Sự kiện diễn ra tại Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức và được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh/thành phố trong cả nước.
Tham dự sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và hơn 500 giáo viên, học sinh, sinh viên từ hệ thống giáo dục Phenikaa.
Tại 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”; đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cùng một số bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố sẽ phát biểu hưởng ứng Phong trào thi đua. Bộ GD&ĐT với vai trò chủ trì cũng sẽ có báo cáo về một số kết quả hoạt động xây dựng xã hội học tập và đề xuất các nội dung của Phong trào thi đua.
Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” với mục đích tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố sau sự kiện này sẽ triển khai Phong trào thi đua sâu, rộng và thường xuyên ở cơ quan, đơn vị, địa phương, để hệ thống chính trị, toàn dân hướng ứng Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Trường Đại học Phenikaa - nơi diễn ra sự kiện được biết đến là mô hình điển hình về giáo dục trải nghiệm, đổi mới sáng tạo và ươm mầm khởi nghiệp, được xếp hạng là một trong chín trường đại học Việt Nam có tầm ảnh hưởng về phát triển bền vững theo THE Impact Rankings 2023, sẽ góp phần lan tỏa và thúc đẩy phong trào học tập rèn luyện suốt đời của học sinh, sinh viên cả nước.
Ảnh minh họa/ITN. |
Đã hình thành được mô hình xã hội học tập đến cấp xã
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010”. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và năm 2021, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng.
Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.
Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống.
Số lượng cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ, đã hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, giáo viên và mọi người dân theo hướng xã hội hoá.
Trong 4 mục tiêu chính của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” đã đạt được 2 mục tiêu lớn là “Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục”, “Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn”.
Đến nay, 63/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, trong đó 46/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. 63/63 tỉnh/thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.
Một kết quả quan trọng khi thực hiện Đề án là hình thành được mô hình xã hội học tập ở cấp xã. Đây là bước đi chiến lược chỉ có ở Việt Nam. Trong khi các nước xây dựng xã hội học tập ở cấp thành phố trở lên thì Việt Nam đã tiếp cận tới cấp nhỏ hơn là cơ sở và tạo động lực, huy động được người dân tham gia học tập. Cách làm riêng này đã được UNESCO và các quốc gia công nhận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy còn những hạn chế, rào cản xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa đúng mức. Các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn. Sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế...
Để tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về sự cần thiết, tác động và ích lợi của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, cần triển khai Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.
Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Diệt giặc dốt” đến nay, chưa có phong trào thi đua mang tầm quốc gia được phát động về lĩnh vực xã hội học tập. Đây là sự tiếp nối và phát huy những thành quả của phong trào thi đua yêu nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.