Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Công tác chấm thi có gì đặc biệt?

GD&TĐ - Công chấm thi tốt nghiệp THPT đợt 2 được các địa phương triển khai nghiêm túc, khách quan đúng quy chế.

Công tác chấm thi được diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế. Ảnh minh hoạ - chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Công tác chấm thi được diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế. Ảnh minh hoạ - chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Nghiêm cẩn khu vực chấm thi

Ông Trần Tuấn Nam – Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết: Sở phối hợp với Công an, Thanh tra tỉnh huy động 84 cán bộ, giáo viên, nhân viên và các lực lượng đảm bảo an toàn cho đợt chấm thi; trong đó số cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi tự luận là 69 người; cán bộ Ban Chấm thi trắc nghiệm là 15 người.

Việc chấm thi được thực hiện theo Quy chế thi và các hướng dẫn về tổ chức kỳ thi của Bộ GD&ĐT đảm bảo theo nguyên tắc “an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế".

Ban chấm thi tự luận thực hiện việc nghiên cứu đáp án, hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT, đặt ra các tình huống để thống nhất cách chấm, tổ chức chấm thi theo đúng đáp án và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đảm bảo chấm đều tay.

“Trước khi tổ chức chấm chính thức, tất cả các giám khảo cùng nghiên cứu đáp án, biểu điểm; tổ chức chấm chung, trong quá trình chấm chung, mọi tình huống phát sinh đều được đưa ra thảo luận và cùng thống nhất cách xử lý và đảm bảo đúng hướng dẫn, chấm đều tay trong suốt quá trình chấm thi” – ông Nam chia sẻ, đồng thời cho hay:

Mỗi bài thi sẽ được chấm độc lập bởi 2 cán bộ chấm thi. Ngoài ra, lực lượng chấm kiểm tra cũng tiến hành chấm kiểm tra ngẫu nhiên để đảm bảo việc chấm thi được công bằng, khách quan. Công tác chấm thi trắc nghiệm được thực hiện theo đúng quy trình, đúng quy chế và đảm bảo tiến độ do Bộ GD&ĐT đề ra.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên Trần Khắc Lễ cho biết: Sở huy động 40 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi tự luận. Công tác chấm thi diễn ra theo đúng quy chế.

Sở GD&ĐT thành lập 1 đoàn thanh tra công tác chấm thi đối với Hội đồng thi, Ban Chấm thi tự luận, Ban Chấm thi trắc nghiệm và các ban liên quan đến công tác chấm thi; bảo đảm đoàn thanh tra có đủ số thành viên để thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại các khu vực: Làm phách. Tại Ban Chấm thi tự luận bảo đảm mỗi thành viên thanh tra từ 2 đến 3 phòng chấm thi tùy theo phương án bố trí các phòng chấm thi.

Việc chấm trắc nghiệm được sử dụng phòng riêng, cách biệt với các khu vực làm việc của các ban khác; có 4 camera giám sát toàn phòng chấm; có bộ lưu điện dự phòng cho các camera và các máy tính dùng trong chấm trắc nghiệm, máy phát điện dự phòng; Sở GD&ĐT đã phối hợp điện lực đảm bảo cung cấp làm việc với điện lực đảm bảo cung cấp điện liên tục cho công tác chấm thi.

Ban chỉ đạo thi bố trí 2 thành viên trong đoàn thanh tra (1 thanh tra tỉnh, 1 thanh tra Sở) tiến hành thanh tra chấm thi trắc nghiệm.

Camera giám sát toàn phòng chấm thi. Ảnh minh hoạ - thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Camera giám sát toàn phòng chấm thi. Ảnh minh hoạ - thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Camera quan sát 24/24

Tại Hội đồng thi tỉnh An Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm cho biết: Sở điều động 34 cán bộ chấm thi (CBChT) tự luận và 25 cán bộ chấm thi trắc nghiệm, là cán bộ quản lý, giáo viên trường phổ thông.

Điểm chấm thi là khu vực biệt lập, bố trí khu vực cách ly có phòng làm phách riêng biệt, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng làm việc của Ban thư ký; khu vực làm việc của Ban chấm thi tự luận, phòng chấm bài thi tự luận, các phòng đều được trang bị camera hoạt động 24/24.

“Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc chấm thi được thực hiện giãn cách, không quá 8 người/phòng. Việc thảo luận, hướng dẫn chấm thi tự luận và chấm chung được thực hiện bằng mạng LAN nội bộ” –bà Diễm cho hay.

Theo kế hoạch, ban làm phách thực hiện làm phách 1 vòng độc lập, cách ly triệt để từ lúc bắt đầu làm phách đến khi chấm xong bài thi tự luận. Sử dụng phần mềm hỗ trợ chấm thi của Bộ GD&ĐT để gieo phách, đảm bảo thực hiện đúng quy trình.

Ngoài ra, việc chấm thi sẽ được thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận đã được CBChT chấm thi chấm xong lần chấm thứ nhất hoặc lần chấm thứ hai theo tiến độ chấm thi và theo chỉ đạo của Trưởng ban Chấm thi tự luận; mỗi bài thi chấm kiểm tra được một CBChT chấm kiểm tra theo quy trình chấm lần chấm thứ nhất theo Quy chế thi.

Cuối mỗi buổi chấm hoặc khi xét thấy cần thiết, Tổ trưởng Tổ Chấm kiểm tra tổng hợp và báo cáo kết quả chấm kiểm tra và kiến nghị, đề xuất với Trưởng ban Chấm thi tự luận áp dụng các biện pháp phù hợp giúp cho việc chấm thi được công bằng, khách quan, nghiêm túc.

Về chấm thi trắc nghiệm, bà Diễm cho hay: Có 25 người tham gia Ban Chấm thi trắc nghiệm. Phòng chấm bài thi trắc nghiệm riêng biệt, tủ đựng an toàn, có khóa, niêm phong theo qui định. Túi bài thi được mở niêm phong, thực hiện quét bài, chấm bài, đóng niêm phong và lưu tại các tủ ngày trong phòng.

Ngoài ra, trang bị 4 máy quét, 1 máy chủ, 4 máy trạm, đã được kiểm tra hiện trạng. Khu vực chấm thi trắc nghiệm có công an bảo vệ, camera quan sát 24/24.

Ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021 kết thúc, các hội đồng thi đang chủ động tổ chức chấm thi và gửi dữ liệu kết quả điểm thi về Bộ GD&ĐT chậm nhất ngày 23/8. Theo kế hoạch, ngày 24/8, điểm thi của các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ được công bố. Từ ngày 24/8 đến hết ngày 31/8/2021, các đơn vị đăng ký dự thi sẽ thu nhận đơn phúc khảo của thí sinh và tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có), hoàn thành chậm nhất ngày 9/9.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.