Bữa ăn học đường: Điểm trường vùng cao khó đáp ứng yêu cầu

GD&TĐ - Để tổ chức bữa ăn học đường và căng tin bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các trường ở Kon Tum triển khai nhiều phương án.

Nhà xa nên học sinh Trường Tiểu học Phan Đình Giót mang cơm đến trường.
Nhà xa nên học sinh Trường Tiểu học Phan Đình Giót mang cơm đến trường.

Thế nhưng, những điểm trường lẻ khó thực hiện vì thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh tế và con người.

Thiếu thốn trăm bề

Dự kiến học kỳ II năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) tổ chức bữa ăn học đường cho học sinh. Nhưng nhà trường vẫn tìm phương án khắc phục khó khăn để tổ chức bữa ăn dinh dưỡng, an toàn cho các em.

Cô Từ Thị Kim Thanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trường có 475 học sinh. Phụ huynh đa số làm nông, nhà xa nên ít có thời gian đưa – đón con tới trường. Chính vì vậy, nhiều gia đình mong muốn nhà trường tổ chức bán trú để thuận lợi cho học sinh đến trường học chữ.

“Tổ chức bữa ăn bán trú sẽ giúp phụ huynh yên tâm gửi con ở trường khi làm việc xa nhà; đảm bảo được tỷ lệ chuyên cần và chất lượng dạy học. Tuy nhiên, nhà trường vẫn gặp nhiều khó khăn vì thiếu phòng ăn, bàn ghế và chỗ nghỉ cho học sinh. Đặc biệt, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề khiến nhà trường lo lắng nhất”, cô Thanh tâm sự.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho hay, thời gian qua có một số sự việc đáng tiếc liên quan đến ngộ độc thực phẩm nên trước khi triển khai bữa ăn học đường, nhà trường đặc biệt chú trọng vấn đề này. Trường đang tìm đơn vị cung ứng thực phẩm có đầy đủ chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, nhà trường yêu cầu đơn vị cung ứng phải ký cam kết, lưu mẫu thực phẩm từng bữa ăn… Sau đó, nhà trường lên kế hoạch để thống nhất với phụ huynh học sinh.

“Thực hiện bữa ăn bán trú theo yêu cầu chuẩn rất khó triển khai đối với nhà trường. Bởi cơ sở vật chất, con người… của đơn vị không đảm bảo. Hiện, trường thiếu giáo viên giảng dạy nên không thể kiêm nhiệm nấu ăn hoặc chăm lo cho học sinh. Do đó, đơn vị phải thuê nhân viên cấp dưỡng. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm vẫn phải trông coi, quản lý học sinh nên rất vất vả. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng nhà trường sẽ cố gắng tổ chức bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng”, cô Thanh nói.

Năm học 2022 - 2023 thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3 nên học sinh bắt buộc học Tin học và Tiếng Anh. Ở những điểm trường thôn, cơ sở vật chất không đảm bảo, sĩ số ít nên các em phải ra trường chính học tập. Nhiều em nhà xa, cách trường 3 - 5km nên phụ huynh không thể đưa đón hằng ngày mà buộc phải ở bán trú. Thế nhưng điều kiện cơ sở vật chất, con người không đảm bảo nên Trường Tiểu học Phan Đình Giót (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) chẳng thể tổ chức bữa ăn bán trú.

Theo cô Nguyễn Thị Thoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường có 511 học sinh. Do không có bếp ăn nên nhà trường chỉ tổ chức bán trú dân nuôi cho 25 học sinh lớp 3, 4 và 5. Theo đó, mỗi sáng, các em mang cơm đến lớp, một số em được cha mẹ nấu mang lên. Không có phòng ăn nên nhà trường tạm thời trải chiếu hoặc kê bàn học để các em ăn trưa; đồng thời kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ chăn, gối để học sinh nghỉ tại lớp.

Trường PTDTBT cấp 1, 2 Măng Bút II tổ chức bữa ăn bán trú cho 174 học sinh.

Trường PTDTBT cấp 1, 2 Măng Bút II tổ chức bữa ăn bán trú cho 174 học sinh.

Khó tổ chức bếp ăn cô nuôi

Với số lượng 174/258 học sinh bán trú, Trường PTDTBT cấp 1, 2 Măng Bút II (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) chỉ có 2 cô nuôi phụ trách nấu ăn. Với mức hỗ trợ hơn 1 triệu đồng/tháng, việc thuê nhân viên nấu ăn là rất khó nên nhà trường giảm số lượng người để tăng tiền công. Tuy nhiên, giáo viên vẫn phải chăm lo và dọn dẹp sau khi học sinh ăn uống.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thành Nhẫn, trường thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa nên việc tìm nguồn thực phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn khá khó khăn. Do đó, nhà trường đã ký hợp đồng với một đơn vị cung ứng tại thành phố Kon Tum, cách trường khoảng 100km. Hàng tuần, đơn vị này vận chuyển thực phẩm tươi sống lên và nhà trường tích trữ trong 6 tủ đông. Rau củ thì công ty vận chuyển 2 lần/tuần và đều có giấy tờ cam kết đảm bảo chất lượng. Tất cả công đoạn từ đầu vào thực phẩm đến chế biến đều được nhà trường kiểm tra kỹ lưỡng.

Ông Võ Xuân Tựu, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Plông, cho hay, toàn huyện có 30 trường mầm non, tiểu học và THCS. Với trường tổ chức bán trú cho học sinh, phòng yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Plông, phần lớn trường ở vùng sâu, vùng xa hoặc điểm trường lẻ cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Bên cạnh đó, đường sá xa xôi, điều kiện khó khăn nên nguồn thực phẩm không được đa dạng, chủ yếu là bán trú dân nuôi. Do đó, với trường vùng khó chưa thể thực hiện quy định bếp ăn một chiều.

“Với trường học vùng sâu, vùng xa nếu thực hiện bán trú cô nuôi vẫn phải đảm bảo quy định về 3 bước kiểm tra. Theo đó, trước khi thực phẩm được chế biến, nhà trường phải kiểm tra kỹ lưỡng, lưu mẫu và đảm bảo an toàn vệ sinh”, ông Tựu nói.

Tương tự, năm học 2022 - 2023, huyện biên giới Sa Thầy có 38 trường từ mầm non đến THCS. Theo bà Võ Thị Kim Dung, Trưởng phòng GD&ĐT, hiện chỉ có các trường trên địa bàn thị trấn, xã thuận lợi mới tổ chức bữa ăn bán trú cô nuôi cho học sinh. Còn với xã vùng sâu, vùng xa, như: Hơ Moong, Rời Kơi, Mô Rai… trường mầm non tổ chức bán trú dân nuôi.

“Việc tổ chức bán trú cô nuôi tại các điểm trường lẻ không khả thi bởi điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, những trường vùng khó khăn thường tuyên truyền, thống nhất với phụ huynh chuẩn bị cơm để con em mang theo đến trường. Đồng thời, để bữa ăn của học trò được đảm bảo, các trường kêu gọi, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ cặp lồng inox cho các em. Giáo viên chuẩn bị thùng xốp nhằm giữ ấm, đảm bảo vệ sinh và tránh hư hỏng thức ăn”, bà Dung nói.

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 đặt mục tiêu 100% trường học tổ chức bữa ăn và căng tin bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, đến năm 2025, Trường Tiểu học Phan Đình Giót khó thực hiện được bởi cơ sở vật chất không đảm bảo, gia đình học sinh khó khăn. Do đó, đơn vị mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư phòng ăn, bàn ghế, chỗ nghỉ ngơi… cho trò. - Cô Nguyễn Thị Thoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.