Ở TPHCM, năm học 2022 - 2023 có 7 trường THPT, gồm 3 trường tiên tiến, hội nhập và 4 trường ở huyện Cần Giờ được giao quyền chủ động tuyển dụng. Các trường đang xây dựng kế hoạch tuyển, chuẩn bị kỹ lưỡng ngân hàng đề thi để bảo đảm quy định về pháp luật, thỏa mãn yêu cầu chuyên môn, qua đó tìm ra ứng viên đủ năng lực đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm của đơn vị. Trước đó, từ năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục TP cũng phân cấp tuyển dụng nhân sự cho 2 trường chuyên là THPT Trần Đại Nghĩa và THPT Lê Hồng Phong.
Tại Hà Nội, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa là trường THPT công lập đầu tiên được phê duyệt đề án tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế, giai đoạn 2020 - 2023. Đối với vấn đề tuyển dụng, nhà trường sẽ thực hiện đúng quy định, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy. Trong đó, hiệu trưởng nhà trường được quyền quyết định kế hoạch biên chế và có trách nhiệm báo cáo để sở GD&ĐT tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát. Hiệu trưởng cũng là người được quyết định kế hoạch sử dụng lao động hợp đồng làm việc tại đơn vị.
Hiện, ở đa số địa phương, phương thức tuyển dụng giáo viên trường công vẫn theo quy trình: Trường thiếu thì đăng ký lên sở GD&ĐT. Sở tuyển và đưa giáo viên về trường như yêu cầu. Phương thức tuyển dụng này đã và đang tồn tại những hạn chế, do các trường không trực tiếp được lựa chọn nhân sự. Thực tế cho thấy ở nhiều nơi, giáo viên được tuyển bằng phương thức này không được như ý muốn của trường, đặc biệt đối với trường chuyên, trường dạy theo mô hình tiên tiến luôn có những tiêu chuẩn, yêu cầu riêng. Đó là chưa kể với những bộ môn khan hiếm nguồn tuyển, cơ sở hoàn toàn bị động trong việc tìm người, vì phải chờ kế hoạch chung.
Chủ trương giao quyền tự chủ tuyển dụng cho nhà trường được dư luận trong ngành hết sức hoan nghênh, bởi với cách làm này các trường chủ động tìm kiếm ứng viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy thực tế của đơn vị, giải quyết nhanh thiếu hụt về nhân sự. Đây được xem là bước đột phá lớn, cơ hội để các trường tuyển được người giỏi, phù hợp với đặc thù để nâng cao chất lượng giáo dục.
Mặc dù được đông đảo nhà trường phấn khởi đón nhận, thế nhưng xung quanh vấn đề tự chủ tuyển dụng vẫn có một số ý kiến e ngại. Không ít người cho rằng, mỗi khi “quyền sinh, quyền sát” về nhân sự nằm gọn trong tay hiệu trưởng, rất dễ nảy sinh tiêu cực, bởi thực tế khó tránh được việc một số lãnh đạo trường lợi dụng chính sách để giải quyết mối quan hệ cá nhân hoặc nhận đút lót. Hiệu trưởng tiêu cực sẽ dẫn đến việc tuyển người không đúng năng lực, đội ngũ khi được tuyển dụng không bảo đảm yêu cầu, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đơn vị.
Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm là một trong những điểm đổi mới trong tư duy của Đảng ta về quản lý giáo dục và đào tạo, phù hợp với xu thế thế giới. Vì thế, tăng quyền chủ động trong tuyển dụng nhân sự cho nhà trường phổ thông như cách làm ở Hà Nội và TPHCM được xem là bước chuyển tích cực.
Để việc phân cấp tuyển dụng đạt hiệu quả, bên cạnh xây dựng quy trình, tiêu chuẩn chặt chẽ, công khai, minh bạch, rất cần khâu giám sát phải đủ mạnh. Cùng với việc nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng, năng lực quản lý của sở, ngành, vai trò giám sát của hội đồng nhà trường rất quan trọng. Một khi hội đồng sư phạm trường tham gia giám sát quá trình tuyển dụng, đánh giá khách quan, không chỉ tuyển được nhân sự chất lượng mà còn rất ít khả năng xảy ra tiêu cực.