Cách nào chống sốc cho học sinh đầu cấp?

GD&TĐ - Giai đoạn chuyển bậc học, học sinh thường gặp nhiều khó khăn để thích ứng với môi trường mới. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có kỹ năng giúp con vượt qua thử thách này.

Học sinh Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham gia chương trình Lớp học cầu nối.
Học sinh Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham gia chương trình Lớp học cầu nối.

Để lớp Một thôi ngơ ngác

Chị Nguyễn Thị Thúy Loan (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã gửi con đi học dự thính chương trình lớp Một từ hơn một tháng nay. “Mỗi tuần cháu có 3 buổi tối học dự thính. Sau khi bế giảng và làm lễ ra trường ở trường mầm non, lớp dự thính chuyển sang học bán trú. Năm nay, trường mầm non nghỉ học nhiều do ảnh hưởng dịch Covid–19 nên tôi rất lo cháu không thành thạo đọc – viết trước khi vào lớp Một. Gửi con học trước chương trình lớp Một để con không bị đuối khi vào học chính thức. Hơn nữa, cha mẹ còn đi làm, không phải gửi con về quê cho ông bà trông như đợt nghỉ dịch vừa qua” – chị Loan cho biết.

Trong thời gian chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học, nhiều phụ huynh gửi trẻ theo học dự thính chương trình lớp Một. Một bộ phận không nhỏ phụ huynh ngoài “nhồi nhét” trước kiến thức lớp Một, còn cho trẻ học thêm nhiều môn khác như Anh văn, học phương pháp tính nhẩm “siêu tốc”, học nhạc, vẽ…

Tuy nhiên, ở góc độ khác, những “nỗ lực” tạo tâm thế từ môi trường vui chơi sang học tập như thế này đôi khi khiến trẻ thêm căng thẳng bởi áp lực do chính cha mẹ tạo ra.

Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Năm học này quá đặc biệt do trẻ mầm non 5 tuổi nghỉ dài ngày để phòng dịch Covid–19. Thời gian đi học còn lại của trẻ quá ít, giáo viên lớp Lớn rất khó chuẩn bị đầy đủ và vững chắc những kỹ năng, kiến thức cần thiết nhằm đảm bảo cho việc trẻ sẵn sàng bước vào lớp Một”.

Chính vì vậy, thầy Phong gợi ý phụ huynh nên giữ liên lạc với cô giáo đã dạy trẻ ở trường mầm non để có đánh giá chi tiết năng lực trẻ đạt được và chưa đạt được trong chương trình lớp Lớn. Đây sẽ là cơ sở để phụ huynh có kế hoạch bổ sung những gì trẻ còn yếu hoặc chưa đạt yêu cầu, trọng tâm vào nhận diện và đọc được bảng chữ cái, chữ số, đánh vần một số từ đơn giản.

Thầy Nguyễn Thái Phong lưu ý rằng, một số nội dung cần phải nhờ sự hỗ trợ hướng dẫn của giáo viên có kinh nghiệm (trực tiếp hoặc qua video), nếu ba mẹ không có kiến thức đúng chuyên ngành như: Tư thế ngồi học, cách cầm bút… để tránh những tác hại không mong muốn về sức khỏe của trẻ sau này. Phụ huynh nên sắp xếp đưa trẻ đến tham quan trường tiểu học để làm quen với không gian mới và chuẩn bị tâm lý mong muốn đi học lớp Một.

Khi bước vào lớp Một, các bé phải thay đổi một số thói quen so với môi trường mẫu giáo. “Chính vì vậy, thời gian chuẩn bị vào lớp Một, phụ huynh cần dành thời gian tập cho trẻ kỹ năng giao tiếp. Đồng thời, hướng dẫn trẻ tự chăm lo cho bản thân như tự ăn, lấy nước uống, tự mặc áo quần đồng phục, lấy và xếp đồ dùng học tập vào cặp, tập thói quen đi ngủ sớm, thức dậy sớm hơn” – thầy Nguyễn Thái Phong chia sẻ.

Học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tham gia sân chơi Rung chuông vàng, hoàn thành chương trình Rèn luyện đội viên.
Học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tham gia sân chơi Rung chuông vàng, hoàn thành chương trình Rèn luyện đội viên. 

Tiếp sức cho học sinh lớp 6

Trước thời điểm kết thúc năm học 2021 – 2022, Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) gửi danh mục sách giáo khoa, số lượng môn học… đến các trường tiểu học trên địa bàn để giới thiệu trước cho phụ huynh HS khối 5. Những bước này, theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Sương, là sự giới thiệu ban đầu để phụ huynh và học sinh nắm được các môn sẽ học khi bước vào lớp 6 chương trình mới.

Sau khi niêm yết danh sách học sinh khối lớp 6, Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh tổ chức buổi gặp mặt phụ huynh học sinh trước thời điểm tựu trường. “Ngoài việc phổ biến nội quy của nhà trường, đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập cần chuẩn bị cho học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ chia sẻ với phụ huynh về những thay đổi trong phương pháp học tập ở cấp THCS so với tiểu học; các đợt kiểm tra trong năm học, mức độ kiểm tra, hình thức kiểm tra, đánh giá môn học… để phụ huynh phối hợp cùng với thầy cô giáo chuẩn bị tốt tâm thế cho các em trước khi vào năm học chính thức” – cô Sương cho biết.

Theo cô Phạm Thị Thùy Loan – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), lớp 6 là giai đoạn quan trọng với mỗi học sinh. Những năm học trước đây, nhiều học sinh lớp 6 tìm đến phòng tham vấn tâm lý học đường, ngoài việc nhờ hỗ trợ những mâu thuẫn của cha mẹ trong mối quan hệ gia đình, mâu thuẫn trong phương pháp giáo dục con khiến trẻ lo lắng, bất an, thậm chí là cảm thấy xa dần với cha mẹ thì các em còn gặp phải những mâu thuẫn trong mối quan hệ bạn bè dẫn đến sự phân tâm trong học tập; cảm giác về sự không công bằng hoặc không đúng trong xử lý một vài tình huống của thầy cô trên lớp học. Tất cả những lo lắng đó đều đến từ việc phát triển tâm sinh lý khiến các em thay đổi nhận thức về các vấn đề diễn ra xung quanh mình.

Nhiều năm phụ trách công tác tư vấn tâm lý học đường, cô Thùy Loan chia sẻ: Với học sinh lớp 6, vấn đề khiến các em dễ sao nhãng học hành nhất là mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè ở lớp mới. “Các em có tâm lý muốn khẳng định bản thân với các bạn, kết thân với bạn mới, thích tạo bè nhóm,…và các em rất quan trọng việc được thừa nhận, được là người quan trọng” – cô Loan nhận xét.

Trong khi đó sự nhìn nhận về tình bạn, bản thân và về người khác của các em chưa thật chính xác, còn nhiều sai lệch. Trái với mong muốn, các em có thể bị sang chấn tâm lý, dễ nổi nóng, dễ khóc, có hành vi xấu. Một số em mang buồn bực về nhà, bất mãn với cả cha mẹ… Vì vậy, phụ huynh cần đặc biệt quan tâm không chỉ đến trẻ mà cả môi trường con học tập và các mối quan hệ.

“Hầu hết, học sinh lớp 6 sẽ gặp khó khăn khi vừa theo dõi thầy cô giáo giảng bài vừa ghi chép nội dung bài học vào vở. Thường thì sau 2 tuần, các em sẽ quen dần với thay đổi này. Để hỗ trợ học sinh, giáo viên sẽ phải tỉ mỉ khi hướng dẫn phương pháp học ở tiết học đầu tiên của mỗi môn học” – cô Sương chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình tượng rắn năm Ất Tỵ 2025 được họa sĩ vẽ theo biểu tượng vô cực.

Tranh 12 con giáp rộn ràng trên giấy dó

GD&TĐ - Bộ tranh 12 con giáp trên giấy dó truyền thống được họa sĩ thực hiện trong 12 năm, tạo thành một chuỗi tác phẩm thể hiện khái niệm về sự trường tồn và luân chuyển.