Ngày 26/11, đại diện Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau thông tin, trong dịp hè năm 2024, đơn vị đã hỗ trợ kinh phí cho giáo viên và các điểm dạy chữ Khmer, chữ Hoa theo quy định, hỗ trợ sách giáo khoa, viết, tập học sinh cho các em với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng.
Từ nguồn kinh phí trên, Phòng Dân tộc các huyện và TP Cà Mau đã tổ chức được 23 điểm dạy chữ Khmer với 30 giáo viên, 34 lớp giảng dạy (23 lớp 1; 9 lớp 2 và 2 lớp 3) với gần 600 học sinh và 1 điểm dạy chữ Hoa với 9 lớp học, 7 giáo viên, 94 học sinh trên địa bàn các huyện: Trần Văn Thời, Đầm Dơi, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau tham gia học tập.
Riêng đối với việc dạy và học chữ Hoa tại Trung tâm Dục Tài, Phường 2, TP Cà Mau, các lớp vẫn được duy trì dạy thường xuyên trong suốt 9 tháng. Cơ sở vật chất luôn đảm bảo đủ điều kiện dạy và học theo giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Bà Quách Kiều Mai, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Công tác dạy và học chữ Khmer, chữ Hoa luôn được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, người uy tín trong việc tuyên truyền, vận động phụ huynh, tạo điều kiện tốt nhất cho con em tham gia.
Qua đó trang bị cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số kỹ năng đọc và viết câu từ thông dụng, có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình, giúp các em nâng cao kiến thức, hiểu biết về phong tục tập quán, giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết truyền thống của dân tộc”.
Bên cạnh những thuận lợi, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cũng nhìn nhận, công tác dạy chữ Khmer trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn nhất là trong việc vận động các em học sinh tham gia lớp học.
Các lớp dạy và học chữ Khmer hè thường rơi vào mùa mưa nên điều kiện đi lại của các em học sinh rất vất vả, khó khăn, dẫn đến việc các em đi học không đều.
Mặt khác, đội ngũ giáo viên dạy chữ Khmer phân bổ không đều ở các địa phương, từ đó phát sinh việc 1 giáo viên phải dạy 2 lớp ở 2 điểm cách xa nhau, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Bên cạnh đó, giáo viên giảng dạy chữ Khmer đa phần là các vị sư, các vị Achar vốn có hiểu biết về chữ Khmer nhưng hạn chế khó khăn về kỹ năng sư phạm, nên khả năng truyền đạt đôi khi còn hạn chế, chưa khơi gợi được sự hứng thú trong học tập của các em học sinh.