Đồng bào Khmer ở Bạc Liêu chú trọng giữ gìn ngôn ngữ dân tộc

GD&TĐ - Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua tỉnh Bạc Liêu luôn dành nguồn lực, ưu tiên bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số.

Lớp dạy chữ Khmer tại một điểm chùa ở Bạc Liêu.
Lớp dạy chữ Khmer tại một điểm chùa ở Bạc Liêu.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 17.000 hộ dân tộc Khmer với trên 78.000 người, chiếm 7,6% dân số của tỉnh.

Thời gian qua các gia đình đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn luôn quan tâm, tạo điều kiện cho con em học chữ Khmer ở các trường phổ thông, các điểm chùa, salatel... trên địa bàn. Trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, họ cũng thường xuyên giao tiếp với con, em bằng ngôn ngữ của dân tộc mình.

Bà Sơn Thị Phe (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) cho biết, tất cả con, cháu trong gia đình bà đều được tạo điều kiện cho đi học chữ Khmer.

“Tôi nghĩ là con cháu dân tộc Khmer mà không biết chữ, biết tiếng của dân tộc mình là một thiếu sót, thiệt thòi lớn. Nghĩ thế, tôi luôn tạo điều kiện để các cháu đi học chữ Khmer. Ở nhà, tôi cũng chỉ dạy thêm để các cháu mau biết chữ”, bà Phe nói.

gieo-chu-mua-he-net-dep-van-hoa-khmer-4.jpg
Một lớp học chữ Khmer trong chùa ở Bạc Liêu

Ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu thông tin, hiện ở các vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh có hơn 70 trường phổ thông với trên 11.000 học sinh người Khmer theo học ở cả ba bậc học. Mỗi năm, có trên 600 học sinh người Khmer theo học tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

“Việc đưa ngôn ngữ Khmer vào giảng dạy song song với các môn học khác tại một số trường học thời gian qua giúp học sinh là con, em đồng bào Khmer hình thành, phát triển kỹ năng sử dụng chữ Khmer, nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc của mình, góp phần giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer”, ông Tân chia sẻ.

Cùng với việc tổ chức các lớp học song ngữ Việt - Khmer trong nhà trường, tại nhiều điểm chùa Khmer trên địa bàn cũng mở lớp dạy tiếng nói và chữ viết Khmer vào dịp hè. Những lớp học thường do các vị sư và Achar (người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số) thông thạo tiếng Khmer đảm nhiệm.

gieo-chu-mua-he-net-dep-van-hoa-khmer-5.jpg
Hòa thượng Tăng Sa Vong, Trụ trì chùa Buppharam (Bạc Liêu) giảng dạy cho các em tầm quan trọng của việc học chữ Khmer.

Năm 2024, toàn tỉnh Bạc Liêu có 20/22 chùa Phật giáo Nam tông mở các lớp dạy chữ Khmer trong dịp hè, trong đó có nhiều chùa mở cùng lúc 5-6 lớp phục vụ nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định: Chữ viết là linh hồn của mỗi dân tộc, việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết chính là bảo vệ, gìn giữ linh hồn của dân tộc đó. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua tỉnh luôn dành nguồn lực, ưu tiên bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc.

Năm 2024, UBND tỉnh Bạc Liêu đã hỗ trợ cho người trực tiếp dạy tiếng và chữ viết Khmer trong dịp hè tại các chùa với số tiền gần 550 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.