Quang cảnh Hội thảo công bố báo cáo về năng lực cạnh tranh và công nghệ... |
(GD&TĐ) - Mô hình đổi mới mà Việt Nam đang áp dụng dựa trên mức lương thấp và phân bổ lại lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực hiện đại đã làm tăng phúc lợi cho đại đa số người dân Việt Nam. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể tiếp tục nâng cao mức sống trong tương lai xa.
Đây là một trong những kết luận đáng chú ý tại Hội thảo công bố báo cáo: “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam: Kết quả điều tra năm 2012” và nghiên cứu sâu dựa trên số liệu điều tra năm 2012 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê và Trường ĐH Copenhagen phối hợp thực hiện.
Kết quả nghiên cứu khẳng định, thay bằng cách thức trên, cải tiến kỹ thuật sẽ đóng một vai trò chủ chốt. Một phần quan trọng của giải pháp dài hạn là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp áp dụng, điều chỉnh và cải tiến công nghệ phù hợp.
Theo nghiên cứu này, nhìn chung, dự đoán về tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn là rất khả quan. Nguồn lao động dồi dào và nền chính trị ổn định sẽ tạo điều kiện tốt cho khu vực tư nhân phát triển, đóng góp vào tăng trường.
Mặc dù vậy, một chính sách công nghiệp có mục tiêu cụ thể, rõ ràng sẽ giải quyết được vấn đề tăng trưởng chậm, tăng nhu cầu việc làm ở khu vực chính sách và cải thiện mức lương. Giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận và đầu tư vào công nghệ phù hợp là chính sách chi phí thấp nhưng có thể đem lại lợi ích to lớn.
Dù đang tạo ra lượng việc làm lớn cho nền kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài không phải là nguồn lan tỏa công nghệ duy nhất và rất không nên dựa vào một mình nó để tiếp cận công nghệ phù hợp.
Số liệu tổng hợp từ báo cáo này cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những bằng chứng cụ thể về những gì thực sự hiệu quả, nên làm trong chính sách công nghiệp. Theo đó, nhà hoạch định chính sách Việt Nam không nên dựa vào những trường hợp đặc biệt trong quá khứ mà nên khuyến khích sự phát triển, chia sẻ lợi ích rộng, hài hòa hơn.
Hải Bình
TIN LIÊN QUAN |
---|