Các nước châu Á công nhận chứng chỉ tiếng Anh ra sao?

GD&TĐ - Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ngày càng được ưa chuộng tại các nước châu Á, nhất là trong tuyển sinh đầu cấp và công nhận tốt nghiệp đại học.

Trẻ em Trung Quốc học tiếng Anh từ rất sớm. Ảnh: INT.
Trẻ em Trung Quốc học tiếng Anh từ rất sớm. Ảnh: INT.

Tuy nhiên, mức độ phổ biến của chứng chỉ thường nằm trong nhóm học sinh sinh viên có điều kiện gia đình khá giả, ở khu vực thành thị.

Sử dụng chứng chỉ quốc tế thay điểm thi đại học

Tại Nhật Bản, Viện Khảo thí Giáo dục (ETS) là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm định và cấp phép cho các trung tâm khảo thí tiếng Anh quốc tế hoạt động tại quốc gia này. Hiện nay, 8 chứng chỉ tiếng Anh được Chính phủ Nhật Bản chấp nhận gồm TOEFL, TOEIC, GTEC (Bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp toàn cầu), TEAP (Bài kiểm tra tiếng Anh cho mục đích học thuật), TEAP CBT (Bài kiểm tra tiếng Anh trên máy tính), Eiken (Bài kiểm tra tiếng Anh do tổ chức Eiken, Nhật Bản, thực hiện) và IELTS. Trong đó, TOEIC và TOEFL là hai bài chứng chỉ tiếng Anh phổ biến nhất tại Nhật Bản.

Năm 2018, Chính phủ Nhật Bản từng công bố kế hoạch thuê các trung tâm khảo thí tổ chức thi và cấp 8 chứng chỉ nêu trên, tham gia vào kỳ thi tuyển sinh đại học. Cụ thể, thí sinh không thi môn tiếng Anh mà thi một trong 8 chứng chỉ tiếng Anh nêu trên. Điều này giúp đánh giá thí sinh ở bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết.

Dù vậy, ngày càng nhiều trường đại học cho phép thí sinh nộp chứng chỉ tiếng Anh như Eiken, TOEFL, TOEIC trong hồ sơ xét tuyển. Đơn cử, Đại học Rikkyo, Tokyo, đã huỷ môn Tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh riêng của trường và khuyến khích thí sinh nộp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Mục tiêu là tuyển những sinh viên thông thạo 4 kỹ năng nền tảng của tiếng Anh và bồi dưỡng sinh viên mang tính quốc tế hóa.

Tuy nhiên, kế hoạch đã phải huỷ bỏ vì việc thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thường tốn kém và không phù hợp với học sinh ở các vùng nông thôn hoặc gia đình khó khăn. Các trung tâm khảo thí cũng khó tiếp cận học sinh khu vực này.

Sinh viên Hàn Quốc và sinh viên nước ngoài muốn đăng ký vào các trường đại học Hàn Quốc không phải nộp chứng chỉ tiếng Anh. Chỉ sinh viên theo học các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh mới phải nộp.

Hai chứng chỉ được chấp nhận phổ biến là IELTS và TOEFL, trong đó, sinh viên, học viên thạc sĩ cần mức điểm IELTS dao động từ 5.5 đến 7.0 hoặc TOEFL 60 – 80. Nghiên cứu sinh tiến sĩ cần chứng chỉ IELTS trên 6.0 hoặc TOEFL trên 80.

Về điều kiện tốt nghiệp, sinh viên phải hoàn thành ít nhất 5 khóa học tiếng Anh tại trường đại học và sở hữu một trong những chứng chỉ gồm TOEIC, TOEFL, TEPS (kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh của Đại học Quốc gia Seoul), IELTS.

TOEFL là một trong những chứng chỉ tiếng Anh phổ biến tại Nhật Bản. Ảnh: INT.

TOEFL là một trong những chứng chỉ tiếng Anh phổ biến tại Nhật Bản. Ảnh: INT.

Xã hội chuộng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế

Tại Trung Quốc, công dân muốn đăng ký vào đại học phải tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học gaokao, một trong những kỳ thi được đánh giá là khốc liệt nhất thế giới. Đây cũng là con đường duy nhất để thí sinh vào được một trường tốt và tìm kiếm một công việc phù hợp. Thông thường, sinh viên trong nước không cần nộp chứng chỉ ngoại ngữ để đăng ký vào các trường đại học.

Trong trường hợp đăng ký theo học chuyên ngành giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc sinh viên quốc tế đăng ký vào các trường đại học Trung Quốc, các em cần nộp chứng chỉ ngoại ngữ IELTS hoặc TOEFL. Đây là hai chứng chỉ tiếng Anh phổ biến nhất tại hầu hết trường đại học Trung Quốc.

Ước tính tại Trung Quốc có khoảng 400 – 500 chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Các trường, với mục tiêu giảng dạy và chất lượng đào tạo khác nhau, sẽ yêu cầu số điểm chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL khác nhau.

Thông thường, chương trình cử nhân tại Trung Quốc yêu cầu thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0 hoặc chứng chỉ TOEFL có giá trị tương đương. Chương trình thạc sĩ và tiến sĩ là IELTS 6.5 hoặc chứng chỉ TOEFL có giá trị tương đương.

Ví dụ, Đại học Bắc Kinh, một trong những trường tốp đầu tại Trung Quốc, yêu cầu thí sinh có chứng chỉ IELTS không dưới 6.0 nếu muốn đăng ký vào các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Trình độ IELTS 6.0 tương đương với trình độ B2 trong Khung Tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR).

Các trường đại học Trung Quốc đều tổ chức giảng dạy môn tiếng Anh và yêu cầu sinh viên hoàn thành bài kiểm tra sau mỗi học kỳ. Tuy nhiên, sinh viên nước này chuộng thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để mở rộng cơ hội việc làm và hội nhập quốc tế.

Trong điều kiện tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc, chứng chỉ IELTS được chấp nhận phổ biến hơn. Mức điểm IELTS để hầu hết sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp dao động từ 6.0 đến 7.0. Ví dụ, Đại học Phục Đán, Đại học Bắc Kinh yêu cầu sinh viên tốt nghiệp có chứng chỉ IELTS 7.0.

Ngoài ra, một số chứng chỉ tiếng Anh khác được chấp nhận trong các trường đại học như TOEFL, TOEIC, chứng chỉ Duolingo, PTE... Một chứng chỉ tiếng Anh khác do Trung Quốc tổ chức là chứng chỉ CET (Chinese English Test), kiểm tra trình độ tiếng Anh của sinh viên đại học hoặc học viên cao học. Chứng chỉ này nhằm đánh giá trình độ tiếng Anh bắt buộc của sinh viên đại học, học viên cao học trước khi tốt nghiệp hoặc chuyển bậc.

Còn ở bậc phổ thông, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từng là cơ hội vàng để trẻ em xét tuyển vào trường phổ thông tốp đầu tại địa phương. Nước này từng xảy ra tình trạng “khát” chứng chỉ tiếng Anh.

Trẻ em từ mẫu giáo đã đăng ký học ngoại ngữ và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như KET (chứng chỉ tiếng Anh sơ cấp), PET (chứng chỉ tiếng Anh dành cho học sinh THCS). Được tổ chức bởi Hội đồng khảo thí Đại học Cambridge, chứng chỉ KET tương đương với trình độ A2, PET tương đương trình độ B1 trong Khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu (CEF).

Theo quy định của nhiều địa phương, học sinh sở hữu một trong hai chứng chỉ này có thể ghi danh vào lớp chất lượng cao tại các trường THCS hàng đầu trong khu vực. Tuy nhiên, chi phí ôn luyện và thi vô cùng đắt đỏ.

Từ cuối năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng ngăn tác động của chứng chỉ quốc tế lên hệ thống giáo dục quốc dân bằng cách yêu cầu trường THCS bốc thăm tuyển sinh. Các trường không được sử dụng chứng chỉ tiếng Anh để tuyển sinh đầu cấp. Nhưng các chứng chỉ PET, KET vẫn phổ biến vì học sinh có thể được phân loại vào lớp học dựa trên trình độ tiếng Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ