Dạy kỹ năng khắc chữ trên lá buông cho đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang

GD&TĐ -Sở VH, TT&DL An Giang khai giảng 2 lớp truyền dạy kỹ thuật khắc chữ trên lá buông có 34 học viên là các vị sư sãi người Khmer tham gia khóa học.

An Giang khai giảng các lớp truyền dạy khắc chữ kinh lá buông cho đồng bào dân tộc Khmer.
An Giang khai giảng các lớp truyền dạy khắc chữ kinh lá buông cho đồng bào dân tộc Khmer.

Ngày 21/11, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang kết hợp cùng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tri Tôn tổ chức khai giảng 2 lớp truyền dạy kỹ thuật khắc chữ trên lá buông cho các vị sư sãi là người dân tộc Khmer trên địa bàn 2 xã Núi Tô và Lương Phi (huyện Tri Tôn).

1000033492.jpg
Đại biểu tham dự Lễ khai giảng.

Tham dự Lễ Khai giảng có Hòa thượng Chau Ty, Phó pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Soài So; các vị chủ trì chùa Khmer trên địa bàn huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên và 34 vị sư sãi tham gia khóa học.

Theo đó, khóa học kéo dài 45 ngày, các học viên được nghệ nhân hướng dẫn kỹ thuật khắc chữ; cách chọn lá, phơi lá, cách chế biến và sử dụng bột đen làm nổi bật các con chữ và lưu giữ lá buông được lâu bền, tránh mối mọt.

1000033497.jpg
Đại biểu và học viên tham dự Lễ khai giảng.

Hòa thượng Chau Ty cho biết, lá Buông được chọn ngay từ khi còn là búp trên cây và được ghép vào khung cây để lá phát triển theo ý muốn, tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ 3 - 5 tháng, sau đó mới cắt xuống, mang phơi khô và sử dụng.

Để chế tác được kinh lá buông, còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung cao độ của người thực hiện bởi sai một nét, xem như hỏng cả tấm lá kinh. Với những tấm kinh sau khi khắc xong, vẫn chưa xuất hiện chữ rõ nét phải bôi thêm một lớp mực và vài lớp dầu mới cho ra thành phẩm như mong đợi. Sau khi được phơi khô, những tấm kinh sẽ đóng thành bộ và lưu giữ trong nhiều năm.

1000033496.jpg
Hòa thượng Chau Ty nói về việc khắc chữ trên lá buông.

Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer An Giang là một loại tri thức dân gian, bên trong ẩn chứa một kho tàng vô giá của tri thức nhân loại đó chính là Kinh Phật.

Hiện có 30/65 chùa Khmer trên địa bàn huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên còn lưu giữ với trên 100 bộ Kinh lá Buông. Loại hình di sản này đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017; UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer tỉnh An Giang đến năm 2030" với mục đích khôi phục và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer và đào tạo lực lượng kế thừa.

1000033500.jpg
Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

Đây là hoạt động nằm trong Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ