Các tỉnh ĐBSCL học cách sống chung với hạn mặn lâu dài

GD&TĐ - Theo chuyên gia, tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL thời gian gần đây diễn ra sớm hơn, về lâu dài, người dân cần học cách sống chung với hạn mặn.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khảo sát tình hình hạn mặn trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khảo sát tình hình hạn mặn trên địa bàn.

Nắng kéo dài, tổng lượng dòng chảy từ sông Mê Kông về hạ nguồn bị thiếu hụt khiến hơn 50.000 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thiếu nước trong mùa hạn mặn.

Hạn mặn khốc liệt, tăng tần suất

Thông tin về tình hình hạn mặn tại ĐBSCL, ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong 10 năm gần đây, tình hình hạn mặn ở ĐBSCL diễn ra khốc liệt, đặc biệt là vào những năm 2015 - 2016, 2019 - 2020 và 2023 - 2024. Trong khi đó, 10 năm gần đây lũ rất ít, hầu như không có. Hạn mặn có tần suất nhiều hơn, xâm nhập sâu hơn.

Theo ông Quyền, tính từ nửa cuối tháng 12/2023 tới nay, khu vực ĐBSCL gần như không mưa. Một số nơi có mưa, nhưng lượng mưa rất ít, không đáng kể. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62 - 94%.

Thời điểm bắt đầu mùa mưa tại Nam Bộ khả năng sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng từ tuần giữa tháng 5), nắng nóng vẫn tiếp diễn, nền nhiệt cao”, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo.

Tình trạng xâm nhập mặn năm nay diễn ra sớm. Đến thời điểm hiện tại thì mức độ xâm nhập mặn tại Tiền Giang, Bến Tre cao hơn năm 2015 - 2016. Tại Bến Tre, sáng 26/3, độ mặn 1/1.000 đã xâm nhập cách Cửa Đại 69km, sông Hàm Luông lên đến 72km và sông Cổ Chiên 58km.

"Độ mặn đo được cao hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, chúng tôi quan trắc tại trạm Mỹ Tho, đợt hạn mặn vừa rồi mặn lên đến 6,8/1.000; trong khi đợt hạn mặn 2015 - 2016 chỉ 3,9/1.000”, ông Lê Ngọc Quyền nói.

Theo ông Trần Bá Hoằng (Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Bộ NN&PTNT), những năm qua công tác dự báo, đầu tư công trình, chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT và các địa phương đã mang lại kết quả tốt.

“Năm nay, với tinh thần vào cuộc sớm, dù hạn mặn cao hơn trung bình nhiều năm, có thời điểm mặn vào sâu hơn cả năm 2016, nhưng đến thời điểm này thiệt hại chỉ xảy ra ở một số nơi do canh tác ngoài khuyến cáo của địa phương; ảnh hưởng nước sinh hoạt khoảng 50.500 hộ dân”, ông Hoằng thông tin.

Dòng kênh nội đồng cấp nước tưới tiêu sản xuất cạn nước. (Ảnh: Quách Mến)

Dòng kênh nội đồng cấp nước tưới tiêu sản xuất cạn nước. (Ảnh: Quách Mến)

Vừa ứng phó, vừa “né” hạn mặn

Cà Mau là địa phương chịu tác động lớn từ hạn mặn.

Ông Đỗ Minh Điền, Chi Cục phó Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau) cho biết, Cà Mau là tỉnh duy nhất trong 13 tỉnh, thành ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung, hạn hán khốc liệt như các năm qua và năm nay ảnh hưởng rất lớn.

Cà Mau đưa ra giải pháp trước mắt là tăng cường khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước, thường xuyên theo dõi mực nước trong kênh, khi thấp đến mức báo động thì báo với chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý.

Tỉnh cũng đề xuất các giải pháp cấp nước sinh hoạt, đầu tư các công trình hỗ trợ trữ nước. Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định chi 10 tỷ đồng cho 3 huyện thiếu nước nghiêm trọng.

Tương tự, ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre chia sẻ, ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre đề ra 2 giải pháp. Đầu tiên là bảo vệ nguồn nước cấp cho nước sinh hoạt của nhà máy nước TP Bến Tre và các khu công nghiệp.

Song song đó, phải bảo vệ vùng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Hiện, Bến Tre cơ bản đảm bảo được các phương án dự phòng đưa ra, nhưng nếu thời gian mưa trễ, nắng kéo dài thì sức chịu đựng của các dòng sông và nguồn nước dự trữ trong dân gặp khó khăn.

Tỉnh Hậu Giang cũng cập nhật liên tục thông tin cảnh báo, quán triệt, theo dõi thường xuyên và chuẩn bị nước sạch cho người dân. Nếu độ mặn tăng đột biến, địa phương sẽ cung cấp nước cho người dân để phục vụ sản xuất. Các hệ thống cống trên địa bàn Hậu Giang hiện nay có người trực đảm bảo 24/24; địa phương lập nhóm mạng xã hội để thông tin đo độ mặn thường xuyên.

Hậu Giang tiến hành nạo vét kênh trục dẫn nước sông Hậu về nhằm ngọt hóa Hậu Giang và Bạc Liêu, Cà Mau. Trước những dự báo mặn, địa phương đẩy lịch thời vụ sớm hơn 20 ngày để “né” mặn.

Nông dân ở Kiên Giang chủ động chuyển cánh đồng lúa sang trồng màu "né" hạn mặn.

Nông dân ở Kiên Giang chủ động chuyển cánh đồng lúa sang trồng màu "né" hạn mặn.

“Sống chung” hạn mặn

Nói về giải pháp ứng phó mang tính “dài hơi” cho vùng, ông Trần Bá Hoằng cho rằng: “Cần xem hạn mặn đã là thuộc tính của ĐBSCL, xảy ra hằng năm, chỉ khác nhau là cao hay thấp. Cần quan tâm công tác dự báo, để chủ động.

Nếu dự báo tốt thì đảm bảo sản xuất, né được tác hại. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp và cần có giải pháp công trình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi, để không phải lo đi chống hạn mặn”.

Đồng quan điểm sống chung với hạn mặn, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL cho rằng: “Việc sống chung với hạn mặn rất phù hợp. Từ xa xưa người dân đã có những giải pháp sống chung. Thông qua kinh nghiệm thực tiễn, hình thành nên tri thức bản địa của người dân trong việc sinh hoạt, sản xuất theo điều kiện sinh thái tự nhiên, để thích ứng”.

Nhà dân ở Cà Mau bị lún do tác động từ hạn mặn. (Ảnh: Quách Mến)

Nhà dân ở Cà Mau bị lún do tác động từ hạn mặn. (Ảnh: Quách Mến)

TS Trần Hữu Hiệp cũng cho rằng, trong 10 năm đã xảy ra 3 trận hạn mặn, cho thấy nhịp độ chu kỳ hạn mặn tác động tới vùng nhanh hơn trước đây, nên vấn đề thích ứng hạn mặn là yêu cầu đương nhiên của vùng. Vì đó, cần kết hợp giữa các công cụ khoa học và kiến thức bản địa để dự báo sớm hạn mặn vùng; đồng thời có kế hoạch chủ động thích ứng tương xứng.

Cần xem hạn mặn là đặc tính mang tính chu kỳ và có tính đột xuất của vùng để xây dựng những kịch bản tăng cường liên kết vùng phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống người dân phù hợp. Ông Hiệp cũng đề xuất, cần công bố bản đồ hạn mặn của vùng và có sự cập nhật thường xuyên.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ đặc biệt lưu ý yếu tố con người góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn, cần có giải pháp khắc phục.

“Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng. Tình trạng khai thác cát lòng sông dẫn đến hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng”, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ