Cải thiện vấn đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp

GD&TĐ - Ngày 24/11, Dự án Khảo sát xu hướng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp (Motive) họp triển khai kế hoạch tại Học viện Bưu chính Viễn thông.

Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp

Các đối tác dự án họp mặt để thống nhất triển khai các nhóm công việc của dự án. Các đối tác châu Âu tham gia cuộc họp qua phần mềm Zoom do những giới hạn về đi lại.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Đối với dự án Motive, Vụ đã báo cáo lãnh đạo Bộ và xác định đây là một dự án quan trọng đối với Bộ GD&ĐT và đặc biệt là các trường tham gia dự án.

Việc triển khai thực hiện tốt các nội dung của dự án sẽ góp phần tạo cơ hội để các cơ sở đào tạo trong nước xây dựng mạng lưới kết nối trực tiếp với khối doanh nghiệp, đơn vị nhằm nâng cao kỹ năng khởi nghiệp và nắm bắt được các kiến thức kỹ năng của thị trường lao động, giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Đồng thời tạo điều kiện cho các trường tại Việt Nam học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đối tác Châu Âu về lĩnh vực hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp cho sinh viên.

Kết quả đầu ra của dự án sẽ là một kênh tham mưu quan trọng đối với việc tham mưu xây dựng các chính sách, đặc biết là đối với công tác thông kê số lượng sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, xây dựng kênh thông tin giữa nhà trường và doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu xây dựng các kỹ năng nghề nghiệp  thiết yếu đối với sinh viên (Essential Skills) nhằm cải thiện vấn đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại sự kiện
Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại sự kiện

Về công tác hướng nghiệp cho HSSV, ông Bùi Văn Linh cho biết: Từ năm 2008, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm với mục đích giúp người học định hướng nghề nghiệp, lựa chọn được ngành học, trình độ đào tạo phù hợp; chủ động, sáng tạo trong học tập, am hiểu về ngành, nghề đang học để phát huy được năng lực nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Để thực đạt được mục đích trên, Bộ chỉ đạo các cơ sở đào tạo tư vấn, giới thiệu về ngành, chuyên ngành đào tạo của nhà trường, cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp cho đối tượng tuyển sinh của nhà trường.

Các nhà trường đã tổ chức các hoạt động tư vấn về phương pháp học tập, nội dung, đặc điểm của ngành, nghề và trình độ đang được đào tạo; các vấn đề về chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến ngành, nghề được đào tạo cho người học của nhà trường.

Motive (Monitoring Trends In Vietnamese Employment) là Dự án “Theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp” được quỹ Eramus+ của Liên minh châu Âu tài trợ trong giai đoạn 2020-2022, dưới sự chủ trì của tổ chức Alma Laurea, thuộc Đại học Bologna, Italia. Đây là dự án hợp tác xuyên quốc gia nhằm chuyển giao năng lực cho các trường Đại học ở Việt Nam từ các tổ chức phát triển và các trường Đại học ở châu Âu.

Hiện tại, tham gia dự án có 9 trường Đại học ở Việt Nam, bao gồm: Trường Đại học Hà Nội (HANU), Học viện Bưu chính Viễn thông (PTIT), Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (NUAE), Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC), Đại học Thái Nguyên (TNU), Cao đẳng Du lịch Hà Nội (HTC), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), Đại học Nội vụ (HUHA).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc dạy trẻ cách cư xử và tương tác với thú cưng là vô cùng cần thiết. (Ảnh: ITN).

Dạy con chơi với thú cưng an toàn

GD&TĐ - Đối với nhiều gia đình, thú cưng cũng là một thành viên quan trọng. Chúng góp phần dạy trẻ nhiều kỹ năng sống, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm.