Năm nay, các Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tiếp tục thành lập tổ chấm bài thi tự luận Ngữ văn. Các bài thi còn lại sẽ chấm thi theo quy định của hình thức thi trắc nghiệm khách quan và sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tránh những sai sót không đáng có.
Thực tế, công tác chấm thi (dù là tự luận hay trắc nghiệm) không còn xa lạ với các địa phương và thầy, cô giáo. Hơn nữa, Bộ GD&ÐT đã có hướng dẫn chi tiết, để các Hội đồng thi và mỗi cán bộ tham gia khâu chấm thi soi chiếu với công việc mà mình được giao.
Ai cũng hiểu, một trong những yêu cầu quan trọng của khâu chấm thi là bảo đảm tính khách quan, công bằng và thực chất. Vì thế, Bộ GD&ĐT đã “siết” chặt khâu này. Theo đó, yêu cầu công tác chấm thi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của quy chế, tuyệt đối không được qua loa, đại khái, dù là chi tiết nhỏ nhất. Do đó, hơn ai hết, mỗi cán bộ tham gia nhiệm vụ này phải nắm chắc quy chế, quy trình tổ chức để thực hiện chính xác, hiệu quả, tránh những sai sót, nhầm lẫn không đáng có như: Chấm thiếu hoặc cộng điểm không đúng của thí sinh…
Song, dù quy chế hay quy trình, quy định được thể hiện bằng văn bản chặt chẽ đến đâu và dù có tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt như thế nào, thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất và có tính quyết định. Chúng ta đã có bài học sâu sắc và đắt giá liên quan đến sai phạm trong khâu chấm thi của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Nhắc lại chuyện buồn này để nhấn mạnh rằng, những người tham gia làm nhiệm vụ chấm thi đều đã được “chọn mặt gửi vàng”. Họ là niềm tin của hàng triệu thí sinh, phụ huynh. Xã hội kỳ vọng vào sự công tâm, trách nhiệm của những giáo viên tinh nhuệ, công bằng, trung thực và khách quan nhất. Các thầy, cô giáo chính là những người “cầm cân nảy mực”.
Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà còn là tự trọng nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Bởi vậy, họ mang trong mình trọng trách nặng nề và tinh thần trách nhiệm cao cả, trên hết đó là mệnh lệnh từ trái tim của những người thầy. Vì vậy, bất luận dù trong hoàn cảnh nào cũng phải tuân thủ nguyên tắc Quy chế thi. Tất cả vì quyền lợi của thí sinh. Các em luôn tin tưởng vào sự khách quan, công bằng và gửi trọn niềm tin vào các thầy, cô giáo chấm thi nói riêng và Ban Chỉ đạo thi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói chung.
Hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ tham gia vào khâu chấm thi không được chủ quan, phải nghiên cứu kỹ các quy định để không bị sơ suất trong quá trình làm việc. Bởi dù có cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ, và chỉ là một sơ suất – dù nhỏ cũng có thể để lại những hậu quả khôn lường. Do đó cần có sự phối hợp tốt, nhịp nhàng, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, phương pháp làm việc và trách nhiệm của từng cá nhân trong khâu chấm thi.
Tin rằng, với những gì Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai cùng với tâm thế tự tin, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mỗi cán bộ trong khâu chấm thi, chúng ta sẽ có một mùa thi thành công trọn vẹn, đáp ứng niềm tin của thí sinh, phụ huynh và sự kỳ vọng của xã hội.