Tuy nhiên, khi thực hiện kế hoạch tuyển dụng, các huyện không nhận đủ hồ sơ đăng ký dự tuyển đối với cấp học tiểu học, THCS. Nguyên nhân chính do ứng viên không đủ điều kiện về trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT cho phép cấp huyện được tuyển dụng viên chức sự nghiệp GD-ĐT đối với các trường hợp đã tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên với cấp học tiểu học, THCS để đáp ứng được nguồn nhân lực phục vụ cho việc dạy và học. Sau khi tuyển dụng ngành cam kết xây dựng kế hoạch đào tạo nâng chuẩn bảo đảm đúng theo lộ trình Quy định tại điều 5, điều 6 Nghị định 71.
Bộ GD&ĐT cho biết: Một trong những điều kiện bắt buộc đối với người đăng ký dự tuyển viên chức là có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm (Điểm đ, Khoản 1, Điều 22 Luật Viên chức). Từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, trình độ chuẩn được đào tạo được nâng từ trung cấp lên ĐH đối với giáo viên tiểu học và nâng từ CĐ lên ĐH đối với giáo viên THCS (Điểm b Khoản 1 Điều 72).
Do đó, khi thực hiện việc tuyển dụng giáo viên tiểu học/THCS, người đăng ký dự tuyển phải đáp ứng đúng yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên tiểu học/THCS được quy định tại Luật Giáo dục 2019. Đối với các trường hợp chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo, nếu có nguyện vọng trở thành giáo viên, cần có kế hoạch học liên thông để đạt trình độ chuẩn, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo để có đủ điều kiện tham gia tuyển dụng.
Bên cạnh đó, đề nghị cử tri kiến nghị với UBND tỉnh chủ động các phương án về nguồn tuyển dụng giáo viên: Đặt hàng đào tạo giáo viên; đặt hàng đào tạo liên thông đối với những người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp, CĐ; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với những người đã tốt nghiệp trình độ đào tạo theo quy định các chuyên ngành phù hợp và có nhu cầu trở thành giáo viên; có chính sách thu hút trong tuyển dụng...
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trước mắt, địa phương có thể bố trí nguồn lực để ký hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ; hoặc ký hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái giáo viên, bố trí 1 giáo viên dạy ở các trường trên cùng địa bàn (khoảng cách địa lý không xa), dạy trực tuyến…