Bức thư cuối cùng của liệt sĩ Gạc Ma mãi mãi tuổi 20

Bức thư đầy xúc động, cũng là những dòng chữ cuối cùng anh gửi lại, thân thể anh đã hòa vào sóng nước Trường Sa. Nhớ đến anh, để người dân Việt sát vai nhau hơn vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Gái (80 tuổi) mẹ của liệt sĩ Gạc Ma rưng rưng cầm kỷ vật của con.
Bà Nguyễn Thị Gái (80 tuổi) mẹ của liệt sĩ Gạc Ma rưng rưng cầm kỷ vật của con.

Bức thư cuối cùng của liệt sĩ Gạc Ma

Thái Bình là một tỉnh có đến 9 trong tổng số 64 liệt sĩ đã ngã xuống trong sự kiện Gạc Ma 1988. Ngày 10/3, chúng tôi đến nhà liệt sĩ Nguyễn Văn Phương, sinh năm 1968, tại xã Mê Linh (Đông Hưng). 

Tiếp chúng tôi là mẹ liệt sĩ là bà Nguyễn Thị Gái, năm nay 80 tuổi, dù lưng đã còng, bước đi run rẩy không vững, nhưng vẫn còn minh mẫn.

Nhắc đến những kỷ niệm về liệt sĩ Nguyễn Văn Phương, mẹ chia sẻ, mấy chục năm rồi, nhưng hình bóng của người con trai bà yêu quý vẫn luôn trong tâm trí bà. 

Nhiều năm nay, bà vẫn nằm mơ thấy liệt sĩ Nguyễn Văn Phương, bà kể, bà mơ thấy anh về đứng ở đầu giường, vén màn nhìn bà. Với bà, anh Phương vẫn còn bé bỏng như ngày nào.

Cầm những kỷ vật của anh Phương trên tay, người mẹ liệt sĩ Gạc Ma ấy đã không thể kìm được nước mắt, bà khóc…. Những ký ức về ngày đau thương năm ấy, ngày 14/3/1988, lại hiện về trên khóe mắt chẳng chịt những vết chân chim…

Bà kể: 8 giờ sáng hôm đó bà đang rửa mặt, đài Tiếng nói Việt Nam thông báo danh sách chiến sĩ Hải quân mất tích tại đảo Gạc Ma, các con bà báo tin anh Phương đã hy sinh, bà còn mắng: “Các con nói láo”. 

Nhưng linh tính người mẹ mách bảo, ruột gan bà như lửa đốt, bà đã chờ để nghe lại thông tin. Tên anh Phương được nhắc lên, với quê quán trùng khớp, bà đã không thể tin vào tai mình, ngơ ngẩn, không muốn làm gì nữa. Rồi ngồi lặng yên một góc lén giấu đi những giọt nước mắt trào ra.

Bà kể trong nước mắt: “Thằng Phương đẹp trai nhất nhà, ngoan ngoãn, việc gì cũng biết làm, cấy nhanh, thạo hơn con gái, chơi thể thao cũng giỏi. Vậy mà giờ đây…”

Vừa nói, mắt bà vừa nhòa lệ, tay vân vê là thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương gửi về trước khi hy sinh. Bức thư không còn nguyên vẹn nhưng nét chữ đẹp, rõ ràng ngay ngắn trên trang giấy màu nâu. Ngày gửi thư chỉ cách ngày anh hy sinh khoảng 1 tuần. Đây là bức thư cuối cùng của người liệt sĩ hy sinh khi chưa đầy 20 tuổi.

“Cam Ranh ngày 6/3/88

Bà, bố mẹ kính mến

Anh chị kính mến

Các em thương nhớ.

Hôm nay con tranh thủ cầm bút ghi mấy dòng chữ về thăm sức khỏe của gia đình.

Lời đầu thư con kính chúc toàn thể gia đình luôn luôn mạnh khỏe sản xuất tốt thu nhiều thắng lợi, qua thư cho con gửi lời kính chúc sức khỏe tới toàn thể họ hàng thân thích xa gần trong gia đình…

...còn gia đình cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về, bao giờ con về sẽ về thôi…”

Lá thư cuối cùng của liệt si Nguyễn Văn Phương
Lá thư cuối cùng của liệt si Nguyễn Văn Phương

Bức thư còn mang theo những dự cảm về điều gì đó sẽ xảy ra, nhưng cũng hàm chứa quyết tâm của người lính nơi tiền tuyến. Sau khi bức thư ấy được viết chỉ một tuần, ngày 14/3/1988, sự kiện Gạc Ma đã diễn ra, anh Nguyễn Văn Phương cùng nhiều đồng đội đã nằm lại biển khơi.

Nơi anh không trở về...

Trước khi có chuyến đi này, người viết bài đã có cuộc trò chuyện với cựu chiến binh Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh), nhân chứng sống sót đảo Gạc Ma về những gia đình liệt sĩ mà chúng tôi sẽ đến thăm. 

Anh Thảo cho biết: “Đêm trước khi diễn ra sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tôi ngồi nói chuyện với Nguyễn Văn Phương khá lâu. Lúc đầu rất đông anh ngồi cùng nói chuyện, sau chỉ có tôi và Phương. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều về quê hương, gia đình… nhưng hôm sau, tôi được lệnh xuống bảo vệ anh em xây dựng đảo Gạc Ma.

Phương ở lại trên tàu HQ 604. Quân Trung Quốc giằng co với chúng tôi không được, họ quay lại tàu và bắn đại liên vào chúng tôi, đồng thời nã pháo vào tàu vận tải HQ 604 và các tàu vận tải khác của ta ở gần đó. 

Chúng tôi chống trả quyết liệt, nhưng chỉ ít phút sau tàu HQ 604 chìm, chúng tôi dìu anh em bị thương lên xuồng, xé áo nút vào những vết đạn bắn và tát nước ra. Trong đó có anh Nguyễn Văn Phương đã hy sinh, anh Nguyễn Văn Lanh bị thương….

Xuồng của chúng tôi bơi ra phía tàu HQ 604 và cứu được một số anh em. Đến 15 giờ tàu HQ 505 cử xuồng máy ra trợ giúp. Đến 17 giờ cùng ngày, chúng tôi chèo xuồng vào được về đến bãi Cô- Lin, lúc đó tàu HQ505 đã bị hư hỏng, ủi bãi và đang bảo vệ Cô- Lin”.

Trong tâm trí của anh Thảo, dù chỉ trò chuyện thân thiết với liệt sĩ Phương có một lần, nhưng anh Thảo vẫn nhớ mãi dáng người gầy gò, tình cảm, dễ gần…

Giống như tính cách của anh, liệt sĩ Nguyễn Văn Phương xuất hiện trên dòng tên khá khiêm tốn với cấp bậc không cao, nhiệm vụ của anh cũng kín đáo, “trung sĩ cơ yếu”. 

Công việc của các anh là nhận những tiếng “tặc tặc tè” hoặc những con số biến thành những mệnh lệnh, thông điệp, công việc của sĩ quan mật mã. Lặng lẽ, bền bỉ.

Và rồi cái ngày định mệnh ấy, ngày mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Gạc Ma thuộc Trường Sa của Việt Nam, nhiều liệt sĩ như anh Nguyễn Văn Phương đã nằm lại biển khơi chưa trở về…Các anh ngã xuống để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Tổ quốc vẫn luôn nhắc tên các anh, ghi công các anh. Trong tim những người yêu nước, các anh vẫn mãi là một phần không thể quên của lịch sử. 

Đến thăm gia đình liệt sĩ mới thấu hiểu điều này, hiện nay, bố mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Phương đang sống trong ngôi nhà mái bằng kiên cố được xây năm 2009.

Bà Nguyễn Thị Gái cho biết, ngôi nhà được xây dựng là nhờ sự giúp đỡ của đơn vị anh Phương. Ngoài ra, hàng năm, vào ngày giỗ, ngày thương binh liệt sĩ, ngày tết, chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể vẫn quan tâm động viên thăm hỏi gia đình bà.

Bà Phạm Thị Mùi - Chủ tịch Công đoàn Bộ Thông tin và Truyền thông - cũng cho biết thêm: Cuối năm 2014, 10 Công đoàn ngành Trung ương đã về Thái Bình, cũng đã mời gia đình liệt sĩ Gạc Ma lên thành phố Thái Bình tổ chức thăm hỏi động viên và tặng quà.

Theo infonet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ