Theo đó, các trường đăng ký bao nhiêu sẽ được giao chỉ tiêu tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Giao chỉ tiêu tối đa
Theo dự báo của Bộ GD&ĐT, đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thực hiện ở tất cả các khối lớp, ngành Giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 giáo viên Ngoại ngữ và gần 7.300 giáo viên Tin học ở cấp tiểu học; trên 5.300 giáo viên Nghệ thuật ở cấp THPT.
Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2022, nhiều địa phương, cơ sở đào tạo giáo viên đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên nhằm đáp ứng Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; trong đó có việc tăng chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở đào tạo giáo viên.
Ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - khẳng định: Ngay từ khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ đã có nhiều giải pháp, tham mưu với Chính phủ và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, bảo đảm về chất lượng nhằm đáp ứng lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong mùa tuyển sinh năm nay, với những ngành thiếu giáo viên, Bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh tối đa cho các trường sư phạm. Tức là trường đăng ký bao nhiêu chỉ tiêu, Bộ sẽ giao tối đa để đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, mới đây Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã ký công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (địa phương) về việc đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên từ 2020 đến 2022. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương và năng lực đào tạo của trường, Bộ GD&ĐT đã xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên các năm 2020, 2021 cho các cơ sở đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục Đại học và các quy định của Bộ.
Để đảm bảo nhu cầu giáo viên mà các địa phương đã đề xuất đến năm 2022 và các năm tiếp theo (từ 2023 đến 2025) sát với nhu cầu sử dụng, số lượng giáo viên cần tuyển sinh, đào tạo theo đề xuất của các địa phương là một trong những căn cứ quan trọng để Bộ GD&ĐT xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo. Mặt khác, để việc đặt hàng, giao nhiệm vụ, hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của các địa phương đạt hiệu quả, Bộ GD&ĐT đề nghị chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát nhu cầu tuyển sinh và đào tạo giáo viên của năm 2022 và đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên các năm từ 2023 đến 2025.
Bắt nhịp với Chương trình GDPT mới
Tán thành với chủ trương của Bộ GD&ĐT “mở cửa” tuyển sinh với các ngành còn thiếu giáo viên, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) – đề nghị: Bộ cần sớm giao chỉ tiêu để các trường chủ động tuyển sinh, đào tạo. Ngoài ra, Bộ cần chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo môn học mới và ngành đào tạo giáo viên dạy liên môn;
Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo liên thông cho học sinh, sinh viên sư phạm chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó, tổ chức đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình; mở mã ngành liên môn/bổ sung tín chỉ cho sinh viên đang học tại trường để dạy liên môn.
Hiện, nhiều cơ sở đào tạo giáo viên đã mở một số ngành mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) – cho hay: Ngoài các ngành sư phạm truyền thống, nhà trường đã mở ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý. Theo đó, sinh viên được đào tạo theo hướng tích hợp để sau khi tốt nghiệp có thể bắt tay ngay vào công việc giảng dạy ở trường phổ thông.
Từ mùa tuyển sinh 2019, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh mở ngành đào tạo Sư phạm Khoa học Tự nhiên với 50 chỉ tiêu. Năm 2020, trường này tuyển 43 chỉ tiêu cho ngành đào tạo Sư phạm Lịch sử - Địa lý. Đến năm 2021, chỉ tiêu tuyển mới với ngành Khoa học Tự nhiên là 160 sinh viên và ngành Lịch sử - Địa lý là 190 em. Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cũng mở ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên và Sư phạm Lịch sử - Địa lý với chỉ tiêu lần lượt qua các năm 2019, 2020, 2021 là: 50, 100, 120 sinh viên.
Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đã tích cực chuyển hướng đào tạo. PGS.TS Lê Anh Phương - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Bên cạnh việc mở các chuyên ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên và Lịch sử - Địa lý, trường bổ sung kiến thức sư phạm liên môn cho sinh viên đang học tại trường; để khi tốt nghiệp, các em đủ khả năng đảm nhận các môn học tích hợp trong chương trình mới. Ngoài ra, sinh viên của trường còn được bồi dưỡng giống như giáo viên phổ thông cốt cán để có thể chủ động thực hiện có hiệu quả chương trình này khi ra trường.