Kỳ 2 : Sự đầu tư đúng đắn
(GD&TĐ) - Hệ thống ĐH NCL không phải tất cả đều làm giáo dục theo kiểu… ăn xổi ở thì, và rồi sống trong ngắc ngoải khi càng ngày, người học càng sáng suốt hơn trong lựa chọn. Thực tế, hệ thống NCL vẫn còn đó không ít mô hình ĐH lành mạnh, khỏe khoắn. Thành công của những mô hình này xuất phát từ quan niệm và hướng đầu tư đúng đắn, như GS.VS Cao Văn Phường – Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương tâm niệm: Làm giáo dục không được ăn xổi ở thì; làm có lãi nhưng không phải để hốt bạc tư túi; lợi nhuận cần ưu tiên cho đầu tư phát triển.
Trong lúc nhiều trường ĐH NCL tìm đủ chiêu PR, tiếp thị nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm thì Trường ĐH Bình Dương (năm nay tròn 15 tuổi) vẫn thong dong tuyển sinh với đầu vào tốt. Năm học vừa qua trường tuyển sinh đạt 95% chỉ tiêu các hệ. Trong đó Cao học tuyển được 150 học viên, hệ ĐH chính quy tuyển được 2.350 SV, hệ TCCN 798 SV, hệ đào tạo không chính quy có 1.039 SV. Hình thức đào tạo rất phong phú: Đào tạo chính quy tập trung; Đào tạo không chính quy hệ vừa làm vừa học; Văn bằng hai; Đào tạo từ xa qua phát thanh, truyền hình, mạng Internet, đào tạo trực tuyến tại 30 cơ sở tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra trường có mối quan hệ với 15 trường ĐH, Viện nghiên cứu các nước và có chương trình du học tại các trường liên kết như: Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Thái Lan, Lào… ĐH Bình Dương có mô hình ký túc xá phối hợp “ba nhà” ngay cả trường công cũng nằm mơ: đáp ứng gần 5000 nhu cầu an cư cho SV. Một trong những nguyên nhân để ĐH Bình Dương thành công là do nhà trường đã đặc biệt quan tâm đến việc ưu tiên lợi nhuận cho đầu tư phát triển. Hằng năm nhà trường trích trên 20% tổng thu dành cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; đến nay nhà trường đã đầu tư tổng giá trị là 368.562.226.653 đồng (theo đánh giá của Công ty Cổ phần thẩm định giá Đông Á vào tháng 12 năm 2011) cho xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật. Trong đó bao gồm 162 phòng học với sức chứa 7.507 SV/ca học; 17 phòng thí nghiệm thực hành các môn chuyên ngành; 10 phòng máy với 500 máy tính; 1 nhà thi đấu đa năng; 2 thư viện; 1 nhà hát sinh viên… Tổng diện tích xây dựng hiện có 37.000 m2, bao gồm 4 cơ sở và chi nhánh Cà Mau. Việc đầu tư xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng được nhà trường rất quan tâm. Từ chính sách thu hút và có sự đầu tư tốt, trường đã xây dựng được đội ngũ giảng viên có chức danh, học vị cao, có năng lực và tâm huyết. Trường có 950 cán bộ khoa học đang làm việc tại các khoa, phòng ban, trung tâm, viện nghiên cứu, phân hiệu. Trong đó cán bộ cơ hữu là 360 người, có 6GS, 40 PGS, 52 TS, 130 ThS…
SV ĐH Bình Dương trong phòng thí nghiệm |
Suốt 23 năm nay kể từ ngày thành lập, Trường ĐH Thăng Long - Hà Nội (trường ĐH ngoài công lập đầu tiên của nước ta) vẫn phát triển vững chắc, cho dù là trường phi lợi nhuận. Trường không chạy theo số lượng tuyển sinh đầu vào để tăng nguồn thu học phí. Trường đào tạo dựa trên năng lực cơ sở vật chất hiện có và năng lực thực chất của đội ngũ CB-GV, không chạy theo đào tạo ngành nghề “hot” mà đào tạo theo nhu cầu xã hội. Cơ sở vật chất hiện nay của trường được đánh giá thuộc loại khang trang hiện đại tốp đầu trong làng ĐH - CĐ ngoài công lập ở Hà Nội. ĐH Thăng Long cũng nằm trong tốp đầu các trường ĐH ngoài công lập cả nước về cả số lượng lẫn chất lượng đội ngũ CB - GV cơ hữu với 155 người (12 GS; 5 PGS; 8 TS và 88 ThS). Tuỳ theo mục tiêu phát triển từng giai đoạn, nhà trường dành 40 - 80% các nguồn thu để tái đầu tư xây dựng CSVC, đội ngũ CB - GV, nội dung - chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH).
Thành lập 11/2004, Trường Cao đẳng Tư thục Công nghệ Thành Đô, nay là Trường Đại học Thành Đô - trường CĐ, ĐH tư đầu tiên ở Việt Nam - có sự phát triển nhanh và khá vững chắc. Quy mô đào tạo của trường hiện nay là 8000 sinh viên, tăng 17 lần so với năm đầu thành lập. Toạ lạc tại Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội, trường có 10 ha diện tích đất, đã đầu tư xây dựng 32.364 m2 hội trường, giảng đường, phòng học các loại trong đó có 214 phòng học, 1.564 m2 cho Thư viện và Trung tâm học liệu; 4.840 m2 cho 48 phòng thí nghiệm, thực hành. Chỉ riêng 2 tòa nhà học cao 7 tầng với diện tích sàn một nhà là 1200 m2 đã có 130 phòng học khang trang. Trường đang tiếp tục đầu tư xây dựng tòa nhà làm việc 9 tầng với 1200 m2 mặt sàn với đầy đủ công năng, 2 khu lớp học 7 tầng với 130 phòng học và phòng thí nghiệm thực hành dự kiến đầu năm 2014 sẽ đưa vào sử dụng. Trường có 635 máy tính phục vụ học tập với hệ số bình quân khoảng 12 Sinh viên/1 máy tính. Trường đã lập mạng có tên miền riêng. Về chuyên ngành đào tạo, Nhà trường hiện có 10 Khoa chuyên ngành đã và đang đào tạo 14 ngành Đại học, 15 ngành Cao đẳng với hệ liên thông Cao đẳng – Đại học và Trung cấp – Cao đẳng có số ngành tương ứng. Trường còn được Tổng cục dạy nghề cho phép đào tạo 6 nghề Cao đẳng chính quy với đầu vào xét tuyển và sau khi tốt nghiệp sinh viên được phép học liên thông lên đại học. Trường hiện có 32 PGS TS, Tiến sĩ Khoa học và Tiến sĩ, 79 Thạc sĩ, hàng năm nhà trường liên tục cử giảng viên đi học tập nâng cao trình độ và phấn đấu đến năm 2014 đảm bảo 100 % số giảng viên lên lớp giảng dạy sẽ đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên. Trường Đại học Thành Đô đã có trên 11.207 sinh viên- học sinh được nhận bằng tốt nghiệp. Trong đó 30% đạt khá, giỏi; 35% tiếp tục học liên thông lên bậc cao hơn, trong đó có nhiều em học cao học. Trong số sinh viên không học tiếp, gần 80% có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ngoài đào tạo chuyên môn, Nhà trường luôn chú trọng đào tạo kỹ năng toàn diện cho sinh viên. Trường có Trung tâm Giáo dục Quốc phòng – An ninh. Trung tâm đào tạo lái xe của trường với 56 đầu xe ô tô các loại, với lưu lượng đào tạo lái xe ô tô hạng B và C là 2200 học viên/1 năm. Trung tâm văn hóa-thể thao được xây dựng có sân bóng đá và nhà hoạt động đa năng. Các Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, các Câu lạc bộ Robocon, Điện tử, Du lịch, Âm nhạc của Trường luôn thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Hàng năm Nhà trường dành 100 suất học bổng cho các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Trường cũng đã ký hợp tác đào tạo song phương với Trường Nakanihon - Nhật Bản…
Trường ĐH Thành Đô |
Mặc dầu mới thành lập 5 năm nay, nhưng hiệu trưởng Trường ĐH tư thục Kinh tế - Công nghiệp Long An - TS Lê Đình Viên luôn luôn trăn trở về bài toán đầu tư phát triển trường sao cho hợp lý. Ông nhấn mạnh: “...Đầu tư xây trường ngoài công lập đừng tính lợi nhuận, GD không phải để kinh doanh kiếm lời. Để có một cơ ngơi ban đầu của trường ĐH tư thục, thấp nhất cũng phải đầu tư 100 tỷ đồng, trên diện tích đất khoảng 10.000m2, đáp ứng số lượng sinh viên (SV) khoảng 5.000 em. Tính cả trang thiết bị dạy học, chi phí đào tạo, nguồn chi trả lương... phải tốn thêm khoảng 100 tỷ đồng nữa. Chi phí cho 1 GV trình độ thạc sĩ / 25 SV khoảng 150 triệu/năm. Với 5.000 SV chẳng hạn, cần tới 200 GV, tính ra một năm tổng chi cho CB - GV hết 30 tỷ đồng. Trong khi đó học phí chỉ có thể thu tối đa 7,5 triệu đồng/SV/năm học. Nếu chỉ đơn thuần kinh doanh, đem 100 tỷ đồng gửi ngân hàng một năm cũng lãi cỡ chục tỷ...”.
Quan điểm phi lợi nhuận cũng đã giúp trường ĐH dân lập Ngoại ngữ - Tin học TP HCM trở thành địa chỉ có uy tín cao. Sau 18 năm thành lập đến nay, tất cả thành viên HĐQT của trường đều không nhận lương. Sau khi cân đối thu - chi, trừ các khoản chi như: trích quỹ đào tạo 0,4%; NCKH và thư viện 0,8%; khen thưởng 3,8%, hàng năm tuỳ theo nguồn thu học phí, nhà trường chia lãi cho cổ đông từ 14-16%. NGƯT Huỳnh Thế Cuộc - hiệu trưởng sáng lập trường khẳng định: “GD không phải là chỗ kiếm tiền. Nếu muốn kiếm tiền thì đầu tư nhiều lĩnh vực khác lợi nhuận cao hơn. Đối với GD, lãi lớn nhất từ chất xám, từ con người. Hiện nay, 80% CB - GV cơ hữu của trường chúng tôi có bằng ThS trở lên. Trường khuyến khích CB - GV học lên tiến sĩ, được hưởng 100% lương và phụ cấp thêm 30 triệu đồng/bằng TS. Nhà trường đang huy động vốn cổ đông 65 tỷ đồng để mở rộng CSVC...”.
Ra đời năm 1995, gần chục năm liền, trường ĐH dân lập Kỹ thuật - Công nghệ TP HCM phải thuê mướn CSVC, thậm chí mấy năm đầu không có tiền trả lương cho CB-GV, phải huy động tiền nhàn rỗi trong trường để bù đắp... 17 năm nay, SV của trường tốt nghiệp có tới 80% tìm được việc làm đúng trình độ đã được đào tạo. Hiện nay, trên 80%, 668 CB - GV - CNV của trường thuộc diện cơ hữu - vào loại cao nhất các trường ĐH ngoài công lập tại TP HCM. CSVC của trường có tổng diện tích 56.000m2, gần 200 phòng học lý thuyết hiện đại, 60 trung tâm thực hành - thí nghiệm; 1500 máy vi tính đời mới, thư viện trung tâm với hơn 50.000 đầu sách các loại... Trường đang hướng tới chuẩn chất lượng đào tạo ngang tầm quốc tế vào năm 2020...
Rõ ràng, bức tranh đầu tư và lợi nhuận của các trường ĐH ngoài công lập không phải tất cả đều xám xịt. Sự tồn tại và phát triển của từng trường, không hoàn toàn chỉ trông chờ vào nguồn thu học phí. Quan trọng nhất là cái TÂM - cái TẦM- cái TÀI của những người mở trường như thế nào mà thôi. Thực tiễn được và chưa được trong hệ thống ĐH ngoài công lập hiện nay đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc cho những trường ĐH tư được thành lập về sau. Như GS TSKH Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH - CN - MT của Quốc hội từng nhấn mạnh: “Vấn đề khá nóng bỏng, cốt lõi là một trường ĐH tư thục có phải là một doanh nghiệp cổ phần thông thường hay là đặc thù? Vì hàng hoá ở đây là tri thức và lao động ở đây là tạo ra tri thức và chuyển giao tri thức”.
->Kỳ I: Những cái chết được báo trước
-> Kỳ III: Nỗ lực tự thân của các trường chưa đủ!
TS. Nguyễn Danh Bình