“Đỏ mắt” tuyển giáo viên mỹ thuật, âm nhạc

GD&TĐ - Nhiều trường THCS tại TPHCM gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên dạy mỹ thuật, âm nhạc.

Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8, TPHCM) học mỹ thuật.
Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8, TPHCM) học mỹ thuật.

Thậm chí có phòng giáo dục thông báo tuyển dụng viên chức vị trí này với hơn 20 người nhưng không nhận được hồ sơ ứng tuyển nào.

Không có hồ sơ đăng ký

Huyện Bình Chánh (TPHCM) đã tuyển xong trên 400 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, dạy nghề phục vụ cho năm học 2021 - 2022. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Châu - Trưởng phòng GD&ĐT  huyện Bình Chánh, hồ sơ ứng tuyển giáo viên năm nay không có ứng viên cho vị trí giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ  bậc THCS. Trong khi nhu cầu tuyển dụng cho các vị trí này trên 20 giáo viên.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên Quận 8 (TPHCM) nhiều lần phải điều chỉnh lịch tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục. Theo ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Quận 8, quận dự kiến tuyển dụng 272 viên chức, trong đó 250 giáo viên và 22 nhân viên. Thời gian nhận hồ sơ tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục từ 14/12/2021 - 14/1/2022.

“Giáo viên âm nhạc, mỹ thuật bậc THCS hiện thiếu nhiều nhưng khó tuyển. Nguyên nhân do không có người đăng ký, có thể do lĩnh vực này không thu hút nên khó đào tạo giáo viên…”, ông Dương Văn Dân chia sẻ.

Trong khi đó, thầy Phó Trọng Huy - Hiệu trưởng Trường THCS Tùng Thiện Vương (Quận 8, TPHCM) cho biết: Trường thiếu giáo viên mỹ thuật nhưng nhiều năm liền không tuyển được vị trí này. Nhà trường xử lý bằng việc thỉnh giảng thêm giáo viên.

Nói về nguyên nhân, thầy Nguyễn Long Giao - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8, TPHCM), cho rằng: Thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật một phần do ngành sư phạm thời gian qua không thu hút được nguồn lực. Trong khi đó, các trường mỹ thuật, nhạc viện cũng quên bẵng đi thị trường cần một lượng lớn về nhân lực ở lĩnh vực này là các cơ sở giáo dục phổ thông.

“Các trường đặc thù về mỹ thuật, âm nhạc nên cho sinh viên về tiếp cận các trường phổ thông để họ có thêm tình cảm với mảng công việc này. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng giáo viên ở lĩnh vực này mở rộng. Theo đó, cử nhân tốt nghiệp mỹ thuật, âm nhạc có bằng đại học kèm theo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là có thể ứng tuyển được.

Về phía sở hay phòng cần có sự phối kết hợp với các trường sư phạm và ngoài sư phạm nhưng có đào tạo lĩnh vực liên quan để có nguồn tuyển. Song song với đó là truyền thông, động viên, khuyến khích sinh viên lĩnh vực này biết về khuynh hướng tuyển dụng giáo viên để họ có thông tin, nộp hồ sơ ứng tuyển…”, thầy Nguyễn Long Giao chia sẻ.

Một tiết học Âm nhạc của học sinh THCS TPHCM.
Một tiết học Âm nhạc của học sinh THCS TPHCM.

Điều chỉnh đào tạo và giảng dạy

Hiện việc dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật ở khối lớp 6 theo Chương trình GDPT mới có sự thay đổi. Theo thầy Thế Tạo - Giáo viên âm nhạc Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Gò Vấp, TPHCM), nhà trường có nhu cầu tuyển thêm 1 giáo viên âm nhạc, 2 giáo viên mỹ thuật. Thời gian qua mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng việc giảng dạy môn Âm nhạc trong trường vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đối với khối lớp 6 theo Chương trình GDPT mới, môn Mỹ thuật và Âm nhạc gộp chung gọi là môn Nghệ thuật.

Theo thầy Thế Tạo, việc giảng dạy 2 môn học này ở Chương trình GDPT mới có vận dụng một số phương pháp hiện đại, đồng thời có sự thay đổi trong tiến trình dạy học. Những vấn đề này giáo viên đã được tập huấn. “Nhìn chung chương trình mới có những cái hay, tuy nhiên có những nội dung thời gian trên lớp ít quá không đủ để giáo viên truyền đạt cho học sinh hiểu được. Ví dụ nội dung nói về nhạc cụ mà chỉ cho 10 phút thì quá ngắn để nói về một lĩnh vực rộng…”, thầy Tạo chia sẻ.

Cũng theo thầy Tạo, để các giáo viên lĩnh vực này kiếm thêm thu nhập từ những giờ phụ trội tại trường là rất khó. “Trung bình giờ chuẩn đối với giáo viên Âm nhạc là 19 tiết/tuần, còn với giáo viên chủ nhiệm như tôi là 15 tiết. Như vậy, tôi chỉ cần dạy khoảng 2 ngày là đủ giờ, còn lại phải đi “chạy sô” bên ngoài mới đủ sống”, thầy Tạo cho biết.

Thực trạng khó tuyển giáo viên ở TPHCM còn do ít cơ sở GDĐH có đào tạo giáo viên hai lĩnh vực này. Theo TS  Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE), hiện HCMUE chưa có mã ngành đào tạo giáo viên  mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ cho bậc THCS.

Trường ĐH Sài Gòn (SGU) có khoa Nghệ thuật, đào tạo giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật THCS. Tuy nhiên, theo TS Võ Văn Thật - Phó Hiệu trưởng nhà trường, những năm gần đây trường chỉ tuyển được khoảng phân nửa chỉ tiêu. Năm 2021, trường tuyển được khoảng 70 - 80% chỉ tiêu. Bên cạnh đó, khi học xong các sinh viên ngành này cũng không phải ai cũng chọn đi dạy như con đường đã dự tính ban đầu.

“Khi tốt nghiệp ra trường, có một số em về tỉnh, có em ở lại thành phố nộp đơn dự tuyển làm giáo viên, trong khi đó một số khác đi theo con đường nghệ thuật. Đặc biệt là các sinh viên chuyên ngành âm nhạc, khi đi theo con đường nghệ thuật thì thu nhập cao hơn nhiều”, TS Võ Văn Thật cho biết.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, hiện nhà trường dự định tuyển thêm giảng viên để nâng cao năng lực đào tạo giáo viên lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của TP. Bên cạnh đó, TS Võ Văn Thật  cho rằng phía sở GD&ĐT và nhà trường cũng cần ngồi lại để thống nhất nhu cầu chỉ tiêu đào tạo ở lĩnh vực này, từ đó trường có căn cứ đề xuất với Bộ.

“Nhằm cập nhật những thay đổi của chương trình đào tạo mới, nhà trường sẽ phối hợp với các phòng giáo dục, cơ sở đào tạo phổ thông để đưa giảng viên đi dự khán, thậm chí là đứng lớp dạy học để cảm nhận được sự thay đổi chương trình mới. Từ đó giảng viên có sự thích ứng và sau này giảng dạy cho SV gần với thực tiễn đào tạo tại trường phổ thông hơn…” - TS Võ Văn Thật chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?