Cần hành lang pháp lý rõ ràng

GD&TĐ - Học tập suốt đời từ lâu được thế giới đặc biệt quan tâm bởi nhu cầu tất yếu của con người và xã hội trong thời đại công nghiệp.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Đặc biệt, trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhu cầu đó càng bức thiết hơn bao giờ hết và đến lúc phải xây dựng một bộ luật về vấn đề này.

Việt Nam lần đầu tiên đưa ra Đề án quốc gia về xây dựng xã hội học tập vào năm 2005 - 2010 và tiếp tục với các Đề án giai đoạn: 2012 - 2021, 2021 - 2030. Qua đó nhằm xây dựng công dân học tập, tổ chức học tập, cộng đồng học tập trong và ngoài hệ thống giáo dục để đáp ứng yêu cầu của đất nước.

Thực tế, tư tưởng về học tập suốt đời được đề cập từ lâu. Cách đây hơn 30 năm (năm 1993), vấn đề này được nhắc đến với tư cách là một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Nghị quyết nhấn mạnh: “Thực hiện một nền giáo dục thường xuyên cho mọi người, xác định học tập suốt đời là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân”. Đây là tiền đề quan trọng cho nhiều quyết sách cũng như những nỗ lực sau này nhằm thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng một xã hội học tập ở Việt Nam.

Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng nêu rõ: Giáo dục - đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, Nhà nước và toàn dân. Mọi người đi học, học thường xuyên, học suốt đời….

Gần đây nhất, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời… Đồng thời, đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở. Quan điểm này thể hiện cách tiếp cận tổng thể trong học tập suốt đời, gắn kết với giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, yêu cầu của thị trường, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Điểm suốt thời gian qua cho thấy, Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện học tập suốt đời thông qua hệ thống văn bản dưới luật. Các văn bản tập trung chủ yếu vào giáo dục thường xuyên, cùng các đề án về xây dựng xã hội học tập được ban hành theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, các thể chế về học tập suốt đời chưa đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập như Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam đề cập.

10 năm trôi qua, kể từ ngày Nghị quyết này được ban hành, chúng ta mới có bước tiến là đưa vào Luật Giáo dục 2019 với quy định: “Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”. Song, vẫn chưa có bất kỳ thể chế, chính sách đáng kể nào để phát triển giáo dục mở.

Trước bối cảnh nhiều biến động về khía cạnh xã hội, kinh tế, công nghệ và nhân khẩu học, hơn bao giờ hết chúng ta cần xem lại khung pháp lý để đảm bảo các quy định pháp luật hỗ trợ đầy đủ cơ hội học tập suốt đời (ngoài bối cảnh học tập đơn thuần trong nhà trường).

Do vậy, để khẳng định xã hội học tập là sự nghiệp lớn của quốc gia thì vấn đề cần làm và đến lúc phải làm là xây dựng một bộ Luật Học tập suốt đời, chứ không chỉ là thêm thắt một số điều khoản vào Luật Giáo dục hiện hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ