Trà Vinh: Tích cực dạy tiếng Khmer cho con em đồng bào dân tộc

GD&TĐ - Những năm qua, việc đầu tư cho giáo dục được các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các địa phương tỉnh Trà Vinh thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Sư chùa Thlốt, xã Hiệp Hòa (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) hướng dẫn các em học tiếng Khmer tại điểm chùa.
Sư chùa Thlốt, xã Hiệp Hòa (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) hướng dẫn các em học tiếng Khmer tại điểm chùa.

Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 216.000 học sinh, trong đó học sinh người dân tộc Khmer là hơn 78.600 em (chiếm 36,4%), có 127 trường đang tổ chức dạy tiếng Khmer (cấp tiểu học là 82 trường, cấp THCS có 41 trường và cấp THPT có 4 trường).

Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh luôn quan tâm, chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Ông Thạch Tha Lai, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh cho biết, những năm qua, việc đầu tư cho giáo dục, đào tạo đã được các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

“Tỉnh đã tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng DTTS; hỗ trợ học phí, tiền ăn, ở cho học sinh là người DTTS. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú từng bước phát triển và khẳng định vị trí quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS”, ông Thạch Tha Lai cho hay.

Đặc biệt, thực hiện Dự án 5 (Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, trong năm 2024, tỉnh Trà Vinh được bố trí hơn 48 tỷ đồng để xây sửa, nâng cấp các trường, lớp học và hỗ trợ cho giáo viên, học sinh vùng DTTS, nhờ đó đã giúp nhiều học sinh có điều kiện đến trường.

Cùng với nhà trường, các cơ sở tôn giáo ở tỉnh Trà Vinh cũng đã mở nhiều lớp bổ túc văn hóa tiếng Khmer. Các lớp học này được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh. Người dạy ở những lớp này là nhà sư, các vị achar đều nhận được chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Đại đức Thạch Đa Ra, sư cả, trụ trì chùa Thlốt (xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang) cho biết: “Kỳ nghỉ hè năm học 2023-2024, nhà chùa đã mở được 11 lớp dạy bổ túc văn hóa tiếng Khmer và 1 lớp dạy tin học cho 226 tăng sinh, học sinh. Qua các lớp học, mong muốn lớn nhất của nhà chùa là giúp học sinh nâng cao trình độ, có ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào Khmer”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ