(GD&TĐ) - Trách nhiệm quản lí sách tham khảo là của các Nhà xuất bản (NXB). Chạy theo lợi nhuận, thị trường sách tham khảo đang có độ “vênh” nhất định giữa số lượng và chất lượng. Nhưng, khi nói đến vấn đề ai có thể giúp cho người dùng không "tiền mất tật mang" thì… nhiều ý kiến lại hướng đến nhà trường!
Trùng lặp nội dung, ngất ngưởng giá
Sự kiện một vài cuốn sách tham khảo cho học sinh bậc mầm non và tiểu học bị dư luận phản ứng mạnh mẽ bởi kiểu làm sách thiếu trách nhiệm, không thẩm định kỹ càng, thiếu tính định hướng và giáo dục cho học sinh như: cuốn “Vở luyện từ và câu lớp 3, tập 2” (NXB Hà Nội) - có nội dung lịch sử sai, và “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” (NXB Dân Trí) có cắm cờ Trung Quốc ở cổng trường, thật sự đặt ra một dấu hỏi lớn về chất lượng sách tham khảo hiện nay.
Chọn sách tham khảo cho từng bậc học đang là bài toán khó cho cả phụ huynh và học sinh |
Có mặt tại nhà sách Vạn Xuân (Gò Vấp, TPHCM), chứng kiến nhiều phụ huynh lúng túng, chọn lựa sách tham khảo trước 3 dãy kệ sách với hàng trăm đầu sách các loại, chúng tôi mới hiểu nỗi khổ của họ. Chị Nguyễn Thị Hương, có con đang học tại Trường tiểu học Kim Đồng phân trần: Đứng cả buổi mà chưa biết mua cuốn nào cho cháu. Cô giáo yêu cầu cháu mua thêm sách tham khảo bài tập Anh văn 5 để rèn luyện khả năng viết, tôi nghĩ cứ lên nhà sách là mua, nhưng không ngờ nhiều quá chẳng biết cuốn nào là tốt, cuốn nào phù hợp với yêu cầu của cô giáo. Hôm qua tôi đi một mình nên không dám mua, nay dắt cháu theo để cháu chọn. Nhưng hai mẹ con cũng không biết mua cuốn nào mới đúng yêu cầu của cô giáo. Tôi đếm sơ sơ trên 3 kệ cũng không dưới 15 đầu sách các loại của môn tiếng Anh
Hiện tượng cùng một NXB, cùng tác giả nhưng đứng tên nhiều sách với nội dung gần giống nhau là điều khá phổ biến trong thị trường sách tham khảo hiện nay. Tại quầy bán sách tham khảo Văn lớp 12 của nhà sách Nhân Văn (Bình Thạnh, TPHCM) chúng tôi đếm có đến khoảng 70 đầu sách khác nhau với những cái tên “rất kêu” như: Rèn kỹ năng cảm thụ thơ văn; 200 bài và đoạn văn hay; Bồi dưỡng văn năng khiếu; Hướng dẫn học và giải chi tiết Ngữ văn 12… Môn Văn học là thế, sách tham khảo môn Toán còn “khủng” hơn. Theo nhân viên nhà sách, các loại bài tập nâng cao, ôn tập của môn Toán là không dưới 150 đầu sách. Quan sát tại một số nhà sách, chúng tôi nhận thấy phân khúc sách tham khảo cho lứa tuổi này mới thật sự là muôn hình vạn trạng, khi có hàng trăm loại sách, với những nội dung giúp bé luyện chữ, rèn luyện kỹ năng thông minh, bé tập tô màu, hành trang cho bé vào lớp 1… Nội dung và tên gọi na ná nhau rất nhiều.
Giá sách tham khảo lại càng là ma trận khó lường. Ghi nhận của chúng tôi tại một vài nhà sách trên địa bàn TPHCM thì giá sách tham khảo rất đắt, nhiều cuốn giá bán cao gấp đôi cả một bộ SGK. Ở lứa tuổi mầm non có cuốn Bách khoa toàn thư cho bé (Nhà xuất bản Mỹ thuật) giá 6.000 đồng/tập, Tô màu (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM) giá 11.000 đồng. Cuốn Bé yêu đi mẫu giáo (Nhà xuất bản Dân trí và Đông A) giá 18.000 đồng. Với cấp lớp cao hơn, giá sách tham khảo càng tăng mạnh, điển hình như: Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam (NXB Văn học) có giá 99.000đồng; Hệ thống kiến thức toán học và Anh ngữ để theo học các trường ĐH quốc tế (NXB Giao thông Vận tải) giá bán 122.000 đồng… Trong khi đó, bộ SGK lớp 12 gồm 25 cuốn, giá hiện nay khoảng hơn 240.000 đồng; bộ SGK lớp 11 gồm 25 cuốn, giá khoảng 235.000 đồng; bộ SGK các lớp 5 đến lớp 9 thì chưa quá 180 ngàn đồng… Bộ SGK lớp 1 đến lớp 5 chưa quá 60.000-100.000 đồng/ bộ.
Nhà trường liên quan tới đâu?
Theo một lãnh đạo nhà xuất bản khu vực phía Nam, cho đến thời điểm này cả nước vẫn chưa có một đơn vị, một ban nào đánh giá chắc chắn cuốn sách tham khảo này có giá trị nội dung kiến thức tốt hơn cuốn sách tham khảo kia. Vì mỗi quyển sách đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng của nó. “Chúng ta không thể phủ nhận rằng có những cuốn sách tham khảo rất có giá trị, đáng được trân trọng vì đó là tâm huyết và kinh nghiệm quý báu của những nhà sư phạm qua nhiều năm đúc kết. Nhưng cũng có những cuốn sách làm ra chỉ là kiểu “lắp ghép” thô thiển giữa những đầu sách này với đầu sách khác, mang nặng tính lợi nhuận, làm ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của đội ngũ biên soạn sách. Chính vì thế, đội ngũ giáo viên các trường phải là những người gợi ý để học sinh mua sách tham khảo cho phù hợp” - ông chia sẻ. Đây cũng là lời khuyên của không ít người bán sách khi được chúng tôi hỏi và trao đổi về cách nhận biết một cuốn sách hay, chất lượng và đảm bảo được độ tin cậy cho học sinh.
Học sinh phổ thông chọn mua sách tham khảo (Ảnh minh họa) |
Trao đổi về vai trò của nhà trường và giáo viên trong việc hướng dẫn học sinh dùng sách tham khảo, một hiệu trưởng khẳng định: Về lí mà nói, sách tham khảo không phải là “pháp lệnh” nên nguyên tắc là không có chuyện bắt buộc HS phải trang bị và GV phải có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn. Việc đẩy trách nhiệm tư vấn nội dung cho giáo viên và nhà trường, về tình thì ổn, vì nhiều thầy cô tâm huyết khi tìm đọc, thấy hay, sẵn sàng giới thiệu cho học trò. Nhưng nếu quy trách nhiệm hướng dẫn học sinh dùng sách tham khảo cho thầy cô thì lại không đúng. Nhà trường và giáo viên không phải là người làm sách. Còn chuyện cuốn sách đó được cơ quan chức năng thẩm định nội dung giáo dục, chất lượng và tính định hướng cho trẻ - học sinh hay chưa, nhà trường không thể biết.
Nhưng, cũng theo vị hiệu trưởng này tiết lộ, trách nhiệm của giáo viên và nhà trường hiện nay, nếu có liên quan, thì có thể liên quan đến một vấn đề khác, khá tế nhị, ấy là trong chuyện phát hành. Thực tế cho thấy, nếu như sách tham khảo phát hành qua nhà sách, siêu thị văn hóa được xem là chính ngạch, thì vẫn còn một con đường phát hành sách tham khảo khác, mà, dân trong nghề gọi là “tiểu ngạch”. Đó là phát hành thông qua sự giới thiệu của… một vài cơ quan quản lí giáo dục đến các trường trong hệ thống mình quản lí.
Với những rối ren, hỗn loạn, thị trường sách tham khảo đang cần một sự chấn chỉnh về mặt quản lí từ các cơ quan liên quan, chứ không chỉ từ ngành Giáo dục, để thực sự là kênh hỗ trợ hiệu quả cho việc dạy và học của nhà trường và học sinh.
Đối với chúng tôi, sách tham khảo trước hết cần phải đảm bảo chính xác tuyệt đối về mặt kiến thức. Người ta thường tin ở sách, nhất là những cuốn sách do các nhà khoa học, do các thầy cô đang giảng dạy ở những trường có tên tuổi viết hay do các nhà xuất bản (NXB) có uy tín cấp phép. Vì vậy, việc biên tập, thẩm định phải do những người am tường về chuyên môn và có trách nhiệm đảm nhiệm; việc cấp phép xuất bản phải qua một quy trình nghiêm ngặt, cẩn trọng. Thật ra, không có công việc nào là không có khả năng xảy ra sai sót. Và người ta có thể châm chước cho những sai sót không nghiêm trọng, ngoài ý muốn. Còn sự cẩu thả, vô trách nhiệm, "làm ăn chụp giựt" thì không thể chấp nhận được, bất cứ trong hoạt động nào. Rõ ràng, những vụ việc mà báo chí đã nêu được dư luận đồng tình vừa qua là hậu quả của sự tắc trách ở một vài nhà xuất bản. Quy trình thông thường để một cuốn sách được in ra và phát hành là phải trải qua rất nhiều khâu: biên tập, sửa lỗi, kiểm tra, thẩm định cấp phép, in ấn, nộp lưu chiểu (của nhà xuất bản), rồi đọc kiểm tra, thẩm định, xử lí nếu cần thiết (của các cơ quan quản lí xuất bản phẩm). Theo tôi, nếu các nhà xuất bản, các cơ quan quản lí tuân thủ chặt chẽ các quy trình nghiệp vụ thì sẽ hạn chế được nhiều sai sót không đáng có, mà nếu lỡ có xảy ra sai sót thì cũng nhanh chóng được phát hiện, xử lí kịp thời. Vấn đề là các quy trình nghiệp vụ cần thiết đó có được luôn luôn tuân thủ nghiêm túc hay không. (TS Trần Hoàng, Phó giám đốc, Phó TBT NXB Đại học Sư phạm TPHCM) |
Anh Tú