Hôm qua (24/3), Washington nhắm mục tiêu vào các nghị sĩ, hàng chục doanh nghiệp quốc phòng và một số cá nhân, bao gồm giám đốc điều hành của ngân hàng lớn nhất của Nga.
Trong nỗ lực mới nhất nhằm trừng phạt Nga vì thực hiện “cuộc chiến bất hợp pháp, không chính đáng và vô căn cứ chống lại Ukraine”, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một danh sách các thực thể và cá nhân được nhắm mục tiêu mà họ coi là “tác nhân chính của cuộc xâm lược”.
Danh sách trên bao gồm hàng chục công ty quốc phòng Nga, 328 thành viên Hạ viện Nga và người đứng đầu tổ chức tài chính lớn nhất Nga.
Trong tuyên bố của mình, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng “hành động này phù hợp với các hành động tương tự được thực hiện bởi Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Canada, đồng thời phản ánh sự thống nhất để tiếp tục buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến do mình lựa chọn”.
Các nghị sĩ Nga là đối tượng của lệnh trừng phạt từ Mỹ vì ủng hộ “những nỗ lực của Điện Kremlin nhằm vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, bao gồm cả việc công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, các công ty trong danh sách trừng phạt sản xuất vũ khí “đã được sử dụng trong cuộc tấn công của Nga chống lại người dân, cơ sở hạ tầng và lãnh thổ Ukraine”.
Các biện pháp trừng phạt cá nhân còn nhắm đến ông Herman Gref – lãnh đạo ngân hàng Sberbank và là “cộng sự thân cận của ông Putin”, tỷ phú Genady Timchenko và những người thân của ông cùng 17 thành viên hội đồng quản trị Sovcombank.
Sovcombank đã phản hồi thông tin này, cho biết các biện pháp trừng phạt nhắm vào các cá nhân và do đó sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.
Bất kỳ giao dịch nào với vàng từ kho dự trữ của Nga hàng Trung ương Liên bang Nga cũng trở thành đối tượng của các biện pháp trừng phạt. Điều này được thực hiện nhằm “làm giảm khả năng của Ngân hàng Trung ương trong việc triển khai dự trữ quốc tế, bao gồm vàng, để hỗ trợ nền kinh tế Nga và tài trợ cho cuộc chiến tàn khốc của ông Putin”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, “Mỹ và các đối tác cùng đồng minh của chúng tôi đang nhắm vào trung tâm khả năng của Nga trong việc cung cấp tài chính và thực hiện các cuộc chiến, hành động chống lại Ukraine”.
Hôm qua, Anh cũng công bố các biện pháp trừng phạt của riêng mình với Nga và gói hạn chế thứ 5 của EU dự kiến sẽ sớm được áp dụng.
Trong một tháng kể từ khi Nga khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã đưa ra một số gói trừng phạt lớn chống lại Moscow. Các hạn chế ảnh hưởng đến cá nhân Tổng thống Nga, một số bộ trưởng hàng đầu, các quan chức và doanh nhân cũng như một số ngân hàng lớn, bao gồm Sberbank và VTB.
Washington cũng áp đặt lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu khí của Nga và hạn chế xuất khẩu vi điện tử, hàng xa xỉ sang Nga. Mỹ, EU và các đối tác đã cắt Nga khỏi hệ thống tài chính của họ, hạn chế giao dịch bằng đồng USD và euro, đồng thời đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga ở nước ngoài, cùng các biện pháp khác.
Moscow coi các biện pháp trừng phạt là phi lý, không phù hợp và bất hợp pháp, đồng thời cam kết thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ nền kinh tế Nga.
Moscow triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2 vì cho rằng cần bảo vệ các nước cộng hòa ly khai và chính Nga. Hiện Nga yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia độc lập và không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.
Kiev khẳng định hành động của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ thông tin đang có kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa ly khai bằng vũ lực.