Theo một thông cáo được thông qua hôm qua (24/3) tại hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn nhất thế giới, cuộc tấn công của Nga nhắm vào quốc gia láng giềng “khiến an ninh lương thực toàn cầu bị gia tăng áp lực”. Do đó, các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý sử dụng “tất cả các công cụ và cơ chế tài trợ”, cùng với “các tổ chức quốc tế liên quan” nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực, bao gồm hỗ trợ cho “các nỗ lực liên tục sản xuất của Ukraine”.
Thông cáo viết, “chúng tôi kêu gọi một phiên họp bất thường của Hội đồng Tổ chức Nông lương (FAO), giải quyết những hậu quả đối với an ninh lương thực và nông nghiệp thế giới do hành động của Nga chống lại Ukraine”.
Các nước đã nhất trí tránh lệnh cấm xuất khẩu và “các biện pháp giới hạn thương mại”, đồng thời duy trì thị trường mở và minh bạch, phù hợp với quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sử dụng hội nghị thượng đỉnh ở Brussels để trình bày “sáng kiến về an ninh lương thực” của riêng mình. Theo ông Macron, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực “chưa từng có”. Ông cho đây là “hậu quả trực tiếp từ những lựa chọn của Nga và cuộc chiến”. Tổng thống Pháp cho rằng tình hình vốn đã khó khăn và có thể con tồi tệ hơn nữa “trong 12-18 tháng tới”.
Phát biểu tại cuộc họp báo, nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi Moscow có “trách nhiệm” và cho phép Ukraine tiếp tục gieo hạt.
Ông nhấn mạnh, nếu không, “chắc chắn không thể tránh khỏi nạn đói” ở nhiều quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp nông nghiệp từ Nga và Ukraine. Theo ông Macron, trong số các quốc gia có nguy cơ cao nhất có Ai Cập và một số quốc gia khác ở châu Phi và Trung Đông.
“Sáng kiến về an ninh lương thực” của ông Macron liên quan đến kế hoạch khẩn cấp giải phóng kho dự trữ trong trường hợp khủng hoảng, cam kết đa phương không áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu nguyên liệu nông nghiệp, tạm thời tăng ngưỡng sản xuất, hỗ trợ sản xuất lượng thực bền vững trong các nước dễ bị tổn thương nhất và tạo ra cơ chế cho phép cung cấp cho họ sản phẩm nông nghiệp đủ số lượng và giá cả hợp lý” nếu cần thiết.
An ninh lương thực cũng đã được các nhà lãnh đạo khác, gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận vào hôm qua.
Nga và Ukraine là một trong những nhà cung cấp cây trồng lớn nhất thế giới. Theo Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), 2 nước đại diện cho 53% thương mại toàn cầu về dầu và hạt hướng dương, 27% về lúa mì.
UNCTAD trước đó nói rằng tất cả các quốc gia chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng do xung đột gây ra. Tổ chức này cảnh báo việc tăng giá lương thực và nhiên liệu “sẽ ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất ở các nước đang phát triển, gây áp lực lên các hộ gia đình nghèo nhất dành phần thu nhập cao nhất cho lương thực, dẫn đến khó khăn và đói kém”.
Moscow triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2 vì cho rằng cần bảo vệ các nước cộng hòa ly khai và chính Nga. Hiện Nga yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia độc lập và không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.
Kiev khẳng định hành động của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ thông tin đang có kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa ly khai bằng vũ lực.