Bà Quách Kiều Mai – Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết, những năm qua tỉnh luôn quan tâm chăm lo phát triển đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt là công tác xây dựng, bảo tồn ngôn ngữ và các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Duy trì các lớp dạy chữ dân tộc mùa hè
PV: Bà nhận định như thế nào về tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo tồn ngôn ngữ và các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đã qua việc này được tỉnh triển khai thực hiện ra sao?
Bà Quách Kiều Mai: Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam là một bộ phận cấu thành của nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có ngôn ngữ là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược của Đảng trong quá trình chỉ đạo phát triển đất nước.
Những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã có nhiều chủ trương quan tâm chăm lo phát triển về mọi mặt, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là công tác xây dựng, bảo tồn tiếng nói, chữ viết và các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để đồng bào DTTS tổ chức các ngày Lễ, Tết, lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo..theo phong tục tập quán truyền thống; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Thực hiện Công văn số 1884 ngày 21/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc dạy và học chữ Khmer, chữ Hoa cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Hằng năm vào dịp hè Ban Dân tộc đều phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức mở các lớp dạy chữ Khmer, chữ Hoa cho con em đồng bào DTTS tại các điểm chùa, Salatel, điểm trường và nhà dân nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống.
Trung bình hàng năm tỉnh tổ chức khoảng 23 điểm dạy chữ Khmer với 30 giáo viên, 34 lớp giảng dạy (trong đó có 23 lớp 1 và 09 lớp 2, 02 lớp 3) với gần 600 học sinh theo học và 01 điểm dạy chữ Hoa với 07 giáo viên, 09 lớp học và gần 100 học sinh tham gia học tập.
Ngoài ra, người Hoa và người Khmer rất quan tâm đến việc giữ gìn ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc nên cũng đã tổ chức mở nhiều lớp dạy tiếng dân tộc cho con em và những người có nhu cầu. Trung tâm Hoa văn của cộng đồng người Hoa được thành lập ngày 12/02/2009 đến nay vẫn duy trì hoạt động thường xuyên. Trong 5 năm qua trung tâm đã mở được trên 60 lớp với khoảng 900 lượt em học sinh tham gia học tập.
PV: Để việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn đạt hiệu quả, tỉnh có những chính sách hỗ trợ như thế nào đối với người dạy và người học, thưa bà?
Bà Quách Kiều Mai: Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đều phối hợp với Sở GD&ĐT dự toán kinh phí; chuẩn bị các nội dung, chương trình, tài liệu phục vụ và các điều kiện cần thiết khác để tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho giáo viên dạy chữ Khmer.
Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức thành công 01 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho giáo viên dạy chữ Khmer với 50 học viên tham dự. Tổng kinh phí thực hiện lớp tập huấn là 186 triệu đồng. Khóa tập huấn đã giúp cho đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy chữ Khmer nắm vững kỹ năng sư phạm, phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy chữ Khmer trên địa bàn, góp phần bảo tồn ngôn ngữ chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, hằng năm Ban Dân tộc cũng hỗ trợ kinh phí cho giáo viên và các điểm dạy chữ Khmer, chữ Hoa theo quy định. Đồng thời, hỗ trợ sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh học chữ khmer trong dịp hè. Tổng kinh phí thực hiện việc dạy và học chữ Khmer, chữ Hoa hè hàng năm trên 420 triệu đồng.
Việc khen thưởng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác vận động và dạy học chữ Khmer, chữ Hoa được thực hiện thường xuyên, kịp thời.
Vẫn còn khó khăn
PV: Xin bà cho biết, một số khó khăn hiện tại trong công tác dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số trên địa bàn và định hướng công tác này trong thời gian tới?
Bà Quách Kiều Mai: Qua kiểm tra thực tế, các lớp dạy và học hè được tổ chức một cách nghiêm túc, giáo viên nhiệt tình giảng dạy, học sinh chuyên cần học tập. Quá trình dạy học có kiểm tra chất lượng, xếp loại kết quả, tổng kết khen thưởng, nhằm khuyến khích, động viên tinh thần để các em cố gắng vươn lên học tập và nỗ lực hơn nữa trong những năm học tiếp theo.
Tuy nhiên, việc dạy và học chữ Khmer trong tỉnh cũng còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế, như: lực lượng giáo viên dạy chữ Khmer còn thiếu, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó phát sinh việc 01 giáo viên phải dạy 02 lớp ở 02 điểm khác nhau, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Một bộ phận phụ huynh chưa thật sự quan tâm nhiều đến việc học của các em; công tác vận động, khuyến khích con em đồng bào dân tộc Khmer tham gia học tập ở một số nơi chưa được chú tâm.
Phần lớn con em đồng bào dân tộc Khmer một số địa bàn ấp không nói được tiếng mẹ đẻ, có trường hợp là cha mẹ của các em cũng không biết chữ, nên ngoài giờ học ở lớp thì về nhà cha mẹ không thể chỉ dạy cho các em được. Một thực tế nữa là chữ Khmer tương đối khó học, nên trong thời gian đầu các em đi học đông, nhưng càng về sau, do không hiểu bài, gây chán nản nên các em nghỉ dần.
Bên cạnh đó, giáo viên giảng dạy chữ Khmer đa phần là các vị sư, các vị Achar vốn có hiểu biết về chữ Khmer nhưng hạn chế khó khăn về kỹ năng sư phạm, nên khả năng truyền đạt đôi khi còn hạn chế, chưa khơi gợi được sự hứng thú trong học tập của các em học sinh.
Để việc dạy và học chữ Khmer hè tiếp tục được duy trì tốt và ngày càng nâng cao chất lượng, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu tham mưu UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện, chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương phối hợp chặt chẽ trong tổ chức dạy chữ Khmer; tăng cường phối hợp với Sở GD&ĐT; các địa phương tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy chữ Khmer, đặc biệt là kỹ năng sư phạm cho các thầy cô giáo.
Trân trọng cảm ơn bà!