Học sinh đầu cấp làm quen với lớp học trực tuyến: Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

GD&TĐ - Theo kế hoạch thời gian năm học, ngày 8/9 là buổi đầu tiên học sinh tiểu học tại TPHCM làm quen với lớp học trực tuyến, giao lưu với thầy cô và bạn bè.

Học sinh lớp 1 làm quen với lớp học trực tuyến trong điều kiện đường truyền Internet không ổn định.
Học sinh lớp 1 làm quen với lớp học trực tuyến trong điều kiện đường truyền Internet không ổn định.

Ở một số nơi, buổi tiếp xúc đã nhiều lần phải gián đoạn vì chất lượng đường truyền.

Có con bước vào lớp 1 Trường Tiểu học Lương Định Của, anh Nguyễn Anh Tuấn, ngụ tại Quận 3, TPHCM tỏ ra băn khoăn với kế hoạch học tập trực tuyến của học sinh lớp 1, khi  90 phút cả lớp loay hoay với việc ổn định lớp, khắc phục sự cố đường truyền yếu và mạng bị giật.

“Tôi chưa thể hình dung việc học trực tuyến của học sinh thời gian tới sẽ ra sao nếu tình trạng đường truyền Internet chập chờn như sáng nay. Nguyên buổi gặp mặt làm quen gần như không tương tác được gì vì phải chờ kết nối, âm thanh từ phía giáo viên chủ nhiệm rất khó nghe.

Thêm nữa, do buổi đầu tiên tiếp xúc với lớp học ảo nên nhiều phụ huynh vẫn còn lúng túng, học sinh chưa quen nên giáo viên mất rất nhiều thời gian để ổn định lớp, cũng như tắt tiếng ồn. Nếu không có hướng khắc phục tốt, việc học của học sinh khi bước vào chính thức (ngày 20/9) sẽ gặp nhiều khó khăn khi lượng truy cập đông”, anh Tuấn cho biết.

Nhìn nhận buổi làm quen với học sinh sáng 8/9 không như kỳ vọng, cô Trần Khánh Loan - giáo viên Trường Tiểu học Hiệp Phú, TP Thủ Đức sẽ có kế hoạch điều chỉnh, tương tác với lớp tốt hơn trong những ngày sắp tới bằng nhiều nền tảng khác ngoài Google Meet như hiện nay.

“Sáng nay, mạng bị đứng và giật khá nhiều lần khiến cho việc tương tác giữa học sinh trong lớp với nhau gặp khó, giáo viên chủ nhiệm cũng khá vất vả để khắc phục sự cố. Vì tín hiệu đường truyền yếu nên mục tiêu mà giáo viên muốn truyền tải đến phụ huynh và học sinh không được xuyên suốt, khiến các em chưa hứng thú. Tôi và phụ huynh đã có buổi họp và cùng nhau bàn giải pháp tháo gỡ cho những trục trặc tương tự, để bảo đảm việc truyền tải kiến thức đến học sinh tốt nhất khi thực học”, cô Loan chia sẻ.

Không chỉ bị ảnh hưởng tương tác với giáo viên do mạng yếu, việc học của nhiều học sinh trong thực tế đối mặt không ít khó khăn. Bên cạnh việc thiếu máy tính cho con học tập trực tuyến, nhiều phụ huynh không thể sắp xếp thời gian để đồng hành cùng lúc với 2 - 3 con cùng lịch học, cũng để lại nhiều âu lo.

Chị Phan Minh Tú, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phong Phú, TP Thủ Đức có 3 người con thì 2 cháu vào tiểu học, con lớn đang học THCS nên để cùng lúc đồng hành với con trong học trực tuyến khá vất vả với chị.

“Mới chỉ là ngày đầu làm quen, giới thiệu học sinh với nhau, gặp gỡ giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh mà đã thấy quá nhiều bất cập và khó khăn. Cả nhà chỉ có 1 máy tính và 1 điện thoại nên tôi phải luân phiên sử dụng cho 4 mẹ con. Hôm nay, tôi nghỉ một buổi nhận đơn hàng và giao hàng cho khách để ở nhà kèm con, nhưng việc này không thể kéo dài”, chị Tú nói.

Chia sẻ với tình hình học tập của học sinh tiểu học, cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM cho rằng: Nhà trường và giáo viên chủ nhiệm phải là những người đồng hành và hỗ trợ nhiều hơn nữa với phụ huynh. TPHCM cũng cần tính toán làm sao để nâng tốc độ băng thông đường truyền Internet.

“Ngành GD đã có tờ trình đề xuất UBND TP chủ trương hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh. Tôi cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn và cần được TP triển khai ngay. Bởi trong thực tế, nhiều gia đình rất khó khăn trong việc đáp ứng điều kiện học online khi nhà có 2 - 3 con cùng học. Vì vậy, trước mắt phải bảo đảm hạ tầng Internet tốt, dụng cụ hỗ trợ học tập trực tuyến đầy đủ cho từng học sinh, nhất là học sinh lớp 1 mới bàn tới chất lượng, hiệu quả của việc dạy học”, cô Hương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ