Giải bài toán khó trong tuyển sinh Sư phạm Mĩ thuật

GD&TĐ - Tuyển sinh là khâu quan trọng tác động đến chất lượng đào tạo giáo viên Mĩ thuật. Đây là khâu chọn “nguồn nguyên liệu đầu vào”. Sẽ khó cho sản phẩm đầu ra có chất lượng cao nếu nguyên liệu đầu vào không tốt. Vì vậy, tuyển sinh đối tượng nào? Cách tuyển sinh ra sao? Tiêu chí chất lượng tuyển sinh thế nào? … là những vấn đề cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Giải bài toán khó trong tuyển sinh Sư phạm Mĩ thuật

Bài toán hóc búa

Thực tế công tác tuyển sinh hiện nay cho thấy, số lượng thí sinh đăng kí vào các trường ĐH nói chung và ĐH Sư phạm nói riêng giảm một cách đáng kể. Ngành SP Mĩ thuật cũng gặp khó khăn do những năm gần đây không nhiều thí sinh mặn mà với nghề này.

Điều đó đặt ra một bài toán hóc búa cho các cơ sở đào tạo giáo viên Mĩ thuật phải giải quyết một mâu thuẫn khắc nghiệt giữa một bên là tuyển sinh để lấy được người học có năng khiếu (đồng nghĩa với số lượng rất ít ỏi của “đầu vào”) với một bên là người học không có năng khiếu (đồng nghĩa là các em đó cứ thi vào là đều trúng tuyển).

Chia sẻ tại hội thảo “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, CBQL các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm” do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Thu Tuấn (khoa Nghệ thuật - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đưa ra giải pháp cho vấn đề này.

Lựa chọn đầu vào

Điều đầu tiên, PGS.TS. Nguyễn Thu Tuấn cho rằng, các trường/khoa sư phạm Mĩ thuật sẽ tuyển sinh chọn đầu vào dựa trên kết quả bài thi của 2 môn chuyên ngành (Hình họa và Bố cục/ hoặc Trang trí), ngoài ra cần có một bài kiểm tra trắc nghiệm, kết hợp với phỏng vấn và xem xét kết quả học tập của thí sinh ở 3 năm học THPT.

Về hình thức phỏng vấn, ngoài mục đích kiểm tra kiến thức chuyên môn của chuyên ngành Mĩ thuật, còn có mục đích quan trọng hơn là trắc nghiệm về thái độ đối với nghề nghiệp và đạo đức sư phạm.

Tiến tới sau này khi tuyển chọn thí sinh vào ngành sư phạm Mĩ thuật sẽ có trắc nghiệm một số kĩ năng cơ bản cần thiết của nghề dạy học Mĩ thuật (như các kĩ năng nói, viết, vẽ minh họa trên bảng; kĩ năng giao tiếp, giải quyết các tình huống sư phạm…) và những hiểu biết nhất định về khoa học xã hội - nhân văn.

Chọn người tâm huyết với nghề

Theo PGS.TS. Nguyễn Thu Tuấn, điều quan trọng nhất là yêu cầu thí sinh phải có những thiên hướng, thái độ yêu nghề dạy học. Chính phẩm chất ban đầu này sẽ là động lực quyết định sự cố gắng phấn đấu của sinh viên khi đang học ở trường sư phạm và cả khi họ ra trường công tác.

Cần hạn chế tối đa tình trạng phổ biến hiện nay ở Việt Nam là nhiều sinh viên khi chọn ngành nghề cũng như khi học chưa ý thức được tính kiên định với nghề sau này.

Để tạo được nguồn tuyển sinh cho ngành sư phạm Mĩ thuật đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, PGS.TS. Nguyễn Thu Tuấn gợi ý có thể thực hiện các hình thức dưới đây:

Thứ nhất: Muốn chọn được giáo viên Mĩ thuật tâm huyết với nghề, các trường/ khoa sư phạm Mĩ thuật cần phải cộng tác với các trường phổ thông để nhờ họ theo dõi, khuyến khích, động viên học sinh có năng khiếu Mĩ thuật dự thi vào ngành sư phạm Mĩ thuật.

Cụ thể là cử giảng viên về các cụm trường phổ thông để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 hiểu rõ về nghề và những yêu cầu của nghề trước khi các em thi vào trường; giới thiệu thông tin về trường/khoa sư phạm Mĩ thuật của mình; hoặc đơn giản hơn là phát tờ rơi giới thiệu chi tiết về việc thi tuyển đầu vào như thế nào, chương trình đào tạo ra sao, quyền lợi khi học và khi ra trường được tuyển dụng như thế nào…).

Đồng thời cũng nhắc nhở học sinh không nên chỉ vì thấy lợi trước mắt là được hưởng các chế độ ưu đãi cho sinh viên ngành sư phạm Mĩ thuật mà đăng kí thi vào trường sư phạm, điều đó có thể dẫn đến tình trạng nhiều em bỏ học giữa chừng hoặc ra trường không thể đi dạy được do không có năng khiếu sư phạm và không yêu thích nghề dạy học.

Thứ 2: Ngoài nguồn tuyển sinh đầu vào là học sinh tốt nghiệp THPT, có thể thực hiện tuyển sinh theo mô hình đào tạo nối tiếp cho đối tượng là người học đã có bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ ngành Mĩ thuật nhưng họ chưa được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm và đang có nguyện vọng muốn dạy học môn Mĩ thuật ở các trường phổ thông.

"Với đối tượng này, có thể miễn thi 2 bài chuyên ngành để tuyển thẳng vào trường ĐH, rồi đào tạo họ 1 năm chuyên sâu về nghiệp vụ sư phạm, sau đó cấp bằng ĐH sư phạm Mĩ thuật cho họ" - PGS.TS. Nguyễn Thu Tuấn nêu ý kiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.