Cần ‘chứng nhận thương lái’ để lành mạnh thị trường lúa gạo

GD&TĐ - Thương lái - mắt xích không thể thiếu trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo cần có “chứng nhận hành nghề” cho người tham gia hoạt động này.

Cần ‘chứng nhận thương lái’ để lành mạnh thị trường lúa gạo.
Cần ‘chứng nhận thương lái’ để lành mạnh thị trường lúa gạo.

Thông tin được các đại biểu quan tâm thảo luận tại hội thảo “Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo” diễn ra tại TP Cần Thơ, ngày 2/5.

Thông tin tại hội thảo, TS Trần Minh Hải - Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho rằng: Thực trạng chuỗi lúa gạo ở ĐBSCL dài, có nhiều trung gian; trong đó có thương lái (nhiều nơi gọi chủ vựa, “cò lúa” - PV).

Ông Hải, khi nói đến thương lái, có lẽ nhiều người còn nghĩ tiêu cực về đối tượng này. Điều này có lẽ bắt nguồn từ một bộ phận thương lái có rất nhiều “kỹ năng”; họ thường soạn thảo hợp đồng mua lúa bất lợi cho nông dân. Giá mua lúa có thể điều chỉnh tại ngày cắt, nông dân không chịu bán thì đền cọc gấp 2-3 lần.

TS Trần Minh Hải đề xuất ý tưởng “giấy chứng nhận hành nghề” cho thương lái.

TS Trần Minh Hải đề xuất ý tưởng “giấy chứng nhận hành nghề” cho thương lái.

Khi mua, thương lái lại thường “kèo” máy cắt do mình cung cấp, giá cao và nông dân không thể chủ động về mặt thời gian. Giá lúa tăng thì đôn đốc thu hoạch sớm, bình ổn thì đợi quá ngày để lúa càng khô càng tốt...

Tuy nhiên, TS Hải cũng khẳng định: Không thể phủ nhận rằng thương lái chính là cầu nối quan trọng trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Phần lớn doanh nghiệp thích mua lúa qua thương lái, vì ít căng thẳng hơn về tiền vốn bỏ ra vì không phải ứng tiền trước cho nông dân trong thời gian dài. Nên xem thương lái là đối tác đồng hành với nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp.

Để thương lái phát huy vai trò như mong đợi, ông Hải đề xuất cần có “giấy chứng nhận hành nghề” cho thương lái. Bởi, đây sẽ là cơ sở thiết thực để giúp phân biệt thương lái tốt và chưa tốt.

Song song đó, cần khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện để cùng trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận các nội dung tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Làm tốt điều này sẽ góp phần giảm tình trạng “bẻ kèo”, hạn những hành vi thiếu lành mạnh như mua bán nông sản kém chất lượng, tác động tiêu cực đến giá cả, TS Hải đề xuất.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam bày tỏ đồng tình với quan điểm liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo thì không thể thiếu được thành phần thương lái. Bởi đây là nguồn cung cấp thông tin về giống lúa, sản lượng, giá cả cho doanh nghiệp. Điều này rất có ý nghĩa để thúc đẩy nhanh chuỗi sản xuất và tiêu thụ, mang lại lợi ích cho nông dân.

Thương lái có khả năng và có thể nghĩ thêm tới việc đáp ứng cung cấp đầu vào cho HTX như cơ giới hóa, thiết bị, máy móc sản xuất và tiêu thụ (thay cho cò lúa). Hiện, vướng mắc phần lớn của thương lái là hợp đồng miệng với các HTX. Đó là hợp đồng phi chính thức, không được công nhận.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cơ quan này cũng đang trong quá trình tiếp thu ý kiến, đề xuất từ các thương lái để chỉnh sửa, bổ sung, cụ thể hóa bằng cơ chế, cơ sở pháp lý trong nghị định.

Theo Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, thực tế lúa gạo tại ĐBSCL có các nhân tố liên kết trực tiếp và các nhân tố gián tiếp tác động thông qua chính sách, tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn.... Các nhân tố liên kết trực tiếp gồm: Nông dân - HTX - thương lái - doanh nghiệp - nhà phân phối/ tiêu thụ…

Theo ước tính, tổng sản lượng lúa nông dân sản xuất sẽ được phân phối qua các các kênh tiêu thụ gồm thương lái chiếm hơn 49%, HTX 32%, nhà máy xay xát hơn 12% và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo hơn 6,5%...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.