rộng trên tất cả các trường tiểu học trong cả nước. Trước đây, nếu HS học yếu, GV thường đổ lỗi cho HS, khiến các em và gia đình phải chịu nhiều áp lực, thì hiện nay, thực hiện đánh giá theo Thông tư 30, GV không thể là người “vô can” khi HS học chưa tốt mà phải có trách nhiệm tìm ra khó khăn của HS để hỗ trợ, giúp đỡ các em tiến bộ. 

Cũng từ cách đánh giá này, GV buộc phải chủ động tìm hướng dạy cho phù hợp, bởi nếu chỉ thao thao thuyết giảng theo phương pháp truyền thống, GV không thể có thời gian quan sát, nhận xét, hướng dẫn, hỗ trợ HS kịp thời. 

Rõ ràng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về thay đổi cách đánh giá ở bậc tiểu học đã trở thành đòn bẩy để thay đổi cách dạy của GV. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhiều người đã quá quen với việc điều hành từ trên xuống, cấp trên bảo sao cấp dưới thực hành vậy, không chủ động, sáng tạo. 

Chính vì vậy, GV cũng không dám làm khác với chỉ đạo, rất sợ sai, sợ thất bại, hiếm người “dám” tiên phong, chủ động tìm đến những con đường mới nếu như chưa được “bật đèn xanh”. 

Việc đổi mới quan điểm, nhận thức của những người làm công tác giáo dục là rất khó. Lúng túng khó khăn về mặt con người vẫn là trở ngại lớn nhất.

Tại nhiều trường VNEN, HS lớp 5 sau 3 năm được học mô hình này đều có phương pháp học tốt, có nhiều kỹ năng rất tốt như biết cách chia sẻ trong nhóm, biết hợp tác nhóm lớn, có kỹ năng đặt thêm câu hỏi, mạnh dạn tự tin chia sẻ với bạn. 

Ở mức độ cao hơn, các em còn biết tư duy, có kỹ năng phán đoán, phản biện. Hiện nay, Mô hình Trường học mới đã được triển khai và nhân rộng mạnh mẽ trên toàn quốc. 

Tuy nhiên, mô hình này mới được thí điểm một cách “dè dặt” ở bậc THCS. Nhiều bậc cha mẹ học sinh và các nhà quản lý giáo dục lo ngại HS lớp 5 các trường VNEN đã quen với việc tự học, tự quản, tự điều hành với sự hướng dẫn của GV mà lên lớp 6 lại ngồi kiểu “hội trường”, nghe “thuyết giảng” thì rất phí, chẳng khác nào bị rơi từ thái cực này sang thái cực khác. 

Những kỹ năng mà các em đã có được từ tiểu học có nguy cơ bị giảm dần, thậm chí thui chột nếu các em không được tiếp tục học theo mô hình này. 

Chị Nguyễn Thị Kim Chung, mẹ em Phùng Minh Hạnh - HS lớp 4A Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Hà Nội) tâm sự: “Cháu đi học tự tin, mạnh dạn, thích chia sẻ bài học, kiến thức với người thân, thích tìm hiểu khám phá những điều xung quanh. 

Mong rằng VNEN sẽ được triển khai ở tất cả các trường, nhất là ở bậc THCS, để con tôi và các HS VNEN khác được tiếp tục học mô hình này”.

Thấy được sức hút từ Mô hình VNEN, có những cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS đã chủ động tiếp cận với các trường VNEN bậc tiểu học, thực hiện các chuyên đề, dự giờ để biết và hiểu về VNEN, có định hướng về phương pháp. 

Học hết lớp 5, HS VNEN đã biết cách tự học, lên lớp 6, GV nên dành thời gian cho HS nghiên cứu chiếm lĩnh kiến thức chứ không nên giảng giải nhiều. 

Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Thanh Oai, trường VNEN đầu tiên ở Hà Nội - chia sẻ: “Nếu GV biết và hiểu về VNEN thì họ sẽ rất mê, nhưng nếu không biết đến thì sẽ dửng dưng, nên rất cần có chỉ đạo đồng bộ của cấp trên. 

Ở địa phương tôi, Ban giám hiệu và GV Trường THCS Tả Thanh Oai đã tự tìm đến với Trường Tiểu học Tả Thanh Oai dự giờ, thăm lớp và đã hình dung ra cách học VNEN. 

Nếu các cán bộ quản lý trường mà hiểu VNEN, cảm nhận sức thuyết phục của VNEN thì sẽ triển khai hướng dẫn trong trường tốt hơn, đảm bảo quyền lợi cho HS”.

“Trong việc triển khai và nhân rộng Mô hình Trường học mới, thiết nghĩ Bộ nên có chủ trương rõ ràng để tạo sự liên thông, đồng bộ trong toàn hệ thống thì sẽ tốt hơn.                                                                                                                                                                  Rất mong một tiếng nói chung giữa các Vụ cho sự đổi mới và cùng xây dựng một chiến lược chung cho giáo dục chứ đừng đẩy đối tượng giáo dục từ thái cực này sang thái cực khác.                                                                                                                                           Xây dựng xã hội học tập, một cá nhân không chỉ học một nơi, một cấp học, nếu có sự liên thông thì người học đỡ thiệt thòi”. 

                                                                                                        Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ Võ Minh Lợi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.