Để người học chủ động lựa chọn chứng chỉ tiếng Anh

GD&TĐ - Chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh) được xem là 'tờ giấy' thông hành giúp sinh viên hội nhập với thị trường lao động.

Thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm 2022. Ảnh: INT
Thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm 2022. Ảnh: INT

Chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh) được xem là “tờ giấy” thông hành giúp sinh viên hội nhập với thị trường lao động. Vì vậy, ngoài yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ theo từng mức độ, nhiều trường đại học đã cho phép sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS hoặc TOIEC, APTIS được quy đổi hoặc cộng điểm ưu tiên xét tuyển.

Nhiều trường lựa chọn

Áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên theo hệ thống chứng chỉ tiếng Anh quốc tế giúp sinh viên có nhiều cơ hội du học nước ngoài, theo học các chương trình liên kết quốc tế thuận lợi hơn. Bởi phần nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới có các suất học bổng hay chương trình liên kết đào tạo với trường đại học tại Việt Nam đều yêu cầu sinh viên phải có trình độ tối thiểu năng lực ngoại ngữ theo chuẩn TOIEC hoặc IELTS, APTIS...

Chứng chỉ tiếng Anh IELTS (International English Language Testing System, tạm dịch: Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ quốc tế) là bài thi phổ biến nhất thế giới cho mục đích học tập, làm việc và định cư. Bài thi nhằm đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh một cách toàn diện ở 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và có giá trị trong 2 năm.

Bài thi IELTS được chấm theo thang điểm 1 - 9 dựa trên từng kỹ năng. Điểm số này được gọi là “band”, mỗi band tương ứng với một trình độ nhất định.

APTIS là bài thi đánh giá trình độ tiếng Anh trên máy tính ở 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), được nghiên cứu và phát triển bởi Hội đồng Anh. Bài thi được kiểm soát và công nhận bởi Cục Kiểm định Chất lượng và Quy chế thi (Ofqual) của Vương quốc Anh.

Chứng chỉ APTIS có thời hạn 2 năm. Lệ phí thi khoảng 2.000.000 đồng. Tại Việt Nam, nhiều trường đại học dùng APTIS để xét đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân...

Giữ nguyên giá trị

Thực hiện Quyết định số 3646/QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 11 năm 2022, APTIS ESOL là tên gọi mới của bài thi APTIS, là bài thi đã được tổ chức thi tại Việt Nam từ năm 2013. Tên gọi của bài thi được bổ sung thêm cụm từ ESOL (English for Speakers of Other Languages) để phù hợp với xu hướng phát triển của khảo thí ngôn ngữ và nhu cầu đánh giá trình độ tiếng Anh của những người không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ trên thế giới.

Theo chia sẻ của đại diện Hội đồng Anh, bài thi APTIS được tổ chức cũng như các chứng chỉ APTIS mà Hội đồng Anh đã cấp trong thời gian này đều giữ nguyên giá trị trong việc đánh giá chính xác năng lực sử dụng tiếng Anh của người dự thi từ A1 tới C2 theo Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) cùng các phiên bản bài thi bao gồm Aptis/Aptis ESOL General, Aptis/Aptis ESOL Advanced và Aptis/Aptis ESOL for Teachers phù hợp cho nhiều đối tượng có nhu cầu kiểm tra đánh giá trình độ tiếng Anh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tổ chức thi Aptis/Aptis ESOL theo Quyết định số 3646/QĐ-BGDĐT từ ngày 11/11/2022 cho tới ngày 22/12/2022 (cũng là giai đoạn chuyển đổi và cập nhật tên gọi cũng như mẫu chứng chỉ của bài thi), Hội đồng Anh vẫn cấp mẫu chứng chỉ Aptis cũ do phôi chứng chỉ mới Aptis ESOL International Certificate chưa được cập nhật cho Việt Nam. Chứng chỉ Aptis ESOL International Certificate sau đó đã được cấp cho các thí sinh dự thi kể từ ngày thi 23/12/2022.

Như vậy về mặt chuyên môn, chất lượng của các phiên bản bài thi trên không có gì thay đổi mà chỉ cập nhật theo tên gọi mới của chứng chỉ từ APTIS thành APTIS ESOL.

Lựa chọn thuộc về người học

Chứng chỉ tiếng Anh là thước đo năng lực sử dụng tiếng Anh của người học. Việc theo học và thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức thi cũng như quy đổi tương đương.

Từng chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, cho rằng, mỗi sinh viên tùy theo điều kiện kinh tế, năng lực ngoại ngữ của bản thân cũng như nhu cầu và mục đích là gì để đăng ký và lựa chọn các tổ chức khảo thí có uy tín trên toàn thế giới như Hội đồng Anh, IDP cho các bài thi IELTS, APTIS hay ETS cho các bài thi như TOEFL ibt, TOEIC 4 kỹ năng và Cambridge…

Chứng chỉ này sử dụng vào mục đích tốt nghiệp cũng như công việc sau khi tốt nghiệp mà các cơ quan, doanh nghiệp tuyển dụng yêu cầu. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể lựa chọn kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh của Việt Nam như VSTEP.

Mục đích cuối cùng của việc học là năng lực sử dụng ngôn ngữ của người học cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội, doanh nghiệp sử dụng lao động.

Theo chia sẻ của TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM trên Báo GD&TĐ, trước đây, các trường đại học thành viên thuộc ĐHQG TPHCM quy định, khi sinh viên học hết học phần, chứng chỉ, muốn tốt nghiệp buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ do các trường thành viên của ĐHQG TPHCM cấp, hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Còn nay, việc này được mở rộng hơn khi các trường công nhận cả chứng chỉ VSTEP. Do vậy, học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ nội hay ngoại là quyền của người học. Bởi chỉ có họ mới biết nhu cầu và mục đích (nền tảng và kỹ năng ngoại ngữ) ở ngưỡng nào.

Với sinh viên hay học viên cao học chỉ cần chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thành chuẩn đầu ra, hay đầu vào theo quy định thì việc lựa chọn học và thi chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP là giải pháp phù hợp. Với người học có nhu cầu du học, săn học bổng hay xét tuyển vào trường đại học nào đó ngoài biên giới Việt Nam có thể chọn lựa IELTS hay TOIEC, APTIS…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ