Chất lượng đầu ra của lớp 5, vì vậy, được các trường THCS quan tâm đặc biệt để đáp ứng chuẩn đầu vào của lớp 6.
Mới nhưng không bỡ ngỡ
Ba năm nay, GV Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chuyển hướng sang dạy học phát triển năng lực học sinh. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong buổi họp phụ huynh sơ kết học kỳ I của nhà trường, GV lớp 5 đã giới thiệu về việc thay đổi chương trình ở lớp 6. HS tiểu học sẽ được chuẩn bị tâm thế, phẩm chất và một số năng lực cần thiết để đáp ứng được với yêu cầu học lớp 6 theo chương trình mới.
Theo đó, một số nội dung trước đây được tinh giản nay sẽ được bổ sung để HS đáp ứng được chuẩn đầu vào của lớp 6. Chẳng hạn, như Tiếng Việt, trước đây chỉ có kỹ năng nghe - viết, nhìn - viết nay được bổ sung thêm kỹ năng tự viết. HS sẽ viết tóm tắt hoặc cảm nhận của mình về một câu chuyện, bài tập đọc… Các môn học đều được chuyển đổi mục tiêu dạy học theo hướng phát triển năng lực HS. GV lớp 5 buộc phải nắm bắt được những thay đổi của chương trình mới ở lớp 6 để hướng dẫn cho HS, ví dụ như môn Tập đọc, Kể chuyện… sẽ là môn Ngữ văn.
HS khối lớp 4 - 5 Trường Tiểu học - THCS Đức Trí (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vừa có buổi học tích hợp thực tế tại một trang trại ở ngoại ô thành phố. Tùy theo từng khối lớp, nhóm HS được phân công một số nhiệm vụ như: Quan sát và thống kê các loại cây thụ phấn nhờ gió, côn trùng. Nhóm có nhiệm vụ thống kê các loại cây mọc lên từ hạt, một số bộ phận của cây mẹ, thực hành xếp luống, gieo hạt; quan sát cách phân bố các loại cây thích hợp với mức độ ánh sáng, thổ nhưỡng, không khí, nước…
Với nhiều nội dung công việc được lồng ghép một cách khéo léo thông qua hoạt động nhóm, HS cũng được phát triển kỹ năng sống. Học theo hướng trải nghiệm thực tế, làm việc theo nhóm, tổ chức thuyết trình, học dựa trên dự án… là những bước “chạy đà” để HS lớp 5 không bị sốc khi vừa phải chuyển môi trường học tập lên bậc THCS đã tiếp cận ngay với Chương trình – SGK mới.
Ông Võ Trung Minh – Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà (TP Đà Nẵng) chia sẻ: Các trường tiểu học đã chuyển sang dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực HS từ nhiều năm nay nên không có gì chênh lệch nhiều so với THCS. Về nội dung môn học, ở lớp 6, sẽ có những môn học cần thí nghiệm, HS học ở phòng bộ môn. Ở lớp 5, HS đã làm quen với một số thí nghiệm đơn giản hoặc quan sát bằng mô hình thí nghiệm ảo nên cũng không quá mới mẻ.
Chuẩn bị tâm thế cho phụ huynh và học sinh
Cô Nguyễn Thị Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Những năm trước, nhà trường đều tổ chức buổi họp với phụ huynh khối 6 trước khai giảng năm học mới khoảng nửa tháng. Riêng năm nay, ban giám hiệu dự định họp phụ huynh khối 6 sớm hơn để giới thiệu những điểm mới trong Chương trình – sách giáo khoa mới ở lớp 6. Phương pháp dạy học mới như tích hợp liên môn, dạy học theo dự án, những giờ học thực địa, trải nghiệm… sẽ được tuyên truyền sâu rộng đến phụ huynh để có những hỗ trợ cần thiết trong quá trình học tập của con em…
Vào THCS, HS sẽ được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau, có nội dung trừu tượng, sâu sắc và phong phú hơn so bậc học dưới. Mặt khác, mỗi môn học do một GV đảm nhận, do đó đòi hỏi các em phải có sự thay đổi về cách học, và không phải HS nào cũng bắt nhịp kịp với sự thay đổi này. Quan hệ giữa GV và HS cũng khác trước, không còn được gần gũi như ở bậc tiểu học; chưa kể là mỗi GV có một phương pháp dạy khác nhau.
Điều này cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các em. Chính vì vậy, các phụ huynh có con học lớp 6 phải quan tâm nhiều hơn để kịp thời giúp các em vượt qua giai đoạn đầu hết sức khó khăn ở THCS từ tâm lý đến cách học. Tất cả điều này sẽ được ban giám hiệu và giáo viên lớp 5 Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Q. Sơn Trà) chia sẻ với phụ huynh của HS lớp 5 trong buổi họp phụ huynh cuối năm và lễ tri ân và trưởng thành của các em.
Thầy Phạm Thanh Bửu – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nhấn mạnh: Nhà trường sẽ cử GV đến các trường tiểu học giám sát bài kiểm tra cuối kỳ ở lớp 5.
“Nhà trường sẽ chia sẻ với phụ huynh về những thay đổi trong phương pháp học tập ở bậc THCS so với tiểu học, các bài kiểm tra trong năm học, mức độ kiểm tra, hình thức kiểm tra, đánh giá môn học, phương pháp tổ chức dạy học… để có thể chuẩn bị tốt tâm thế cho con trước khi vào năm học chính thức. Những điểm mới của Chương trình – sách giáo khoa mới lớp 6, yêu cầu của chương trình với phụ huynh, những điểm nhà trường cần phụ huynh hỗ trợ… sẽ được truyền thông kỹ để có những chuẩn bị tốt nhất nhằm bắt nhịp với những đổi mới ở lớp 6” – thầy Bửu thông tin.
Bài 1: Bắt nhịp chương trình, SGK lớp 2 và lớp 6: Bài học quý báu từ thực tế
Bài 2: Bắt nhịp chương trình, SGK lớp 2 và lớp 6: Tháo gỡ khó khăn